Thiếu thuốc, vật tư y tế – người bệnh xoay đủ cách

Chờ đợi, chuyển viện để thực hiện phẫu thuật vì thiếu vật tư y tế vẫn tiếp diễn tại nhiều cơ sở y tế trong cả nước. Thậm chí, người bệnh đăng ký khám ban đầu ở một nơi nhưng phải xét nghiệm, phẫu thuật chỗ khác.

Anh V.V.Đ phải ra tận quầy thuốc bên ngoài bệnh viện mới mua được mấy chiếc kim tiêm. Ảnh: Bạn đọc cung cấp

Nhiều nơi thiếu

Theo phản ánh của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, thời gian này tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế vẫn diễn ra khá phổ biến.

Anh V.V.Đ (sinh năm 1979, trú tại TP Thái Bình) vừa mua một bịch thuốc, vài chiếc kim tiêm mua được từ quầy thuốc phía ngoài đường Lý Bôn, TP Thái Bình mang vào viện cho mẹ điều trị.

Anh Đ kể: Mẹ anh có bảo hiểm y tế nhưng khi phải vào viện, ngoài một cái giường nhỏ hai người nằm chen chúc thì gần như cái gì cũng phải đi mua. Bác sĩ kê đơn thuốc rồi xuống nhà thuốc bệnh viện mua, xếp hàng đợi mãi mới mua được một số thuốc còn kim tiêm phải ra bên ngoài.

“Khi ra bên ngoài mua, tại đây, người bán hàng nói không bán được vì có bán thì bác sĩ chắc chắn sẽ không tiêm cho mẹ tôi. Lý do là cùng loại biệt dược, cùng công dụng điều trị nhưng tên thuốc lại khác nhau, mà bác sĩ đã kê đơn chỉ định thì bắt buộc phải mua đúng tên thuốc được kê” – anh Đ bức xúc nói.

Bệnh nhân N.V.H, 56 tuổi ở Hà Nội được xác định rách gân vai có chỉ định phẫu thuật tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội). Mặc dù người bệnh rất đau và mong muốn được mổ sớm nhưng không thể thực hiện bởi bệnh viện đã lên lịch mổ rồi nhưng phải chờ vì thiếu vật tư phẫu thuật.

Nhiều giải pháp nhưng vẫn vướng

Năm 2023, sau khi nhiều bệnh viện “than” thiếu thuốc, vật tư y tế, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 30/NQ-CP về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế. Hơn 3 tháng sau, Bộ Y tế ra Thông tư 14/2023/TT-BYT (Thông tư 14) quy định trình tự, thủ tục xây dựng giá gói thầu mua sắm hàng hóa và cung cấp dịch vụ tại các cơ sở y tế công lập.

Theo ý kiến của một số bệnh viện, dù Luật Đấu thầu 2023 có hiệu lực từ đầu năm nay, nhưng sau 2 tháng mới có Nghị định 24/2024/NĐ-CP (Nghị định 24) quy định thi hành Luật và hiện đã hết quý I/2024 vẫn chưa có thông tư hướng dẫn. Có thông tư hướng dẫn, các bệnh viện mới mở thầu, thì phải mất 3-5 tháng nữa mới có thuốc, vật tư để phục vụ khám chữa bệnh.

Đại diện các bệnh viện cũng cho rằng, chưa thể dễ dàng đấu thầu mua sắm đủ thuốc, vật tư. Một số loại vật tư (găng tay, bông băng, vật tư phẫu thuật…) đang phải mua theo gói dưới 50 triệu đồng, do giám đốc bệnh viện tự quyết định. Nhưng với những vật tư phục vụ phẫu thuật chấn thương chỉnh hình, tim mạch thì giá cao, không thể mua theo hình thức này. Vì thế, có những bệnh viện chỉ bảo đảm vật tư y tế cho các trường hợp cấp cứu, chứ không thể phục vụ các ca mổ.

Ông Hoàng Cương – Trưởng phòng Chính sách, Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, ngày 27.2.2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định 24 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu, là cơ sở để các bệnh viện triển khai ngay việc mua sắm mà không cần chờ sự ra đời của những thông tư hướng dẫn.

Về lý do nhiều bệnh viện vẫn chưa mua sắm được và thiếu vật tư phục vụ khám chữa bệnh, ông Cương cho rằng, do trách nhiệm của các chủ đầu tư, còn với các quy định hiện hành là đủ căn cứ pháp lý để các bệnh viện mua sắm, đấu thầu.

Ý kiến của các bệnh viện, Bộ Y tế

PGS.TS Đào Xuân Cơ cho hay: “Hiện bệnh viện đảm bảo cung ứng tương đối đầy đủ thuốc, thiết bị y tế phục vụ công tác khám, điều trị cho người bệnh. Nói tương đối đủ thuốc, thiết bị y tế nghĩa là không phải lúc nào cũng đảm bảo 100% vì với một bệnh viện lớn đa khoa như Bệnh viện Bạch Mai đôi lúc thiếu cục bộ vài hoá chất, thuốc là không tránh khỏi”.

Theo TS.BS Dương Đức Hùng – Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện là tuyến cuối về ngoại khoa, bình thường số lượng mua sắm luôn là 130% kế hoạch. Hoạt động mổ cấp cứu và ghép tạng vẫn đảm bảo đủ thuốc và vật tư. Trung bình hiện bệnh viện thực hiện 30-40 ca phẫu thuật cấp cứu/ngày. Tuy vậy, TS.BS Dương Đức Hùng cũng đưa ra một số khó khăn như việc mua sắm khẩn cấp – tức là chỉ được mua dưới 50 triệu đồng với bệnh viện khó có thể thực hiện vì thiết bị, vật tư phục vụ phẫu thuật khá đắt.

Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận cho biết, bộ đã nhận được những ý kiến phản ánh của cơ sở y tế về tình trạng thiếu và nguy cơ thiếu thuốc, vật tư y tế, Bộ Y tế sẽ sớm ký ban hành 3 Thông tư liên quan đến hướng dẫn công tác đấu thầu, mua sắm trong y tế.

Theo Lao Động