Thanh toán trực tuyến – Cuộc đua của những công nghệ mới

Với chủ trương thúc đẩy thanh toán không tiền mặt của Chính phủ, thanh toán trực tuyến (online) tại Việt Nam đang phát triển vượt bậc, thể hiện qua đời sống hàng ngày khi người dân dùng mã QR, ví điện tử, chuyển khoản… ngày càng nhiều. Những công nghệ mới đang đua nhau ra đời, tiện ích hơn nhằm góp phần thúc đẩy kinh tế số.

Thanh toán qua mã QR lên ngôi

Qua khảo sát 15.000 nhà bán hàng trên toàn quốc về tình hình kinh doanh năm 2023 của nền tảng quản lý và bán hàng đa kênh Sapo, có tới 43,8% nhà bán hàng đang chấp nhận phương thức thanh toán qua chuyển khoản; trong đó 15,33% nhà bán hàng chuyển khoản qua hình thức quét mã VietQR. Các nhà bán hàng cũng trang bị mã VietQR để khách hàng/shipper chuyển khoản bất cứ lúc nào.

Người dùng dễ dàng thanh toán online qua mã QR

Đại diện nền tảng quản lý và bán hàng đa kênh Sapo cho biết, ngân hàng liên tục đưa ra các chương trình hỗ trợ nhà bán hàng, như tạo mã QR chuyển tiền nhanh, tặng bảng trưng bày tại cửa hàng in mã QR… Các ngân hàng cũng kết hợp với nhiều đối tác phần mềm quản lý bán hàng để mở rộng tính năng như tạo mã QR động (phần mềm tự sinh mã QR theo số tiền khách hàng cần thanh toán), mở tài khoản nhận tiền nhanh ngay trên phần mềm quản lý bán hàng (eKYC), triển khai các chương trình kích cầu chi tiêu không dùng tiền mặt…

Mã QR đang trở thành xu hướng thanh toán phổ biến và tỷ trọng thanh toán qua mã này ngày càng tăng. Theo Công ty CP Thanh toán quốc gia Việt Nam Napas, riêng quý 3-2023, thanh toán mã QR qua VietQR đã tăng trưởng gấp đôi về số lượng và đạt hơn 100 triệu lượt giao dịch/tháng. Trên hệ thống Payoo, thanh toán qua mã QR trong quý 3-2023 tăng 6% về số lượng và 30% về giá trị so với quý trước đó.

Nếu như trước đây, mã QR chỉ phổ biến trong các giao dịch mua sắm, ăn uống tự doanh của cửa hàng thì nay đã phổ biến trong lĩnh vực thanh toán hóa đơn. Hiện tại, các dịch vụ trong đời sống như chi phí điện, nước, truyền hình, internet, học phí, viện phí… cũng triển khai hình thức thanh toán qua mã QR với số lượng giao dịch tăng 2,6 lần so với quý 2-2023.

“Một trong những nguyên nhân quan trọng để thanh toán qua mã QR dẫn đầu xu hướng thanh toán không tiền mặt là do các chính sách khuyến khích không dùng tiền mặt của Chính phủ đã đến với đời sống. Về phía người dân, thanh toán qua mã QR không chỉ được người trẻ am hiểu công nghệ đón nhận mà còn thân thiện với người lớn tuổi, trung niên vì dễ dàng thực hiện”, đại diện Napas nhận định.

Cùng với đó, phí thanh toán mã QR rất cạnh tranh so với hình thức khác như quét thẻ hay chuyển khoản… nên được nhiều nhà bán hàng ưa chuộng. Hơn nữa, trong thời điểm kinh tế khó khăn, phí thanh toán chính là gánh nặng và trở thành rào cản nên các hộ kinh doanh nhỏ lẻ chỉ chấp nhận cho khách hàng thanh toán bằng mã QR để tối ưu chi phí…

Hình thành xu hướng thanh toán online mới

Trung Quốc hiện dẫn đầu toàn cầu về việc áp dụng ví điện tử và các ứng dụng liên quan trên ví. Ở các quốc gia khác, ví điện tử cũng dần thống trị thị trường thanh toán online, như GrabPay ở Singapore, GoPay ở Indonesia, GCash ở Philippines và MoMo ở Việt Nam. Ví điện tử có nhiều ưu điểm như dễ dàng thanh toán, tiết kiệm thời gian, theo dõi chi phí tốt hơn, bảo mật nâng cao và người dùng thường được hưởng các chương trình khuyến mãi liên kết của ứng dụng ví điện tử.

Theo bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Công ty Công nghệ thanh toán điện tử Visa Việt Nam và Lào, Việt Nam đã nhanh chóng thích nghi với thanh toán số và ngày càng hạn chế sử dụng tiền mặt khi thực hiện giao dịch. Năm 2023, 66% người dùng thanh toán thẻ trực tuyến, 70% thanh toán ví điện tử trực tuyến hoặc trong ứng dụng, tỷ lệ thanh toán bằng mã QR tăng vượt bậc, với 61% so với năm 2022. Điều này cho thấy xu hướng nói không với tiền mặt của người tiêu dùng. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thanh toán online đang đứng trước cơ hội đầy tiềm năng để mở rộng dịch vụ cũng như đón nhận những xu hướng công nghệ mới.

Dẫn đầu xu hướng hiện nay là xác thực sinh trắc học. Xác thực sinh trắc học liên quan đến việc quét vân tay, nhận dạng khuôn mặt, phân tích nhịp tim… đều có thể được ứng dụng làm tăng tính an toàn cho thanh toán online. Như tại Trung Quốc, Tập đoàn Tencent với ứng dụng WeChat tích hợp nhiều tính năng như mạng xã hội, mua sắm, thanh toán trực tuyến và đã thử nghiệm cho phép người dùng quét lòng bàn tay để mua sắm, check in hoặc lên tàu điện ngầm. Hệ thống của Tập đoàn Amazon (Mỹ) cũng có dạng không tiếp xúc tương tự Tencent, cho phép kết nối dữ liệu sinh trắc học lên thẻ tín dụng để mua sắm tại các cửa hàng không thu ngân.

Trong khi đó, Công ty Công nghệ Fujitsu của Nhật Bản đã xây dựng hệ thống nhận diện sinh trắc học không tiếp xúc PalmSecure, hệ thống quét bàn tay để đăng nhập tài khoản trên internet thay cho mật khẩu. Theo các dự báo được đưa ra, các khoản thanh toán được thực hiện bằng mã QR sẽ tăng lên nhờ tiếp tục ứng dụng các công nghệ mới, giúp giao dịch dễ dàng hơn và không có lỗi. Hay thanh toán kích hoạt bằng giọng nói sẽ tăng lên khi tích hợp với trí tuệ nhân tạo (AI) của điện thoại để có cơ sở xác thực tốt hơn…

Các nghiên cứu từ Công ty Nghiên cứu thị trường Analytics Insight cho thấy, với sự phát triển và thịnh hành của ứng dụng thanh toán online cùng sự phát triển nhanh chóng của công nghệ nên thời gian tới sẽ có sự thay đổi mạnh mẽ trong lĩnh vực này. Vì vậy, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ muốn duy trì lợi thế cạnh tranh cần thấu đáo các phương thức thanh toán được người tiêu dùng ưa chuộng. Với các xu hướng thanh toán online đang hình thành trên thế giới, Việt Nam đang nhanh chóng tiếp cận công nghệ thanh toán online mới, phù hợp xu hướng để góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế số, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội.

Theo Báo Sài Gòn giải phóng