Hơn 2 năm kể từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, quan hệ kinh tế-thương mại trở thành điểm sáng trong hợp tác song phương Việt Nam-EU với kết quả ghi nhận.
Dư địa thị trường lớn
Sau hơn 2 năm thực thi, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đã hỗ trợ tích cực cho hàng hóa Việt Nam và EU tiếp cận thị trường của nhau, đáp ứng nhu cầu đa dạng hóa nguồn cung của cả hai bên. Theo đó, năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, trao đổi thương mại hai chiều Việt Nam – EU tiếp tục đà phục hồi và tăng trưởng rất mạnh, kể cả so với thời kỳ trước đại dịch.
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, năm 2021 kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – EU đạt 57,01 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó Việt Nam xuất khẩu đạt 40,1 tỷ USD, tăng 14,2%; nhập khẩu 16,9 tỷ USD, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2020. 10 tháng năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và EU đạt 52,5 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó xuất khẩu đạt 39,7 tỷ USD, tăng 23,5%.
EU hiện là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam và là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân đạt 7,5%, chiếm tỷ trọng bình quân 13,6% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước (2015 – 2021). Ở chiều ngược lại, Việt Nam đã vượt Singapore trở thành đối tác thương mại lớn nhất của EU trong khối ASEAN và đứng vị trí thứ 11 trong số các nước cung ứng hàng hóa lớn nhất vào EU (năm 2021- theo Eurostat). Cùng với đó, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang hầu hết các thị trường trong khối EU đều ghi nhận sự tăng trưởng tốt và chứng kiến sự chuyển dịch tích cực; không chỉ tập trung vào các thị trường lớn, cửa ngõ EU như: Đức, Hà Lan, Pháp… mà xuất khẩu đang dần được đẩy mạnh sang các thị trường nhỏ hơn, thị trường ngách tại: Bắc Âu, Đông Âu hay Nam Âu.
Đáng chú ý, cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu vào EU cũng có xu hướng mở rộng và đa dạng hóa khi không chỉ các mặt hàng chủ lực đạt tốc độ tăng ấn tượng như: Máy móc – thiết bị (43%), giày dép (54%), dệt may (44%), mà kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng nông, lâm, thủy sản cũng đang tăng ở mức rất cao, đáng kể như: Cà phê (43,4%), thủy sản (31,6%), rau quả (23,5%), gạo (12,2%)…
Đặc biệt, EU là thị trường nhập khẩu lớn thứ hai thế giới với quy mô nhập khẩu khoảng 2,1 nghìn tỷ EUR (năm 2021), trong khi thị phần hàng hóa nhập từ Việt Nam mới chỉ chiếm gần 2% (theo Eurostat); cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam – EU cũng phần nhiều mang tính bổ trợ, không cạnh tranh trực tiếp. Do vậy, dư địa thị trường còn tương đối lớn để các doanh nghiệp đẩy mạnh khai thác trong thời gian tới.
Thách thức còn nhiều
Thời cơ là hiện hữu, tuy nhiên để tận dụng tối đa ưu đãi từ EVFTA vẫn còn không ít thách thức, đặc biệt trong bối cảnh tình hình quốc tế dự báo vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, các bất ổn địa chính trị khu vực và toàn cầu, tiềm ẩn nhiều rủi ro suy thoái kinh tế, gián đoạn chuỗi cung ứng.
Cụ thể thị trường thương mại hàng hóa đã và đang có những diễn biến phức tạp về nguồn cung và giá cả. Hoạt động xuất khẩu từ Việt Nam sang khu vực thị trường EU tuy không chịu ảnh hưởng trực tiếp nhưng đang phải đối mặt với nhiều hạn chế như: Giá cả các mặt hàng lương thực biến động; hoạt động vận chuyển hàng hóa gặp khó khăn về thời gian và chi phí; lo ngại rủi ro thanh toán; giá cả nguyên, vật liệu phục vụ sản xuất tăng cao; khả năng kinh tế EU tăng trưởng chậm lại do bị ảnh hưởng nặng nề bởi xung đột khu vực và lạm phát cao kỷ lục sẽ tác động đáng kể đến chi tiêu của người tiêu dùng, ảnh hưởng đến nhu cầu nhập khẩu.
Đặc biệt, xu hướng EU sẽ tăng cường áp dụng hàng rào phi thuế quan, siết chặt các quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật về môi trường/khí hậu, phát triển bền vững. Trong khi nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vẫn gặp khó trong việc tiếp cận thị trường EU do chưa hoàn toàn đáp ứng các yêu cầu cao của EU đặt ra. EU cũng thường xuyên rà soát, điều chỉnh các quy định khiến các doanh nghiệp Việt Nam trong nhiều trường hợp không kịp nắm bắt, thích nghi.
Doanh nghiệp cần lưu ý gì?
Đứng trước những thuận lợi và cả những thách thức đan xen, trong thời gian tới, doanh nghiệp Việt Nam cần nỗ lực đổi mới chính mình, chuẩn bị kế hoạch bài bản để tận dụng tối đa cơ hội thị trường và ưu thế lớn từ EVFTA.
Cụ thể, chủ động tìm hiểu thông tin thị trường, thị hiếu tiêu dùng, cập nhật các yêu cầu, quy định mới để kịp thời thích ứng, điều chỉnh kế hoạch sản xuất và xuất khẩu phù hợp. Có tầm nhìn dài hạn và chiến lược kinh doanh cho từng mặt hàng cụ thể, từng thị trường mục tiêu. Doanh nghiệp nên đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường, gia tăng các sản phẩm trên các thị trường ngách, có lợi thế cạnh tranh; tiếp cận thêm các thị trường mới thông qua chuỗi siêu thị và các cửa hàng bán lẻ ở các quốc gia mục tiêu khác nhau tại châu Âu…
Trong sản xuất, ngoài việc chủ động kiểm soát, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo tuân thủ chặt chẽ tiêu chuẩn và quy định nhập khẩu của EU, doanh nghiệp cần đặc biệt chú trọng truy xuất nguồn gốc, đáp ứng quy tắc xuất xứ để được hưởng các ưu đãi từ EVFTA. Ngoài ra, cần nghiên cứu đẩy mạnh ứng dụng khoa học – kỹ thuật, các quy chuẩn thực hành tốt trong sản xuất, tăng cường chế biến sâu để gia tăng giá trị sản phẩm và sức cạnh tranh.
Đáng lưu ý, việc gia tăng các tiêu chuẩn xanh, phát triển bền vững là xu hướng tất yếu trên toàn cầu, không riêng tại thị trường EU. Nỗ lực xanh hóa sản xuất, cũng như thực hiện các trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi trường cần được chú trọng và đẩy mạnh hơn nữa.
EU đang có xu hướng tăng cường chuẩn hóa, luật hóa các quy định, siết chặt hơn các tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến khí hậu/môi trường, phát triển bền vững, chuyển đổi xanh. Hàng loạt các đề xuất quy định mới đã được Ủy ban châu Âu công bố thời gian gần đây, điển hình như: Cơ chế điều chỉnh carbon biên giới (CBAM), Dự luật ngăn chặn phá rừng COM (2021) 706, hay gói quy định về các sản phẩm bền vững, tuần hoàn… |
Theo Congthuong