Thời điểm thực hiện khoan sức dân để vực dậy khu vực doanh nghiệp đang chịu ‘tổn thương’

Ngay tháng đầu năm 2024, cả nước đã có 53.888 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, cao hơn gần gấp đôi so với số gia nhập thị trường. Điều này cho thấy làn sóng phá sản, ngừng hoạt động của doanh nghiệp chưa chấm dứt, những khó khăn vẫn tiếp tục bủa vây.

Theo Cổng Thông tin Quốc gia về Đăng ký doanh nghiệp (Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh – Bộ KH&ĐT), số doanh nghiệp (DN) gia nhập và tái gia nhập thị trường trong tháng đầu năm 2024 đạt 27.335 DN, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2023, gấp hơn 1,3 lần mức bình quân DN gia nhập và tái gia nhập thị trường giai đoạn 2018-2023 (20.891 DN).

Doanh nghiệp đã kiệt sức 

Ở chiều ngược lại, trong tháng 1/2024 có tới 53.888 DN rút lui khỏi thị trường, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, phần lớn là các DN lựa chọn hình thức tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn (chiếm 81,5%).

Số doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động gần gấp đôi doanh nghiệp thành lập mới và quay lại hoạt động.

Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, số DN giải thể là 2.165 DN, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, có 10/17 ngành kinh doanh chính có số lượng DN giải thể tăng so với cùng kỳ năm 2023. Phần lớn DN giải thể trong tháng 1 năm 2024 có thời gian hoạt động ngắn (dưới 5 năm) với 1.587 DN (chiếm 73,3%) và tập trung chủ yếu ở quy mô vốn từ 0 – 10 tỷ đồng với 1.879 DN (chiếm 86,8%, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2023).

Trong một khảo sát mới đây của Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) cũng nêu ra thực trạng khó khăn của DN. Theo đó, khảo sát hồi tháng 4/2023 cho thấy 82,3% DN được khảo sát dự kiến sẽ giảm quy mô; ngừng/tạm ngừng kinh doanh hoặc giải thể thì tỷ lệ này đến khảo sát tháng 12 chỉ còn 72.8%. Tuy nhiên, tỷ lệ DN dự kiến ngừng kinh doanh và chờ giải thể năm 2024 của khảo sát tháng 12 lại cao hơn tỷ lệ này ở tháng 4 (11,8% so với 10,9%), trong khi tỷ lệ tạm ngừng kinh doanh gần bằng nhau. Điều này trùng với xu hướng ngừng kinh doanh và chờ giải thể của DN theo thống kê của Tổng cục Thống kê.

Nếu như tháng 4/2023, có 5.837 DN ngừng kinh doanh, chờ làm thủ tục giải thể và 1.509 DN hoàn tất thủ tục giải thể thì đến tháng 12/2023 có 8.687 DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và 1.866 DN hoàn tất thủ tục giải thể.

Số liệu khảo sát và thống kê cho thấy rằng, DN kiệt sức là sự thật, đặc biệt sau 2 năm COVID- 19 và 2 năm phải đối mặt với những bất ổn của kinh tế vĩ mô toàn cầu. “Nếu không được vun đắp kịp thời, niềm tin và sức lực của DN đều cạn kiệt. Đây là thời điểm cần phải khoan thư sức dân hơn bao giờ hết để nuôi dưỡng niềm tin và năng lực phục hồi của DN cũng như tổng thể nền kinh tế”, Ban IV nhấn mạnh.

Ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Thanh Hóa, chia sẻ một thực tế đáng buồn đang diễn ra khi số lượng DN phải đóng cửa, rút lui khỏi thị trường ngày càng tăng. Cộng đồng DN đang đối mặt với bối cảnh đầy khắc nghiệt, từng ngày gồng mình với thách thức. Trong khi đó, tình hình kinh tế – chính trị thế giới diễn biến phức tạp, lạm phát tăng cao, nguyên vật liệu đầu vào khan hiếm, giá cả thị trường tăng vọt, đơn hàng sụt giảm so tổng cầu thế giới và trong nước suy yếu; cộng thêm đó DN vẫn gặp khó khăn về việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, thị trường… Những tác động kép này càng khiến sức khỏe của DN thêm ốm yếu.

Chính phủ cần có chính sách và kế hoạch thực hiện cụ thể để vực dậy các DN đang gặp khó khăn.

Trong bản tin thị trường mới đây, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, khát tiền vẫn là thực trạng mà nhiều DN địa ốc phải đối mặt thời gian tới. Với đặc trưng vốn chủ sở hữu mỏng, hoạt động kinh doanh của các DN phụ thuộc phần lớn vào vốn vay. Tuy nhiên, hai nguồn vốn hàng đầu là tín dụng ngân hàng và phát hành trái phiếu DN đều biến động mạnh thời gian qua.

Cần chính sách vực dậy doanh nghiệp 

VARS cho rằng lối ra để thị trường bất động sản phục hồi và phát triển là khơi thông các kênh vốn đang gặp thách thức. VARS đề nghị cơ quan quản lý sớm ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2025 để tháo gỡ điểm nghẽn pháp lý cho các dự án tái khởi động, nhất là nhà ở vừa túi tiền, nhà ở xã hội. Phân khúc này sẽ thúc đẩy thanh khoản, giúp các DN có nguồn thu để trả nợ và có dòng tiền luân chuyển.

Cơ quan quản lý cũng cần nghiên cứu cơ chế minh bạch thông tin và đẩy mạnh phát hành trái phiếu DN trở lại. Trong đó hoạt động xếp hạng tín nhiệm cần đẩy mạnh để phản ánh đúng rủi ro của DN, cho phép nhà đầu tư có cái nhìn khách quan để đánh giá rủi ro trước khi đầu tư.

Số liệu từ Bộ KH&ĐT cho thấy, Việt Nam có gần 920.000 DN đang hoạt động, tuy nhiên chủ yếu có quy mô nhỏ bé, với gần 98% là các DN có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Thời gian qua, các DN chưa kịp phục hồi hoàn toàn sau dịch bệnh Covid-19, lại tiếp tục phải đối diện với nhiều khó khăn thách thức do tác động của các bất ổn kinh tế, địa, chính trị thế giới. Do đó, với sức khỏe còn yếu thì các DN khó có thể hấp thụ được nguồn vốn.

Theo Ban IV, Chính phủ cần có chính sách và kế hoạch thực hiện cụ thể để vực dậy các DN đang “chết lâm sàng” mà không thể làm thủ tục ngừng kinh doanh hoặc giải thể. Việc này nhằm tránh lãng phí tài nguyên của các chủ đầu tư, chủ DN và gỡ vướng vấn đề pháp lý rộng khắp.

Bên cạnh đó, Ban IV đề xuất thay đổi các quy định về giới hạn 30% lãi vay ngân hàng trong giao dịch liên kết; thay đổi chính sách thuế thu nhập cá nhân cho phù hợp tình hình mới. Đồng thời, đề xuất giảm thuế thu nhập DN cho DN vừa và nhỏ về 18% sau đó về 15% để giúp DN củng cố nguồn lực trong ngắn hạn.

“DN vừa và nhỏ hiện không tiếp cận được đất đai, phải đi thuê lại với chi phí ngày càng cao. Đề nghị Nhà nước cân nhắc các chính sách để DN không sản xuất không được chiếm giữ đất, hoặc phải bán lại theo giá được quy định cho các DN sản xuất”, Ban IV đề xuất Thủ tướng.

Cuối năm 2023, đơn hàng có vẻ tăng lên nhưng DN đã cạn nguồn vốn, hết tài sản thế chấp để vay thêm, khó khăn lại lặp lại: Không có tiền để sản xuất. Vì vậy, Ban IV đề nghị Chính phủ có nguồn vốn lãi suất thấp, điều kiện vay không quá khó khăn, nhìn vào khả năng trả nợ trong tương lai hoặc đánh giá thương hiệu DN, hay các số liệu về người lao động, hoặc bằng cách chứng minh hiệu quả mô hình kinh doanh, hoặc theo kết quả báo cáo tài chính để giúp các DN nhỏ có vốn sản xuất, vượt qua giai đoạn khó khăn trong suốt 3 năm qua để tiếp tục phát triển.

-9759-1706517786.png

Ông Nguyễn Chí Dũng

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT

Để trợ lực cho DN thì cần giải quyết vấn đề căn cơ, nguyên nhân gốc rễ thay vì xử lý vấn đề hiện tượng. Vì vậy, cần nhanh chóng tháo gỡ những điểm nghẽn, rào cản pháp lý đang cản trở hoạt động đầu tư kinh doanh của DN; tiếp tục hỗ trợ DN giảm gánh nặng chi phí, tăng cường khả năng tiếp cận vốn và các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước; Hỗ trợ DN tiếp cận thị trường mới, đẩy mạnh xuất khẩu và thúc đẩy tiêu dùng trong nước… Bên cạnh đó, cộng đồng DN cũng cần nỗ lực thực hiện các giải pháp, hướng đi mạnh dạn, đột phá, sáng tạo và hiện đại, nắm bắt thời cơ, không chỉ để tự lớn mạnh mà còn đóng góp chung vào sự phát triển của đất nước.

-7116-1706517786.png

Ông Nguyễn Bích Lâm

Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê

Năm 2024, Chính phủ cần tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa và tiền tệ, trong đó ưu tiên  thực hiện chính sách tài khóa hợp lý hỗ trợ tăng trưởng. Nỗ lực giải quyết các điểm nghẽn, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, Chính phủ cần cập nhật, điều chỉnh kịp thời các giải pháp phù hợp với thay đổi của kinh tế thế giới nhằm hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, ổn định và phát triển sản xuất.

-7527-1706517786.png

Ông Đậu Anh Tuấn

Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Trong năm 2023, khi tiếp xúc với DN thì từ khóa mà tôi nghe là “rất khó khăn”. Điểm đáng lo ngại đến từ khu vực kinh tế tư nhân khá nhiều, dù số lượng DN thành lập mới đạt kỷ lục nhưng tốc độ rời khỏi thị trường cao kỷ lục; tiếp cận tín dụng trầm lắng, xuất khẩu suy giảm mạnh. 2023 là năm rất khó khăn. 2024, Chính phủ cần định hướng giải pháp làm sao giải bài toán cho DN đỡ khó hơn.

Theo Vnbusiness