Sáng 8/11, trong cuộc gặp gỡ lưu học sinh và cộng đồng người Việt Nam tại thành phố Trùng Khánh (Trung Quốc), Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh truyền thống “đoàn kết, tương thân, tương ái” của người Việt Nam.
Sáng 8/11, tiếp tục chuyến công tác tại Trung Quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp gỡ lưu học sinh và cộng đồng người Việt Nam tại thành phố Trùng Khánh (Trung Quốc).
Luôn hướng về quê hương, đất nước
Theo Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai, lưu học sinh và cộng đồng người Việt Nam tại Trùng Khánh rất xúc động khi được gặp gỡ với Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Đại sứ Phạm Sao Mai thông tin, hiện nay, ở Trùng Khánh có khoảng gần 400 lưu học sinh và khoảng 600 người Việt sinh sống, lao động và học tập. Dù sống xa quê hương, nhưng cộng đồng người Việt luôn đoàn kết, hướng về quê hương, đất nước. Trong các đợt thiên tai, lũ lụt ở trong nước, du học sinh và cộng đồng người Việt luôn có các hành động thiết thực, quyên góp, ủng hộ…
Tại buổi gặp, chị Nguyễn Thị Lan – Hội trưởng Hội người Việt Nam tại Trùng Khánh – Tứ Xuyên, cho biết, hội được thành lập năm 2022 với mục đích xây dựng cộng đồng người Việt để giúp đỡ lẫn nhau, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc. Cuộc sống của kiều bào, du học sinh tương đối ổn định, có ý thức việc giữ gìn văn hoá. Cộng đồng người Việt có nhiều hoạt động hướng về quê hương, đất nước. Đặc biệt, vào những dịp lễ lớn như Giỗ tổ Hùng Vương, 30/4, 2/9, Tết cổ truyền đều có các hoạt động truyền thống, giữ gìn văn hoá.
Chị Nguyễn Thị Lan cũng cho biết, do khoảng cách địa lý khá xa, nên chưa kết nối được với đông đảo kiều bào. Cùng với đó, hiện nay, có các thế hệ trẻ sinh ra và lớn lên trên đất nước Trung Quốc, có những khó khăn nhất định trong việc duy trì, phát triển ngôn ngữ, giữ gìn các nét văn hoá cổ truyền của dân tộc.
Sinh viên Trần Văn Đạt – nghiên cứu sinh tại Đại học Trùng Khánh thông tin, hiện nay có khoảng 400 sinh viên đang học tập tại Trùng Khánh, đa phần đều nhận được học bổng từ Chính phủ Trung Quốc. Tuy nhiên, theo sinh viên Trần Văn Đạt, các du học sinh cũng gặp một số khó khăn về rào cản ngôn ngữ và văn hóa ẩm thực, chi phí sinh hoạt ở đây khá cao.
Phát biểu tại buổi gặp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ xúc động khi chứng kiến tình cảm của cộng đồng người Việt Nam, lưu học sinh dành cho Thủ tướng và đoàn công tác. “Đó là tình cảm quê hương, người Việt Nam dù ở đâu cũng luôn hướng về quê hương, đất nước”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi lời hỏi thăm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới cộng đồng người Việt Nam, lưu học sinh ở Trùng Khánh, mong muốn, mọi người luôn mạnh khoẻ, hạnh phúc, sống và làm việc theo đúng quy định của nước sở tại.
Thủ tướng Phạm Minh Chính dành nhiều thời gian nêu về quá trình phát triển, vươn lên của đất nước, đặc biệt là những thành tựu trong gần 40 năm đổi mới. Theo người đứng đầu Chính phủ, trước đổi mới, quy mô nền kinh tế của Việt Nam mới ở mức 4 tỷ USD, bình quân đầu người khoảng 100USD/người. Hiện nay, quy mô nền kinh tế hơn 433 tỷ USD, bình quân đầu người hơn 4.000USD/người. Nói thêm về một số con số, Thủ tướng khẳng định “đó là sự vươn lên, trỗi dậy của chúng ta”.
Phát huy đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu, hiện nay, đất nước đang “bước sang kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, có vai trò, vị trí quan trọng trong khu vực và trên thế giới. Việt Nam từ một nước bị bao vây, cấm vận nhiều năm, đến nay, đi đến đâu cũng được tôn trọng.
Thủ tướng cho biết, qua quá trình phát triển, chúng ta rút ra được nhiều bài học. Cụ thể là bài học về kiên định độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội; thứ hai là bài học về sức mạnh của nhân dân, nhân dân làm nên lịch sử, “dễ trăm lần không dân cũng chịu / khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Bài học thứ ba, về sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải đoàn kết. Bài học thứ tư là về kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, đi vào dòng chảy thời cuộc, thời đại; thứ năm là có Đảng lãnh đạo, mọi thắng lợi đều do Đảng lãnh đạo, Đảng không có mục đích nào khác ngoài mục đích mang lại độc lập, tự do cho đất nước, hạnh phúc, ấm no cho nhân dân…
Thủ tướng nhắc về hơn 6 triệu người Việt Nam đang sinh sống, làm việc ở nước ngoài, có nhiều dự án đầu tư về nước, đóng góp vào phát triển kinh tế – xã hội đất nước. Cùng với đó, các kiều bào cũng là cầu nối hữu nghị giữa Việt Nam với các nước.
“Các kiều bào luôn phát huy tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau, lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều, thể hiện truyền thống ‘Bầu ơi thương lấy bí cùng/tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”, Thủ tướng nói.
Đề cập đến cộng đồng người Việt và lưu học sinh Việt Nam tại Trùng Khánh, Thủ tướng mong muốn sớm thành lập một số hội thanh niên, phụ nữ… Thủ tướng mong muốn, công tác lãnh sự, cộng đồng người Việt, lưu học sinh phải đoàn kết, chăm lo, giúp đỡ lẫn nhau. Lưu học sinh phải học tập thật tốt, có hoài bão, lý tưởng, khát vọng, bởi điều này “không thể thiếu được”.
Về một số khó khăn, Thủ tướng nói, trong cuộc sống luôn có khó khăn, nhưng phải thể hiện văn hoá truyền thống của người Việt, tự tin, tự lực, tự cường vươn lên. Thủ tướng mong muốn, mỗi công dân Việt Nam đang sinh sống, làm việc ở Trùng Khánh là “cầu nối hữu nghị” quan hệ truyền thống giữa Việt Nam – Trung Quốc, thể hiện mối quan hệ “Núi liền núi, sông liền sông; Mối tình thắm thiết Việt – Hoa / Vừa là đồng chí vừa là anh em”.
Về vấn đề gìn giữ truyền thống văn hoá, ngôn ngữ cho thế hệ người Việt trẻ sinh ra ở Trung Quốc, Thủ tướng nhấn mạnh, Bộ Ngoại giao cần phối hợp triển khai, đảm bảo “làm sao giữ gìn văn hoá, tiếng Việt cho các cháu”.
Kết thúc phần trao đổi, Thủ tướng thêm một lần nhấn mạnh, lưu học sinh, người Việt ở Trùng Khánh cần luôn nỗ lực phấn đấu, có hoài bão, ước mơ, lý tưởng, khát vọng làm chủ cuộc sống. Theo Thủ tướng, ở đâu phát huy được năng lực tốt nhất thì cống hiến, làm việc, có điều kiện thì giúp đỡ gia đình, dòng họ, cao hơn nữa là góp phần đóng góp cho Tổ quốc.