Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị tìm ra lối đi riêng để Ninh Thuận trở thành địa chỉ “đáng để đầu tư, đáng cống hiến và đáng sống”. Ngoài ra, tỉnh phải tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, tạo cơ chế, chính sách có tính đột phá, tháo gỡ các “điểm nghẽn”.
“Miền đất hội tụ những giá trị khác biệt”
Sáng 28/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng nhiều lãnh đạo Trung ương, địa phương và hàng trăm doanh nghiệp đã dự hội nghị “Công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư tỉnh Ninh Thuận”.
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Trần Quốc Nam – Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết: Ninh Thuận có vị trí chiến lược quan trọng, là cửa ngõ giao thương quốc tế của khu vực và có điều kiện thuận lợi để liên kết phát triển vùng. Nơi đây có cảng biển nước sâu Cà Ná, có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải đến 300.000 DWT; nằm ở giao điểm của 3 trục giao thông chiến lược là Quốc lộ 1A, Cao tốc Bắc – Nam phía Đông; đường sắt Bắc – Nam và Quốc lộ 27 lên Nam Tây Nguyên.
Ngoài ra, bờ biển của tỉnh có chiều dài 105km, có nhiều lợi thế nổi trội, là vùng nước trồi duy nhất của Việt Nam, địa hình được bao bọc bởi các dãy núi vươn sát ra biển, tạo thành nhiều vịnh, bãi biển đẹp đã tạo cho Ninh Thuận có tiềm năng, thế mạnh riêng có để phát triển kinh tế biển, du lịch, đô thị, công nghiệp, năng lượng, logistics.
“Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là cơ sở pháp lý quan trọng, là luận chứng khoa học về định hướng phát triển kinh tế – xã hội và phương án bố trí không gian lãnh thổ tỉnh Ninh Thuận trong giai đoạn 10 năm tới và tầm nhìn chiến lược đến năm 2050. Từ đó, định hình các đột phá chiến lược trong cải cách thể chế, phát triển kết cấu hạ tầng, biến thách thức thành cơ hội, tăng cường thu hút đầu tư, sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển kinh tế – xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường”, ông Nam nói.
Tại hội nghị, UBND tỉnh Ninh Thuận đã công bố nội dung cơ bản, cốt lõi của Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 10/11/2023. Nội dung quy hoạch tỉnh đã nêu rõ quan điểm, định hướng phát triển, với tầm nhìn chiến lược “Ninh Thuận – Miền đất hội tụ những giá trị khác biệt”. Quy hoạch bố trí không gian phát triển và phân bổ nguồn lực cho các hoạt động kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường; đề ra các khâu đột phá để phát triển tỉnh trong thời kỳ quy hoạch.
Quy hoạch mới của tỉnh Ninh Thuận được triển khai theo hướng thu hút đa dạng các nguồn lực, tích hợp các nguồn lực, đồng thời tập trung vào 5 trụ cột phát triển chính, có tính cạnh tranh cao. Cụ thể, tỉnh Ninh Thuận tập trung vào trụ cột năng lượng và năng lượng tái tạo; du lịch chất lượng cao với các sản phẩm đặc trưng; công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp công nghệ cao; xây dựng kinh doanh bất động sản.
Nhân dịp này, UBND tỉnh Ninh Thuận đã trao bản ghi nhớ, chứng nhận cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp triển khai 15 dự án với tổng số vốn hơn 135.000 tỷ đồng. Tỉnh cũng giới thiệu tổng quan về tiềm năng, lợi thế, cơ hội đầu tư, các chính sách ưu đãi đầu tư, danh mục dự án ưu tiên đầu tư; những thành tựu phát triển kinh tế – xã hội và một số sản phẩm tiêu biểu, đặc trưng, chủ lực, sản phẩm OCOP của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Tìm lối đi riêng để Ninh Thuận phát triển
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá: Ninh Thuận là tỉnh ven biển Duyên hải Nam Trung bộ có bề dày lịch sử và văn hóa lâu đời, người dân Ninh Thuận có truyền thống anh hùng cách mạng, ý chí tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo, thân thiện và đặc biệt luôn có khát vọng vươn lên, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Tuy nhiên, địa phương còn nhiều khó khăn so với các địa phương khác trong vùng và cả nước, có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, khí hậu khô hạn; xuất phát điểm về kinh tế và cơ sở hạ tầng tương đối thấp; nguồn lực đầu tư còn hạn chế.
Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực và nhiệt liệt biểu dương những thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Ninh Thuận đã đạt được trong suốt chặng đường đã qua. Thủ tướng cho biết, quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 đã mở ra không gian phát triển mới trong 10 năm và định hướng 20 năm tới. Quy hoạch tỉnh có vai trò đặc biệt quan trọng, tổ chức lại không gian phát triển của tỉnh trong mối liên kết chặt chẽ với các tỉnh vùng Nam Trung bộ với tổ chức các hoạt động kinh tế – xã hội tỉnh Ninh Thuận theo 4 vùng lãnh thổ, 3 vùng động lực, 3 hành lang phát triển, 5 nhóm ngành đột phá quan trọng, lấy kinh tế biển và kinh tế đô thị làm động lực phát triển.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị tỉnh phải tìm ra lối đi riêng để Ninh Thuận trở thành địa chỉ đáng để đầu tư, đáng cống hiến và đáng sống. Tỉnh phải tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, tạo cơ chế, chính sách có tính đột phá, tháo gỡ các “điểm nghẽn”. Tỉnh cần tập trung cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, trọng tâm là tạo đột phá cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục, xây dựng chính quyền điện tử, kinh tế số, xã hội số, xây dựng đô thị thông minh. Bên cạnh đó, thúc đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, lấy kinh tế số, kinh tế xanh; giải quyết các khó khăn và vướng mắc cho doanh nghiệp.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đề nghị tỉnh cần triển khai huy động tối đa và sử dụng các nguồn lực của nhà nước, tư nhân và các nguồn lực hợp pháp khác. Tỉnh cần tăng cường hợp tác, liên kết phát triển kinh tế vùng với các tỉnh, thành phố trong vùng Nam Trung bộ, khu vực Tây Nguyên; tập trung đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với ứng dụng công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu và xây dựng nông thôn mới. Phát triển công nghiệp gắn với thương mại, dịch vụ, du lịch và đô thị. Phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn; khai thác, sử dụng có hiệu quả các tiềm năng về biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo, lấy kinh tế biển, kinh tế đô thị là động lực phát triển.
Ngoài ra, Thủ tướng đề nghị Ninh Thuận tập trung đào tạo phát triển nguồn nhân lực, thu hút nhân tài, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, coi đây là động lực đột phá. Xây dựng các chế độ, chính sách đãi ngộ và thu hút nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao tới làm việc tại Ninh Thuận. Khơi dậy, phát huy cao độ các giá trị truyền thống văn hóa lịch sử; quan tâm an sinh xã hội. Đổi mới tác phong lề lối làm việc, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng và tiêu cực.
|