Thị trường bán lẻ tại Hà Nội và TP HCM đang cho thấy những tín hiệu tích cực với sự gia tăng nguồn cung và hoạt động mạnh mẽ.
Hà Nội – Khối đế bán lẻ lên ngôi
Đánh giá về thị trường bán lẻ tại Hà Nội, bà Trịnh Huỳnh Mai – Phó Giám đốc Bộ phận cho thuê thương mại Savills Hà Nội cho biết: “Khối đế bán lẻ hoạt động tốt dựa trên nhu cầu hợp lý trong và lân cận khu vực dự án. Trung tâm mua sắm gia tăng áp dụng mô hình chia sẻ doanh thu”.
Trong đó, tổng nguồn cung tăng 2% theo quý và 2% theo năm với sự xuất hiện của một trung tâm mua sắm và hai khối đế bán lẻ. Trong 5 năm qua, nguồn cung đạt mức tăng trưởng trung bình 3%/năm. Trung tâm mua sắm chiếm ưu thế với 63% tỷ trọng nguồn cung, tương đương 1,14 triệu m2, trong khi khối đế bán lẻ chiếm 17% và trung tâm bách hóa chiếm 3%.
Mặc dù công suất thuê giảm nhưng giá lại tăng. Theo đó, giá thuê gộp tầng trệt giảm nhẹ 1% theo quý nhưng tăng 6% theo năm, chủ yếu do giá thuê được cải thiện tại các khối đế bán lẻ với mức tăng 2% theo quý và 9% theo năm. Tại khu trung tâm, giá thuê là 3,4 triệu đồng/m2/tháng.
Công suất thuê ổn định theo quý và giảm 1% theo năm, đạt mức 85%. Khối đế bán lẻ ghi nhận mức tăng 13% theo năm, trong khi các trung tâm mua sắm giảm 5% theo năm, trung tâm bách hóa có công suất ổn định theo năm.
Đối với bán lẻ phục vụ dân cư, diện tích cho thuê thêm tăng 26.550 m2, trong đó khối đế bán lẻ có mức tăng đáng kể 24.520 m2. Các dự án khối đế bán lẻ mới hoạt động trong quý này đều có chung mô hình bán lẻ, trong đó ngành siêu thị, giải trí và F&B là khách thuê chủ đạo. Mô hình này hướng tới phục vụ nhu cầu thiết yếu hàng ngày cũng như các hoạt động giải trí của dân cư, dựa vào dự báo tăng trưởng dân số nhanh chóng từ các khu vực xung quanh.
TP HCM – Sức mạnh từ khu vực ngoài trung tâm
Theo phân tích của Savills cho thấy nguồn cung thị trường tăng mạnh ở khu vực ngoài trung tâm. Như chia sẻ của bà Cao Thị Thanh Hương – Quản lý cấp cao Bộ phận Nghiên cứu Savills TP HCM: “Tình hình hoạt động tốt với các chuỗi thương hiệu mở rộng và nhu cầu mạnh mẽ từ các nhóm khách thuê chính”.
Cụ thể, trong quý 3/2024 tổng diện tích cho thuê tại TP HCM đạt 1,6 triệu m2, tăng 3% theo quý và 5% theo năm. Ba dự án mới tại khu vực ngoài trung tâm đã góp phần đáng kể vào sự gia tăng này. Trong đó, quận 8 dẫn đầu với hai dự án mới, cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của các khu vực ngoài trung tâm trong việc thu hút đầu tư và phát triển bất động sản bán lẻ.
Bên cạnh đó, công suất thuê được duy trì ở mức cao với 94%, tăng 0,5% theo quý và 4% theo năm. Các thương hiệu bán lẻ lớn của nước ngoài cũng đã mở rộng hoạt động tại khu vực ngoài trung tâm nhờ giá thuê phải chăng và mật độ dân số cao.
Các trung tâm thương mại trọng điểm như Hùng Vương Plaza, AEON Mall và Vạn Hạnh Mall duy trì công suất thuê đạt 100%, nhờ lượng khách hàng ổn định, cơ cấu khách thuê đa dạng và quản lý hiệu quả.
Savills thông tin, trong 8 tháng đầu năm 2024, doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trên địa bàn đạt 765 nghìn tỷ đồng, tăng 10% theo năm. Ngành F&B dẫn đầu trong việc thuê mặt bằng mới với 25% thị phần, tiếp theo là giải trí (24%) và thời trang (18%).
Theo Sở Công Thương TP HCM, doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ dự kiến sẽ tăng 11% trong năm 2024, với chi tiêu tiêu dùng dự kiến tăng 7,6%. Điều này cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của tiêu dùng nội địa, thúc đẩy sự phát triển của thị trường bán lẻ.
Triển vọng của thị trường bất động sản bán lẻ tại TP HCM là rất tích cực. Các yếu tố như sức tiêu dùng mạnh mẽ, sự mở rộng của các thương hiệu lớn, nguồn cung mới hợp lý và chiến lược cải tạo của các chủ đầu tư đều góp phần tạo nên một thị trường sôi động và tiềm năng.
Savills dự báo, trong quý 4/2024 thị trường sẽ đón nhận hơn 27.600 m2 sàn từ ba dự án ngoài trung tâm chuẩn bị khai trương với công suất dự kiến đạt ít nhất 80%. Đến năm 2027, nguồn cung tương lai sẽ hơn 163.100 m2 từ 12 dự án. Trong đó, khu vực ngoài trung tâm chiếm 55% nguồn cung. Để cải thiện công suất, một số chủ đầu tư đang lên kế hoạch cải tạo và làm mới cơ cấu khách thuê vào năm 2025.