Việc các nhà giao dịch chênh lệch lãi suất toàn cầu đang tháo chạy khỏi thị trường khiến thị trường tài chính toàn cầu chao đảo.
Đồng yên và đồng nhân dân tệ tăng giá trong phiên giao dịch hôm nay (5/8), trong khi đồng peso Mexico giảm giá thêm khi các nhà giao dịch chênh lệch lãi suất tiếp tục đóng vị thế. Đồng peso giảm hơn 5% so với đồng đô la Mỹ, trong khi đồng đô la Úc giảm khoảng 2%. Hai loại tiền tệ thường được sử dụng để tài trợ cho giao dịch chênh lệch lãi suất đã tăng vọt – đồng yên tăng hơn 3% và đồng nhân dân tệ của Trung Quốc tăng khoảng 0,7%.
Các động thái này diễn ra khi làn sóng bán tháo tài sản rủi ro gia tăng, từ cổ phiếu đến tiền điện tử đều giảm mạnh khi thị trường lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã chậm trễ trong việc hạ lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại.
Sự tăng giá đột ngột của các loại tiền tệ tài trợ cho hoạt động chênh lệch lãi suất đã làm tổn hại đến chiến lược giao dịch chênh lệch lãi suất, thường liên quan đến việc các nhà giao dịch vay với lãi suất thấp hơn để đầu tư vào các tài sản có lợi suất cao hơn, thường ở các nước mới nổi và các thị trường phát triển như Úc.
Theo Alvin Tan, Trưởng bộ phận chiến lược tiền tệ châu Á tại Royal Bank of Canada ở Singapore, mối lo ngại về rủi ro nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái là một tin xấu đối với các nhà giao dịch chênh lệch lãi suất.
“Rủi ro suy thoái kinh tế cũng có nghĩa là mức độ biến động của thị trường sẽ lớn hơn, do đó giao dịch chênh lệch lãi suất bị cắt giảm”, Tan cho biết. “Tôi nghĩ rằng nó có thể kéo dài vì chúng ta đã ở trong môi trường biến động thấp trong một thời gian dài, thực tế là hơn một năm rồi”.
Ông Tan cho rằng, thị trường ảm đạm vào mùa Hè ở Bắc bán cầu cũng có thể đóng một vai trò nào đó.
“Những đợt biến động đột biến trong tháng 8 có thể rất nguy hiểm vì thanh khoản có xu hướng thấp trong tháng đó”, ông nói thêm. “Tháng 8 là thời gian nghỉ lễ phổ biến ở Bắc Mỹ và Châu Âu, vì vậy ngay cả khi mọi thứ bắt đầu ổn định trở lại thì tôi cũng không chắc các nhà đầu tư sẽ muốn giao dịch nhanh chóng”.
Giao dịch chênh lệch lãi suất được tài trợ bằng đồng Yên là một trong những giao dịch phổ biến nhất ở các thị trường mới nổi vì tính biến động thấp của đồng tiền này và các nhà đầu tư đặt cược lãi suất của Nhật Bản sẽ vẫn ở mức thấp nhất. Nhưng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã tăng lãi suất lần thứ hai tại cuộc họp gần đây nhất và báo hiệu khả năng tăng lãi suất lên mức cao hơn trong thời gian tới.
Trong khi đó, các nhà giao dịch chênh lệch lãi suất lại vay bằng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc vì họ cho rằng đồng tiền này sẽ suy yếu trong bối cảnh nền kinh tế nước này đang gặp nhiều khó khăn.
Theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp, lợi nhuận tính đến thời điểm hiện tại của rổ tiền tệ thị trường mới nổi được tài trợ bằng đồng nhân dân tệ đã chuyển sang mức âm vào thứ Hai, trong khi khoản lời từ các giao dịch được tài trợ bằng đồng Yên sắp bị mất đi.
Yoshio Iguchi, Giám đốc bộ phận thị trường tại Traders Securities Co., cho biết: “Sẽ mất khá nhiều thời gian để động lực phục hồi đối với những người đã mất tiền vào cặp peso-yên. Khi đồng đô la và đồng Yên ổn định, một số người có thể bắt đầu nắm giữ đồng Yên, nhưng có thể mất một thời gian để tâm lý nhà đầu tư phục hồi”.
Nick Twidale, chuyên gia phân tích thị trường chính tại ATFX Global Markets, cho biết, đã có một số lượng lớn các vị thế giao dịch chênh lệch lãi suất bị đóng “khi mọi người cùng chạy đến cửa cùng một lúc”.
“Những động thái này ban đầu được kích hoạt bởi đợt tăng lãi suất của BOJ, nhưng những lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã đổ thêm dầu vào lửa trong vài ngày qua và các động thái đã trở nên dữ dội hơn”.