Cần thận trọng khi áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại vì một số ngành có thể bị ảnh hưởng đến sản xuất và mất lợi thế cạnh tranh khi xuất khẩu.
Trong thương mại quốc tế, nếu có dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh trong nước, quốc gia đó có thể áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, áp thuế bán phá giá đối với hàng hoá nhập khẩu để bảo vệ ngành hàng sản xuất nội địa, tuy nhiên cũng cần thận trọng khi áp dụng biện pháp này trong mỗi vụ việc.
Như với ngành thép, sản xuất trong nước chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu, còn lại vẫn phải nhập khẩu. Trước những kiến nghị cần áp thuế chống bán phá giá đối với nguyên liệu thép nhập khẩu, Bộ Công Thương cùng các đơn vị liên quan đang đánh giá những tác động tiêu cực đối với ngành hàng này.
Công ty cổ phần Thép EU cho biết, 20 triệu đồng là số tiền mà doanh nghiệp này phải chi mua cho mỗi tấn thép cuộn thành phẩm. Theo đại diện doanh nghiệp, mức giá này trong 1 năm qua là ổn định cho sản xuất. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng lo ngại chi phí sản xuất sẽ tăng cao, nếu nguyên liệu thép cán nóng nhập khẩu bị áp thuế phòng vệ thương mại.
Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, mỗi năm Việt Nam sẽ cần khoảng 11 triệu tấn thép cán nóng để phục vụ đủ cho sản xuất. Với 70% phụ thuộc nhập khẩu nên nếu bị áp thuế phòng vệ thương mại sẽ khiến ngành thép trong nước bị ảnh hưởng và mất lợi thế cạnh tranh khi xuất khẩu.
Ông Vũ Văn Thanh – Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết: “Khi chúng ta áp thuế chống bán phá giá đối với thép cán nóng nhập khẩu thì sản phẩm xuất khẩu của chúng ta sẽ chịu hai lần thuế chống bán giá: Một lần là tại Việt Nam đối với nguyên liệu và một lần tại nước xuất khẩu về thành phẩm. Như vậy, giá thành phẩm của chúng ta không thể cạnh tranh được với các nước bạn và sẽ mất hoàn toàn thị trường xuất khẩu”.
Ông Nguyễn Hữu Trường Hưng – Trưởng phòng Điều tra thiệt hại và tự vệ, Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương cho hay: “Cục Phòng vệ thương mại sẽ tiến hành thẩm định, thu thập đầy đủ các số liệu theo yêu cầu của WTO và Luật Quản lý ngoại thương. Chúng tôi cần tuân thủ đầy đủ các vấn đề đó khi tiến hành điều tra, không thể nào chỉ căn cứ vào mỗi dấu hiệu do doanh nghiệp cung cấp”.
“Nếu chúng ta quá lạm dụng các biện pháp này cũng sẽ gây ra những hệ luỵ đẩy giá thành, giá bán các sản phẩm trong nước lên cao. Do vậy, Chính phủ cũng cần tạo áp lực để các doanh nghiệp trong ngành này nâng cao trình độ công nghệ, giảm chi phí sản xuất và giá thành, để phục vụ tốt nhất cho nhu cầu sản xuất và đời sống nhân dân”, ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam nhận định.
Trên thế giới, thép là một trong những sản phẩm bị áp dụng nhiều nhất các biện pháp phòng vệ thương mại, với trên 670 vụ việc, riêng Việt Nam là 7 vụ. Theo Cục Phòng vệ thương mại, việc áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại chỉ được xem xét khi xác định ngành sản xuất thép trong nước bị thiệt hại.