Sự phối hợp giữa các bộ ngành cùng những quy định rõ ràng hơn về thuế và rủi ro tín dụng liên quan đến khí hậu là những yếu tố then chốt để thúc đẩy tài chính xanh tại Việt Nam.
Thực tế cho thấy, tại Việt Nam, đối với nguồn vốn cho tín dụng xanh, dù đã nỗ lực huy động các nguồn vốn từ thị trường phi tín dụng, nhưng nhìn chung tín dụng xanh từ ngân hàng vẫn là công cụ huy động vốn chủ yếu cho các dự án xanh. Còn thị trường trái phiếu xanh khá mới mẻ, quy mô chỉ chiếm khoảng 1% thị trường trái phiếu.
Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước, đến 30/6/2024, đã có 50 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh với dư nợ đạt 650.300 tỷ đồng, tăng 4,71% so với cuối năm 2023, chiếm 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Tuy nhiên, con số này còn rất khiêm tốn so với nhu cầu tín dụng xanh của doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh hiện nay. Bên cạnh đó, phần lớn nguồn vốn xanh đang chủ yếu tập trung cho các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (dự án điện gió, điện mặt trời) chiếm gần 45% và nông nghiệp xanh (chiếm gần 30%).
Nguyên nhân dẫn đến thực trạng nguồn tín dụng xanh hạn chế là do ngân hàng còn gặp một số khó khăn vì chưa có quy định chung về Danh mục phân loại xanh để các tổ chức tín dụng có cơ sở thẩm định cho vay.
Trước thực tế nêu trên, để thúc đẩy nguồn tài chính xanh, không ít ý kiến cho rằng, Việt Nam cần có chính sách toàn diện hơn. Sự phối hợp giữa các bộ ngành cùng những quy định rõ ràng hơn về thuế và rủi ro tín dụng liên quan đến khí hậu là những yếu tố then chốt để thúc đẩy nguồn tài chính xanh.
Nêu quan điểm về vấn đề này, TS Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn triển khai Nghị quyết 98 của Quốc hội cho rằng, để doanh nghiệp tiếp cận vốn xanh dễ dàng hơn, trước hết chúng ta cần làm rõ hơn tiêu chí xác định “xanh”, thước đo môi trường như thế nào. Đây cũng chính là yếu tố mà khi tiếp cận với các gói tín dụng xanh thì doanh nghiệp thường bị vướng.
Thứ hai, về nguồn vốn, không chỉ dựa vào các ngân hàng thương mại mà chúng ta cần phải tận dụng các nguồn vốn quốc tế, các quỹ…
Thứ ba, chúng ta cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý để tạo sự an toàn cho cả tổ chức tín dụng và người đi vay.
Thứ tư là đào tạo nguồn nhân lực, đề nghị các ngân hàng thương mại đào tạo một đội ngũ chuyên viên tư vấn chuyên nghiệp về tín dụng xanh để tiếp cận doanh nghiệp. Lực lượng chuyên nghiệp này không chỉ giúp giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp và cho cả ngân hàng.
Thứ năm, là phải đa dạng hóa sản phẩm tín dụng xanh, tức là không chỉ tài trợ cho các dự án năng lượng tái tạo, năng lượng sạch mà tài trợ theo hệ thống, sinh thái.
“Về phía các doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp nào chậm chuyển đổi số, chuyển đổi xanh tức là chúng ta chấp nhận đi sau và lạc hậu, không thể cạnh tranh được trên thị trường. Về phía các ngân hàng, cũng cần phải đẩy mạnh cho vay tín dụng xanh. Làm sao để nâng tỉ lệ tín dụng xanh từ chỗ chỉ chiếm tỉ trọng vô cùng thấp như hiện nay lên tỉ lệ 30-40% trên tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế. Bởi thông qua mức độ tăng trưởng tín dụng xanh, sẽ giúp chúng ta có được chỉ báo quan trọng để đánh giá mức độ chuyển đổi xanh của nền kinh tế”, TS Trần Du Lịch khẳng định.
Đồng quan điểm, Luật sư Châu Việt Bắc, Thành viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho biết, thời gian qua, tranh chấp giữa doanh nghiệp và ngân hàng liên quan đến yếu tố xanh và số gia tăng.
Với kinh nghiệm từ cơ quan tài phán tư, theo Luật sư Bắc, nếu không kiểm soát tốt lợi ích và rủi ro của doanh nghiệp và ngân hàng sẽ dễ dẫn đến tranh chấp vì các vấn đề liên quan đến tài chính xanh, chuyển đổi số khá mới; thiếu khung khổ pháp lý và có liên quan đến chuẩn mực quốc tế.
“Do đó, muốn xử lý tốt vấn đề khi xảy ra xung đột cần phải hiểu rõ vấn đề về xanh và số”, chuyên gia này nhấn mạnh.
Ở một góc nhìn khác về vấn đề này, GS-TS Trần Ngọc Thơ, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia cho rằng, tại Việt Nam, các ngân hàng đứng trước rủi ro rất lớn, vì quy định của Ngân hàng Nhà nước không có rủi ro về khí hậu. Nếu cấp tín dụng xanh mà còn dài hạn nữa thì rủi ro tín dụng rất lớn.
“Nếu Quốc hội không ghi vào Luật Ngân hàng Nhà nước về bảo đảm các “cú sốc” trước biến đổi khí hậu thì khó để ngành cho vay xanh phát triển mạnh, bởi hệ số rủi ro sẽ cao hơn. Vì vậy, cần phải có sự vào cuộc của nhiều ban ngành liên quan, chẳng hạn phải có quy định về thuế, những ngành nghề nào hạn chế cho vay xanh, sàn tín dụng xanh sẽ hoạt động ra sao… Từ đó mới thúc đẩy tín dụng xanh phát triển như chúng ta mong muốn”, GS-TS Trần Ngọc Thơ kiến nghị.