Thấy gì từ thỏa thuận tài chính khí hậu tại COP29?

Các chuyên gia cho biết việc đưa ra thoả thuận thiếu chi tiết của COP29 khiến việc đảm bảo tài chính khí hậu cho Đông Nam Á và Nam Á trở nên khó khăn.

Việc tài trợ khí hậu dành cho các quốc gia đang phát triển vẫn còn trong tình trạng bất ổn bất chấp COP29 đạt được thoả thuận tăng hỗ trợ lên 300 tỷ USD.

Việc tài trợ khí hậu dành cho các quốc gia đang phát triển, bao gồm cả các quốc gia ở châu Á, vẫn còn trong tình trạng bất ổn mặc dù hội nghị thượng đỉnh COP29 vừa kết thúc, nơi các quốc gia thống nhất nâng số tiền hỗ trợ lên tới 300 tỷ đô la Mỹ/năm cho đến năm 2035 cho các nước đang phát triển ứng phó biến đổi khí hậu.

Điều này cũng bao gồm mục tiêu lớn hơn là cung cấp 1,3 nghìn tỷ USD cho khí hậu vào năm 2035, bao gồm cả nguồn vốn từ khu vực công và tư nhân – một con số mà các nhà quan sát cho rằng cần thiết để đối phó với biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng kết quả hội nghị thượng đỉnh thiếu thông tin chi tiết, khiến việc đảm bảo tài chính cho Đông Nam Á và Nam Á, những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, trở nên khó khăn.

Cụ thể, ông Dhruba Purkayastha, Giám đốc Hội đồng Năng lượng, Môi trường và Nước, cho biết con số 300 tỷ đô la Mỹ cần phải đến từ viện trợ của chính phủ hoặc tương đương với các khoản tài trợ do các quốc gia phát triển cung cấp.

Ngoài ra, nguồn tài chính này nên được bảo đảm bởi chính phủ thông qua quỹ công để hỗ trợ các khoản vay. “Nếu không, đó không phải là cách tiến lên phía trước,” ông Purkayastha cho biết, đồng thời nhấn mạnh rằng điều quan trọng là phải định nghĩa rõ ràng thế nào là tài chính khí hậu như vậy.

Tuy nhiên, chuyên gia này nói thêm, ngôn ngữ trong văn bản hội nghị vẫn “rất mơ hồ” về việc phân bổ nguồn tiền, và không có cam kết rõ ràng nào được đưa ra, cũng như không có điều khoản nào về tổn thất và thiệt hại để bồi thường cho các quốc gia chịu thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra.

Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đã phải đối mặt với một loạt các thảm họa liên quan đến khí hậu không ngừng trong năm nay. Chỉ riêng sự tàn phá do siêu bão Yagi gây ra đã làm gián đoạn cuộc sống của hơn 20 triệu người ở Việt Nam, Philippines, Lào, Thái Lan và Myanmar.

Hội nghị Thượng đỉnh COP29 tại Baku, Azerbaijan

“Quyết định đặt ra một mục tiêu tài chính khí hậu mới để thay thế mức 100 tỷ USD mỗi năm đã bị cản trở bởi những khó khăn trong việc huy động bất kỳ khoản tiền nào từ các nước phát triển, vốn có nghĩa vụ cung cấp nguồn lực,” bà Aarti Khosla, Giám đốc tại Climate Trends, cho biết.

“Việc phân bổ 300 tỷ USD từ mọi nguồn vào năm 2035 vẫn chưa chắc chắn và chưa rõ ràng nhưng là giải pháp tốt nhất có thể trong thời điểm căng thẳng địa chính trị đang diễn ra trên toàn thế giới”, bà nhận định.

Năm nay, COP29 diễn ra trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị và việc ông Donald Trump quay trở lại Nhà Trắng, đã làm gia tăng sự không chắc chắn xung quanh các cam kết của Mỹ đối với tài chính khí hậu, làm ảnh hưởng đến kỳ vọng của các quốc gia đang phát triển.

Các chuyên gia cho biết thêm, tổng số tiền 300 tỷ đô la Mỹ hàng năm, thấp hơn so với những gì các nước đang phát triển kỳ vọng, phần nào phản ánh thực tế chính trị của kết quả bầu cử Mỹ.

“Mục tiêu đang bị ràng buộc bởi các vấn đề địa chính trị hiện nay và hoàn toàn không đáng kể so với nhu cầu tài chính cần thiết cho việc giảm thiểu và thích ứng mà các nước đang phát triển đang phải đối mặt,” ông R R Rashmi, nghiên cứu viên tại Viện Năng lượng và Tài nguyên đánh giá.

Bên cạnh đó, Hội nghị COP29 cũng diễn ra trong bối cảnh các quốc gia phát triển đang thắt chặt ngân sách, ngay cả khi các nước đang phát triển đang phải vật lộn với tác động của biến đổi khí hậu.

Mặc dù vậy, thỏa thuận tại COP29 lần này đã mang đến kỳ vọng về những kết quả cụ thể hơn tại hội nghị thượng đỉnh COP30 vào năm tới tại Brazil, được một số nhà quan sát gọi là “COP đảo ngược tình thế”.

Theo bà Linda Kalcher, Giám đốc điều hành tại Strategic Perspectives, tài chính công từ một nhóm các nhà đóng góp đang ngày một mở rộng, đặc biệt là các ngân hàng phát triển đa phương, cùng với các hình thức tài chính mới, sẽ giúp huy động 1,3 nghìn tỷ USD vào năm 2035.

“Kết quả ở COP29 cho thấy các quốc gia sẵn sàng tham gia tích cực vào các cuộc đàm phán đa phương về khí hậu bất chấp những rào cản trên con đường của họ. Phép thử đối với việc loại bỏ nhiên liệu hóa thạch sẽ là liệu các kế hoạch khí hậu quốc gia, dự kiến được trình vào tháng 2/2025, có chỉ ra được những con đường rõ ràng để giảm tiêu thụ than, dầu và khí đốt hay không”, bà Linda Kalcher nói thêm.

Trước đó, Hội nghị COP28 đã kết thúc với một cam kết lịch sử về việc cuối cùng sẽ chấm dứt kỷ nguyên nhiên liệu hóa thạch, nhưng đã bị chỉ trích vì không đưa ra một lộ trình cụ thể.

Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp