Sáng nay 26-3, Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt và đối thoại với thanh niên năm 2024, nhân dịp kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26-3-1931 – 26-3-2024).
Đối thoại diễn ra theo hình thức trực tiếp nhằm tuyên truyền, phổ biến rộng rãi tới thanh niên những chủ trương, chính sách của Nhà nước về chuyển đổi số quốc gia, phát huy vai trò, trách nhiệm của thanh niên trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia.
Dự đối thoại còn có lãnh đạo các ban, bộ, ngành.
Phía Trung ương Đoàn có anh Bùi Quang Huy – bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn cùng các anh chị Ban Bí thư Trung ương Đoàn và sự tham dự của 300 đại biểu thanh niên.
Cũng dịp này, Thủ tướng đã biểu dương, tặng quà cho 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu và 9 gương mặt trẻ Việt Nam triển vọng năm 2023.
Phong trào thanh niên sống được phải gắn với lợi ích của tập thể và dân tộc
Chia sẻ với người trẻ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói, đi đôi với phát triển sẽ có những mặt tích cực và tiêu cực. Quan trọng nhất là ta phải vững tâm để xử lý vấn đề hiệu quả, đối mặt với các vấn đề như một việc bình thường.
“Trong cuộc sống hay tư duy, tôi luôn muốn các bạn trẻ giữ thăng bằng trong các trường hợp nào, dù thắng lợi hay thất bại. Như cha ông nói thắng không kiêu, bại không nản, xử lý mọi việc một cách có bình tĩnh và có hiệu quả trong cả cuộc sống và công việc” – Thủ tướng bày tỏ.
Ông khẳng định Chính phủ sẽ hoàn thiện thể chế để đảm bảo an ninh mạng, phân công các bộ ngành để xử lý các vấn đề nếu có sự cố.
Ví dụ gần đây có sự cố liên quan tới chứng khoán, làm thị trường giảm 12 điểm và nhà đầu tư hoang mang. Bộ Công an đang triển khai đề an 06 cũng sẽ xử lý một phần các vấn đề này. Gắn với việc nâng cao năng lực xử lý sự cố an ninh mạng, tuyên truyền và cảnh giác trước nguy cơ của an ninh mạng, đặc biệt là các bạn trẻ.
Theo Thủ tướng, phong trào thanh niên sống được phải gắn với lợi ích của tập thể và dân tộc. Ví dụ như phong trào Ba sẵn sàng trước đây có sức sống, vì ai cũng có lợi ích về hòa bình. Do đó, ông khuyến nghị các thanh niên cần tập trung vào phong trào học tập, nâng cao năng lực công nghệ của thanh niên, đặc biệt trong chuyển đổi số; hai là phong trào học tập ngoại ngữ, khi chúng ta chưa đầu tư được nhiều và đi sau so với các nước trong khu vực về ngoại ngữ, công dân toàn cầu phải có ngoại ngữ; ba là phong trào giữ vệ sinh môi trường thật tốt.
Chính phủ luôn dành cho thanh niên sự quan tâm đặc biệt
Phát biểu tại chương trình, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Bùi Quang Huy cho biết chương trình đối thoại được tổ chức lần thứ hai sau khi có Luật Thanh niên năm 2020. Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn cho biết hai lý do để đối thoại năm nay lựa chọn chủ đề “Phát huy vai trò xung kích của thanh niên trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia”.
Trước hết, Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn dành cho thanh niên sự quan tâm đặc biệt, mong muốn xây dựng thế hệ thanh niên Việt Nam phát triển toàn diện, đồng thời kỳ vọng thanh niên Việt nam phát huy cao tinh thần “5 sẵn sàng” như thông điệp mà Thủ tướng Chính phủ đã gửi gắm đến thanh niên.
Trong giai đoạn hiện nay, Đảng, Nhà nước xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm và là phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần phát huy sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, nguồn lực bên trong và bên ngoài, giúp giải quyết hiệu quả các mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội.
Theo anh Huy, với sứ mệnh là chủ nhân tương lai, là rường cột của nước nhà, thanh niên chính là lực lượng gương cao ngọn cờ chuyển đổi số Việt Nam, vì một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, phát triển.
Do đó anh mong muốn các thanh niên tham gia đối thoại với tinh thần trách nhiệm, thẳng thắn, cởi mở và trí tuệ, tập trung vào việc tìm hiểu cũng như đề xuất, hiến kế về các vấn đề liên quan đến Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, góp phần thực hiện thành công Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 định hướng đến năm 2030 của Chính phủ.
Với chủ đề “Phát huy vai trò xung kích của thanh niên trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia”, cuộc đối thoại của Thủ tướng với thanh niên sẽ xoay quanh chủ trương, chính sách hiện hành của Nhà nước đối với công cuộc chuyển đổi số quốc gia.
Cạnh đó là cơ chế, chính sách, nguồn lực của Nhà nước trong việc hỗ trợ, phát huy vai trò, trách nhiệm của thanh niên trong việc thực hiện các mục tiêu của Chương trình chuyển đổi số quốc gia.