Người dân miền núi Thượng Trạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) hái măng rừng đem về sấy khô làm ra sản phẩm “Măng khô rừng Cà Ròong” đạt sản phẩm OCOP 3 sao, công việc này tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân.
Hái măng rừng về làm kinh tế
Trò chuyện với PV Dân Việt, ông Đinh Tiếng (ở bản A Ky, xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) cho biết: “Trước đây, người dân thường vào rừng để hái măng về phục vụ bữa ăn hằng ngày. Giữa năm 2021, chính quyền địa phương hỗ trợ thành lập Hợp tác xã Cà Ròong để sản xuất măng, tạo liên kết cho các hộ dân trong bản làm kinh tế từ măng rừng, từ đó, việc hái măng về không còn để ăn no cái bụng mà chúng tôi bán cho hợp tác xã kiếm tiền trang trải cuộc sống”.
Theo ông Đinh Tiếng, bà con trong bản tham gia vào Hợp tác xã sẽ được chia thành các nhóm: Khai thác măng rừng; sơ chế; đóng gói… để tạo ra sản phẩm xuất ra thị trường.
Bà con trong nhóm khai thác, từ sáng sớm đã rủ nhau đi hái măng rừng. Một ngày, có gia đình hái được hơn 100 kg măng rừng, sau đó, mang về bán cho Hợp tác xã với giá 4.000 đồng/kg măng tươi, 400.000 đồng/kg măng khô, thu về gần 500.000 đồng/ngày.
Ông Đinh Tiếng cho hay: “Sau khi thu mua măng rừng của người dân, Hợp tác xã Cà Roòng đem về phơi sấy, tạo ra sản phẩm “Măng khô rừng Cà Ròong” với tiêu chí ngon, sạch rồi đưa về miền xuôi, bán cho các siêu thị, cửa hàng nông sản sạch. Thời gian qua, sản phẩm nhận được phản hồi tích cực từ người tiêu dùng”.
Bà Y Buốt (ở bản Nịu, xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) là thành viên của Hợp tác xã Cà Roòng cho biết: “Để có sản phẩm làm từ măng rừng phải theo mùa, thời tiết thất thường nên việc duy trì sản xuất cũng không hề đơn giản. Từ khi có Hợp tác xã, cách nghĩ về làm kinh tế của bà con thay đổi nhiều rồi. Ngoài việc phát triển kinh tế từ măng rừng, dân bản còn trồng nhiều sắn, keo… góp phần tăng thu nhập”.
“Măng khô rừng Cà Ròong” – Sản phẩm OCOP 3 sao Quảng Bình
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Cẩm Long – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bố Trạch, cho biết: “Qua nghiên cứu, xác định lợi thế địa phương, kỳ vọng tạo sinh kế lâu dài, bền vững cho bà con dân tộc, tháng 6/2021, chính quyền xã Thượng Trạch quyết định thành lập Hợp tác xã Cà Roòng để chế biến măng, đầu tư máy móc sản xuất, sấy ép, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo dựng bao bì, nhãn mác nhằm nâng cao giá thành.
Đặc biệt, từ cây măng mọc ở khắp núi rừng biên giới, đồng bào Ma Coong ở xã Thượng Trạch đã tạo ra sản phẩm “Măng khô rừng Cà Ròong” và được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh Quảng Bình năm 2021″.
“Mô hình măng khô rừng Cà Roòng là hướng đi mới cho bà con đồng bào Ma Coong vùng biên giới Quảng Bình, góp phần hỗ trợ sinh kế, hưởng ứng Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”, ông Long cho hay.
Ông Lê Công Toán – Bí thư Huyện ủy Bố Trạch (tỉnh Quảng Bình), chia sẻ: “Thời gian tới, địa phương sẽ chú trọng tập huấn, đào tạo kiến thức chuyên sâu cho cán bộ quản lý, phụ trách chương trình, tập huấn hướng dẫn bà con sản xuất các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP”.
Theo ông Toán, huyện sẽ hỗ trợ các địa phương phát triển vùng nguyên liệu và xây dựng liên kết theo chuỗi giá trị, hỗ trợ thiết kế và in ấn bao bì, nhãn mác; xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc; chứng nhận chất lượng; đăng ký sở hữu trí tuệ và xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm.
Theo Danviet