Hơn 1,5 triệu khách đi lại bằng đường hàng không dịp 30/4; Giá chung cư Hà Nội liên tục tăng; Giá vàng SJC tăng mạnh sau đấu thầu; Dự án Thuận An thi công gây bức xúc; Chủ tịch Sacombank liên quan gì bà Trương Mỹ Lan… là những thông tin đáng chú ý trong tuần qua.
Tập đoàn Thuận An thi công dự án giao thông gây bức xúc nhất Hà Nội
Tập đoàn Thuận an đã và đang thi công trên địa bàn Hà Nội bao gồm: Dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long; Dự án cầu Vĩnh Tuy 2 (dự án trọng điểm); Dự án xây dựng cầu vượt nút giao An Dương – đường Thanh Niên; Nâng cấp, mở rộng đường Nghi Tàm – Âu Cơ (dự án dự án xây dựng cầu vượt tại nút giao An Dương – đường Thanh Niên giai đoạn 2 – dự án trọng điểm, cấp bách). Trong đó, hiện Dự án nâng cấp, mở rộng đường Nghi Tàm – Âu Cơ đang thi công; 3 dự án còn lại đã thi công xong và đưa vào sử dụng.
Cụ thể, với dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long, dự án do Cục Đường bộ Việt Nam – Bộ GTVT làm chủ đầu tư, Tập đoàn Thuận An là một trong các nhà thầu thi công dự án, công trình đã hoàn thành năm 2021 và bàn giao cho Hà Nội tiếp quản và tổ chức giao thông.
Với dự án cầu Vĩnh Tuy 2, do Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội (Ban Giao thông Hà Nội) làm chủ đầu tư, Tập đoàn Thuận An liên doanh cùng Công ty Cổ phần cầu 7 Thăng Long trúng thầu và thực hiện gói thầu số 02, gói thầu có giá trị 289 tỷ đồng; hiện dự án cầu Vĩnh Tuy 2 đã thi công xong, đưa vào sử dụng năm 2023.
Tại dự án xây dựng cầu vượt tại nút giao An Dương – đường Thanh Niên, do Ban Giao thông Hà Nội làm chủ đầu tư, Tập đoàn Thuận An trúng thầu gói số 12 giá trị khoảng 100 tỷ đồng, hiện dự án cũng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2018.
Dự án nâng cấp mở rộng đường Nghi Tàm – Âu Cơ dài 3,7km. Tổng đầu tư dự án giai đoạn là 544 tỷ đồng, thời gian thi công từ 2018 đến 2020 đến nay vẫn chưa xong. Tại công trường thi công gói thầu số 40 đoạn từ nút giao Xuân Diệu đến nút giao Lạc Long Quân của liên danh 3 nhà thầu trong đó Tập đoàn Thuận An đứng đầu vẫn ngổn ngang.
Thực hư thông tin Chủ tịch Sacombank liên quan tới bà Trương Mỹ Lan
Sáng 26/4, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank – mã chứng khoán: STB) tổ chức đại hội cổ đông thường niên 2024. Phát biểu tại đại hội, ông Dương Công Minh – Chủ tịch HĐQT Sacombank cho biết: “Tôi là cổ đông lớn nhất của Sacombank, những tin đồn ảnh hưởng đến tôi cũng ảnh hưởng đến quyền lợi của Sacombank và cổ đông”.
Ông Dương Công Minh khẳng định: “Tôi không liên quan gì bà Trương Mỹ Lan và các vụ việc của bà Trương Mỹ Lan. Vụ việc của bà đã có cáo trạng truy tố. Đây là tin đồn ông Thắng Đặng viết trên Facebook”.
Theo Chủ tịch HĐQT Sacombank, nguyên nhân của vấn đề này là do khi Sacombank cho Bamboo Airways vay tiền, ông Minh phải làm cố vấn cho khoản tín dụng của Bamboo Airways không mất vốn. Khi đó, ông Thắng có đòi 200 tỷ đồng cho cá nhân, nhưng sau đó gia đình ông Quyết đã cho ông Thắng nghỉ trước khi nhà đầu tư mới vào.
“Tôi có đề nghị ông Thắng làm việc với đối tác mới. Nếu có liên quan đến bà Trương Mỹ Lan cũng như Vạn Thịnh Phát, tôi không bao giờ ngồi đây được. Tôi đảm bảo với quý vị, trong mọi trường hợp tôi đều hướng về ngân hàng, vì ngân hàng”, ông Minh nói.
Trả lời câu hỏi của cổ đông về việc không chia cổ tức, ông Dương Công Minh cho rằng, nếu như hoàn được vốn điều lệ và nợ xấu giảm xuống dưới 3% thì khi đó mới đủ điều kiện chia cổ tức. Sacombank sẽ hoàn thành trong năm nay.
Hơn 1,5 triệu khách đi lại bằng đường hàng không dịp 30/4
Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết dự kiến đón khoảng 9.000 lượt cất, hạ cánh, với trung bình 1.285 lượt/ngày (tăng 16,5% so với bình quân ngày bình thường tháng 4 và, bằng 98% so với cùng kỳ 2023).
Sản lượng hành khách ước đạt 1,53 triệu lượt, trung bình 218.600 hành khách/ngày (tăng 15-20% so với ngày bình thường tháng 4 và bằng 98% so với cùng kỳ 2021). Trong đó, ngày cao điểm nhất theo tính toán là 1.530 lượt cất, hạ cánh và 260.000 lượt hành khách.
Theo ACV, trong dịp kỳ nghỉ lễ kéo dài 5 ngày, ngày 26/4 và 1/5 dự kiến đón số lượng hành khách đi lại cao nhất. Trong đó, Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất sẽ đón khoảng 125.000 lượt hành khách/ngày. Trong giai đoạn này, tổng số chuyến bay đi, đến Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất là 4.280 chuyến (chuyến bay quốc tế 1.602 chuyến và 2.678 chuyến bay nội địa), trung bình có 720 chuyến bay mỗi ngày.
Sân bay này cũng đón hơn 686.700 hành khách trong cả giai đoạn nghỉ lễ (với 282.800 khách quốc tế và 403.800 khách quốc nội).
Tại Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài, ngày cao nhất sẽ có khoảng 94.000 lượt hành khách (trong đó, gần 37.000 lượt khách quốc tế, 57.000 lượt khách quốc nội) và 538 lượt chuyến bay (có 235 lượt chuyến bay quốc tế, 303 lượt chuyến bay quốc nội).
Giá chung cư Hà Nội liên tục tăng
Tại cuộc họp báo quý I của Bộ Xây dựng sáng 26/4, ông Hoàng Hải – Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng, cho biết, thiếu nguồn cung là một trong những nguyên nhân ở một số nơi,vị trí, dự án đẩy giá lên. “Bản chất cơ cấu sản phẩm chưa hợp lý. Cán cân nhà ở phù hợp thu nhập thấp còn ít, nhà ở cho thu nhập cao vẫn còn nhiều”, ông Hải nói.
Ông Hải dẫn chứng, theo khảo sát của một số tổ chức nghiên cứu thì giá bán trung bình một số dự án tại TP Hà Nội và TP HCM dao động khoảng 50 – 70 triệu/m2.
Cụ thể, giá căn hộ chung cư rao bán tại Hà Nội ghi nhận liên tục tăng trên cả thị trường sơ cấp (bán từ chủ đầu tư) và thứ cấp (người mua của chủ đầu tư sau đó bán lại).
Theo khảo sát của một số tổ chức nghiên cứu thì trên thị trường có những dự án chung cư đã đi vào sử dụng từ 5-10 năm, thậm chí nhà tập thể cao tầng cũ cũng được đẩy giá khá cao, giá căn hộ chung cư tại Hà Nội đầu năm 2024 tăng khoảng 38% so với năm 2019.
Tuy nhiên, lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ giảm và bằng 81,51% so với cùng kỳ năm 2023. Theo đó, chỉ có khoảng 35.853 giao dịch thành công.
Khó hiểu việc giá vàng SJC tăng liên tục sau đấu thầu
Vào lúc 11h30 ngày 26/4, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết vàng miếng SJC 82,8 – 85 triệu đồng/lượng mua vào – bán ra, tăng 700.000 đồng/lượng so với đầu giờ sáng.
Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu niêm yết vàng miếng SJC 83 – 84,9 triệu đồng/lượng mua vào – bán ra, tăng 600.000 đồng/lượng.
Cùng thời điểm, giá vàng thế giới tăng nhẹ lên mốc 2.334 USD/ounce, tăng 3 USD/ounce so với đầu giờ sáng.
Với mức giá này, giá vàng thế giới quy đổi (chưa bao gồm thuế, phí) tương đương khoảng 71,86 triệu đồng/lượng.
Như vậy, giá vàng thế giới đang thấp hơn vàng nhẫn trong nước hơn 4 triệu đồng/lượng và thấp hơn vàng miếng SJC gần 13 triệu đồng/lượng.
Giá vàng miếng SJC liên tục tăng sau khi Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu vàng lần 1 sau 11 năm dừng hoạt động này. Trong lần gọi thầu đầu tiên, theo giới kinh doanh, họ không kịp chuyển tiền đặt cọc do thông báo mời thầu được gửi sát giờ đóng cửa của các ngân hàng vào thứ 6 tuần trước (19/4), nên phiên đấu thầu bị hủy.
Lần thứ hai, đấu thầu được tổ chức thành công nhưng chỉ có 2/11 đơn vị trả giá với khối lượng trúng là 3.400 lượng và Ngân hàng Nhà nước còn “ế” 13.400 lượng vàng miếng. Hầu hết đơn vị tham gia “không thỏa mãn” với mức giá sàn do Ngân hàng Nhà nước công bố khi xét tới việc phải bỏ ra lượng vốn lớn trong bối cảnh giá thế giới có xu hướng đi xuống.
Trả gần 73 tỷ đồng để thu hồi Dinh I Đà Lạt
Chiều 25/4, tại hội nghị giao ban và cung cấp thông tin báo chí tháng 5, ông Phạm S – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng – cho biết địa phương sẽ chính thức chấm dứt hoạt động của Cty CP Hoàn Cầu tại Dinh I.
UBND TP Đà Lạt được giao tiếp tục bảo quản, chăm sóc để chống xuống cấp; đồng thời xây dựng phương án đấu giá quyền thuê đối với Dinh I.
Theo báo cáo ngày 22/4 của Sở Tài chính, sở này đã tổ chức họp với các sở ban ngành và cơ quan liên quan; sau đó làm việc với Công ty CP Hoàn Cầu, qua đó xác định số tiền đầu tư đến 31/12/2022 là hơn 112 tỷ đồng. Sau khi trừ hơn 36 tỷ đồng tiền đã khấu hao và gần 3 tỷ đồng tiền thuê Dinh I, số tiền thực tế mà tỉnh Lâm Đồng phải hoàn trả nhà đầu tư khi thu hồi dự án gần 73 tỷ đồng.
Sở Tài chính đề xuất ngân sách nhà nước hoàn trả ngay cho Công ty CP Hoàn Cầu gần 56 tỷ đồng; còn lại hơn 17 tỷ đồng sẽ đưa vào phương án đấu giá để người trúng đấu giá trả tiếp cho doanh nghiệp này.