Hạn chế trong đầu tư công cần phải sớm khắc phục
Ông Doãn Anh Thơ , Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) khẳng định, đầu tư công đã và đang tiếp tục đóng vai trò là nguồn vốn mồi, dẫn dắt các thành phần kinh tế khác.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, đặc biệt là sau đại dịch Covid, hiệu quả đầu tư công tại Việt Nam còn có những hạn chế như: đầu tư công một số ngành, lĩnh vực, địa phương còn dàn trải, hoàn thành các dự án đầu tư chưa kịp thời, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp, còn có trường hợp thất thoát, lãng phí trong đầu tư công.
Ông Doãn Anh Thơ nhấn mạnh, qua thực tiễn kiểm toán cho thấy, nguyên nhân của những hạn chế trong đầu tư công, nhất là việc giải ngân vốn đầu tư công chậm, không đạt kế hoạch rất đa dạng.
Một số nguyên nhân có thể kể đến như thể chế pháp luật chưa đồng bộ giữa Luật đầu tư công với Luật NSNN cũng như các pháp luật chuyên ngành, pháp luật hiện hành chưa bao phủ hết hoạt động đầu tư; quy trình, trình tự, thủ tục còn chồng chéo, phức tạp; công tác quy hoạch, đấu giá đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất còn nhiều vướng mắc, bất cập; đặc thù riêng của từng năm kế hoạch, từng nguồn vốn, từng dự đầu tư.
Bên cạnh đó, các cấp, các ngành chưa thực sự tích cực, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao, đâu đó vẫn còn tâm lý né tránh; năng lực một số chủ đầu tư, nhà thầu không đáp ứng được yêu cầu; công tác phối hợp giữa các cấp chính quyền, giữa các địa phương, giữa các bộ, ngành còn chưa chặt chẽ; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chưa được tăng cường, thiếu hiệu quả,…
“Trong giai đoạn hiện nay, những hạn chế trên cần phải sớm khắc phục”, ông Doãn Anh Thơ nhấn mạnh.
Theo ông Vũ Thanh Hải, Kiểm toán trưởng KTNN Chuyên ngành IV, năm 2022, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt 69,07% (đạt 79,64% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). 9 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt 50,68% (đạt 51,38% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).
Giải ngân vốn đầu tư công chậm dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện dự án, nguy cơ gây lãng phí, đội vốn, giảm hiệu quả đầu tư, làm ảnh hưởng tới nguồn lực và động lực của sự phát triển.
Nhận diện đúng, xử lý kịp thời các điểm nghẽn
Bà Cao Thị Minh Nghĩa, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế quốc dân (Bộ KH&ĐT) khẳng định, nhận diện đúng, xử lý kịp thời các điểm nghẽn là nhiệm vụ chính trị quan trọng, cấp thiết để đảm bảo thực hiện thành công mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023.
Theo đó, bà Cao Thị Minh Nghĩa cho rằng, giải pháp quan trọng nhất trong thời gian tới cần là điều chỉnh ngay các quy định pháp lý về hoạt động đầu tư công, giảm thủ tục hành chính cấp phép nguyên vật liệu, thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, đất trồng lúa, rút vốn nhà tài trợ… trong việc triển khai dự án để đẩy mạnh hơn việc giải ngân vốn đầu tư công và huy động nguồn ngoại tệ cho đất nước.
Đối với nhóm giải pháp về chỉ đạo, điều hành, phối hợp, cần xác định các nhiệm vụ cụ thể từng bộ, ngành, địa phương trong toàn bộ các hoạt động liên quan đến hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án, phân bổ, giao kế hoạch và giải ngân vốn đầu tư công của kế hoạch năm.
Trong đó, đặc biệt tăng cường trách nhiệm trong công tác phối hợp giữa các cơ quan tổng hợp, cơ quan chuyên môn trong việc đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn thời gian góp ý kiến, giải quyết các thủ tục liên quan đến thủ tục thẩm định dự án, thanh toán vốn….
Theo bà Cao Thị Minh Nghĩa, cần kiên quyết xử lý các trường hợp cán bộ liên quan đến dự án có năng lực chuyên môn yếu, có biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực, lợi ích nhóm làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân của dự án.
“Kiên quyết khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả; tập trung rà soát kỹ, giảm mạnh số lượng dự án, nhất là các dự án khởi công mới; kiên quyết xóa bỏ cơ chế “xin – cho” và chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm”, bà Nghĩa nhấn mạnh.
Về chế tài, bà Nghĩa nhấn mạnh người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả giải ngân của đơn vị và kết quả giải ngân vốn là căn cứ đánh giá mức độ hoàn thành công việc được giao trong năm.
Theo Haiquanonline