Taxi bay cất cánh thẳng đứng có thể ra mắt thị trường vào 2028

Một mẫu taxi bay chở 4 người đã được chứng minh có thể cất và hạ cánh thẳng đứng dự kiến ​​sẽ được tung ra thị trường vào năm 2028.

Được biết đến như một phương tiện cất cánh và hạ cánh thẳng đứng vận hành bằng điện (eVTOL), phương tiện SA-2 được sản xuất bởi công ty con Supernal của Hyundai. Những chiếc taxi này bắt đầu các chuyến bay thử nghiệm vào cuối năm nay, đại diện công ty cho biết.

Chiếc taxi bay SA-2 của Supernal cất cánh bằng cách sử dụng tám cánh quạt được phân bổ trên thân, tạo ra đủ lực đẩy cần thiết cho chuyến bay, tất cả hoạt động dựa trên nền tảng công nghệ động cơ điện phân tán (DEP).

Chiếc taxi bay SA-2 của Supernal cất cánh bằng cách sử dụng tám cánh quạt được phân bổ trên thân, tạo ra đủ lực đẩy cần thiết cho chuyến bay. (Ảnh: Supernal)

Simay Akar, thành viên cấp cao của Viện Kỹ sư Điện tử, đồng thời cũng là Giám đốc điều hành và người sáng lập AK Energy Consulting, nói với tạp chí Live Science: “Mặc dù có thể sẽ mất một thời gian để phương tiện eVTOL tích hợp động cơ điện phân tán (DEP) trở nên phổ biến, nhưng chúng chắc chắn sẽ đóng một vai trò quan trọng trong tương lai trong các phương thức di chuyển hàng không đô thị”. Tuy nhiên, Simay Akar cũng nói thêm rằng, một số điều bao gồm khung pháp lý và các công nghệ taxi bay tốt hơn sẽ cần phải được hoàn thiện trước khi điều đó xảy ra.

SA-2 được thiết kế để bay với tốc độ 193 km/h ở độ cao lên tới 457 mét và nó có thể hoàn thành các chuyến bay từ 40 đến 64 km. Theo Cục Hàng không Liên bang (FAA) của Mỹ, taxi bay SA-2 sẽ phát ra âm thanh ở mức 65 decibel (dB) khi cất cánh và hạ cánh thẳng đứng, trong khi mức âm thanh phát ra trong các chuyến bay của nó sẽ đạt tối đa 45 dB, mức này giúp nó yên tĩnh hơn so với một chiếc trực thăng vốn tạo ra tiếng ồn từ 93 dB đến 108 dB.

Supernal hiện có kế hoạch thực hiện các chuyến bay thử nghiệm vào cuối năm nay. Công ty này cũng có kế hoạch nộp đơn sơ bộ cho FAA trong năm nay, trước khi xin giấy chứng nhận đủ điều kiện bay đặc biệt vào năm 2025, các thử nghiệm nâng cao tiếp theo sẽ bắt đầu vào năm 2027.

Trong khi đó, công ty mẹ Huyndai vẫn đang đặt mục tiêu bắt đầu sản xuất taxi bay hàng không vào năm 2028, nhưng liệu phương thức giao thông công cộng này có thành công hay không, tất cả vẫn còn phụ thuộc vào tình trạng pháp lý của eVTOL.

Simay Akar cũng nói với Tạp chí Live Science rằng, việc áp dụng rộng rãi phương tiện eVTOL phụ thuộc vào một số công nghệ, chúng bao gồm mật độ năng lượng pin, hiệu suất điện tử động cơ và công suất, khả năng quản lý nhiệt và quản lý trọng lượng trên phương tiện.

Hiện tại, các cơ quan lập pháp trên khắp thế giới đang xem xét các mối lo ngại về an toàn, cũng như khả năng giao thông hàng không của phương tiện cất cánh và hạ cánh thẳng đứng vận hành bằng điện (eVTOL). Vào tháng 6/2023, FAA đã hoàn thiện các quy định mới nhằm giúp mở đường cho dịch vụ taxi hàng không thương mại trong những năm tới. Những điều khoản này bao gồm bằng cấp mà phi công phải có, các yêu cầu vận hành cho taxi bay, quy trình nhận chứng chỉ các loại liên quan,…

Vào tháng 7/2023, FAA cũng đã công bố kế hoạch triển khai giới thiệu dịch vụ taxi hàng không trên khắp nước Mỹ, nhắm mục tiêu đến năm 2028 khi các chuyến bay thương mại sẽ bắt đầu, dựa trên sáng kiến ​​Đổi mới 28 (Innovate28) của họ. Trong khi đó, vào tháng 8/2023, Cơ quan An toàn Hàng không Liên minh Châu Âu đã ban hành một bộ quy tắc đề xuất để vận hành an toàn eVTOL ở Châu Âu.

Theo BÁO ĐIỆN TỬ VTC NEWS