Thị trường ô tô sụt giảm mạnh, cộng với sức ép từ cạnh tranh, khiến các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô lao đao. Doanh thu giảm, mất đơn hàng, mất thị trường.
Sản xuất linh kiện ô tô lao đao
Ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Cổ phần Cơ khí 19/8 cho biết, năm 2023 sản xuất nhíp ô tô giảm mạnh. Từng là nhà sản xuất nhíp ô tô hàng đầu tại Việt Nam, nhưng giờ doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn. Thị trường ô tô suy giảm mạnh, khiến công nghiệp hỗ trợ cũng lao đao theo. Hiện chúng tôi đang phải làm gia công nhíp ô tô thuê cho đối tác nước ngoài, để duy trì hoạt động. Không chỉ riêng Cơ khí 19/8 mà nhiều doanh nghiệp sản xuất linh kiện ô tô trong nước cũng ở trong hoàn cảnh tương tự, theo ông Trần Tuấn Anh.
Theo ông Phạm Văn Tài, Tổng giám đốc Công ty ô tô Trường Hải (Thaco), năm 2023 doanh thu từ sản xuất linh kiện ô tô của Thaco ước tính giảm 20% so với năm 2022, chỉ đạt gần 8.700 tỷ đồng. Nguyên nhân do tiêu thụ ô tô giảm, dẫn đến sản lượng xe sản xuất lắp ráp giảm, nên nhu cầu về linh kiện cũng giảm theo.
Ngoài thị trường ô tô trong nước sụt giảm mạnh, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam còn gặp khó, khi chịu sức ép cạnh tranh mạnh trên thị trường quốc tế. Theo ông Trần Tuấn Anh, trước đây nhíp ô tô của Cơ khí 19/8 đã từng xuất khẩu sang châu Âu, Đông Nam Á, nhưng nay đang gặp khó khăn ở chính những thị trường này, bởi các đối thủ cạnh tranh. Ông Phạm Văn Tài cũng thừa nhận, doanh thu sản xuất linh kiện ô tô của Thaco giảm, có nguyên nhân từ các đối thủ cạnh tranh.
Ông Phan Đăng Tuất, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam nhận định, năm nay “sức khỏe” của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ “suy giảm khá nghiêm trọng”. Cụ thể, suy giảm doanh thu bình quân của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ lên tới 40%, tình trạng mất đơn hàng diễn ra ở nhiều thị trường, đặc biệt là châu Âu.
Không những thế, sự “đổ bộ” của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ từ Trung Quốc vào Việt Nam, đang trở thành nỗi lo lớn. Các doanh nghiệp này đầu tư vào Việt Nam với quy mô cực lớn và làm cực nhanh, kéo theo đó là hệ thống các công ty con, hình thành chuỗi sản xuất cụm chi tiết, để cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Trong tương quan này, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam yếu hơn hẳn, theo ông Phan Đăng Tuấn.
Công nghiệp hỗ trợ yếu thế
Tính đến hết năm 2022, cả nước có khoảng hơn 350 doanh nghiệp sản xuất liên quan đến ô tô; trong đó, có khoảng hơn 40 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô; 45 doanh nghiệp sản xuất khung gầm, thân xe, thùng xe; 214 doanh nghiệp sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô… Linh kiện ô tô các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất chủ yếu có công nghệ đơn giản như ắc quy, ghế ngồi, kính, lốp xe, vành xe…
Để gia nhập chuỗi cung ứng linh kiện ô tô, các doanh nghiệp phải đạt tiêu chuẩn rất cao về chất lượng, độ an toàn và các yếu tố môi trường. Với nhà cung cấp cấp 2 và 3 cần phải tuân thủ chặt chẽ yêu cầu sản xuất như chất lượng, chi phí, giao hàng (QCD), còn nhà cung cấp cấp 1 cần thỏa mãn thêm yêu cầu về năng lực nghiên cứu và phát triển (R&D).
Phần lớn các nhà cung cấp Việt Nam hiện nay, năng lực vẫn còn yếu, chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn trên, chưa đạt trình độ để xin cấp phép, nhượng quyền, chuyển giao công nghệ với các nhà cung cấp chính hãng. Một doanh nghiệp Việt Nam với số vốn bình quân 12 tỷ đồng thì rất khó để tham gia vào sản xuất linh kiện ô tô. Trong khi đó, để sản xuất cụm phanh ô tô, cũng đòi hỏi số vốn tối thiểu 100 tỷ đồng. Nếu vay vốn với lãi suất ở mức từ 10-12%/năm mà lợi nhuận chỉ đạt khoảng 5% – 10% thì chẳng doanh nghiệp nào muốn tham gia.
Dự báo cạnh tranh trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ nói chung và ngành ô tô nói riêng năm 2024 còn khốc liệt hơn. Trong khi các doanh nghiệp Việt Nam vừa thiếu lại vừa yếu, khó có khả năng đua tranh sòng phẳng, cũng như đột phá để vươn lên.
Để công nghiệp hỗ trợ trong nước phát triển, ông Phạm Văn Tài kiến nghị các cơ quan chức năng cần có cơ chế ưu đãi, hỗ trợ phù hợp về thuế, phí, để thúc đẩy sản xuất, sử dụng các dòng xe thân thiện môi trường. Sớm hoàn thiện Luật Công nghiệp trọng điểm, nhằm tạo hành lang pháp lý, thu hút đầu tư và thúc đẩy xây dựng nền công nghiệp tự chủ.
Ông Phan Đăng Tuất cho rằng, cần coi công nghiệp hỗ trợ là “hạt nhân của quá trình công nghiệp hóa đất nước”. Như vậy, phải xây dựng chiến lược phát triển với tầm nhìn toàn diện. Thậm chí, cần có luật riêng về phát triển công nghiệp hỗ trợ với các chính sách ưu đãi, đặc thù, làm cơ sở thúc đẩy công nghiệp hóa.