Mối quan hệ thương mại với Trung Quốc đang là vấn đề nghị sự quan trọng nhất đối với tương lai kinh tế châu Âu.
Cựu thủ tướng Italy Paolo Gentiloni, đương kim Ủy viên kinh tế châu Âu vừa phát biểu rằng, Liên minh châu Âu (EU) đã tránh được những “lời tiên tri khủng khiếp” đe dọa nền kinh tế toàn khối trong những năm gần đây, nhưng vẫn phải đối mặt với cuộc chiến Nga -Ukraine và mối quan hệ thương mại mong manh với Trung Quốc.
Những mối đe dọa đó là gì? Suy thoái kinh tế, khủng hoảng năng lượng, phân cực, chia rẽ nội bộ EU. Con số mới đây cho thấy, kinh tế EU tăng trưởng 0,3% trong nửa đầu năm 2024.
“Phần tồi tệ của câu chuyện là nếu chúng ta không nâng cao năng lực cạnh tranh, nếu chúng ta không đạt được tiến bộ to lớn trong cái mà chúng ta gọi là liên minh thị trường vốn” – ông Paolo Gentiloni nói.
Nhưng phía trước, lục địa này đối diện với nhiều bất ổn về chính sách thương mại nếu ông D. Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 này. EU đã va chạm với Bắc Kinh sau quyết định của khối này vào tháng 6 về việc áp thuế cao hơn đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc.
“EU phải hỗ trợ Ukraine, giữ cho cánh cửa thương mại quốc tế luôn rộng mở nhưng cũng phải từ bỏ sự sự uẩn khúc của chúng ta trong mối quan hệ thương mại với Trung Quốc”, một quan chức khối này hiến kế.
Trong mối quan hệ “tay ba” hiện nay Mỹ – châu Âu – Trung Quốc, Brussels tỏ ra lúng túng hơn. Họ bị ám ảnh bởi các mối đe dọa đến an ninh kinh tế, an ninh phi truyền thống từ cường quốc châu Á.
Đó là làn sóng hàng giá rẻ, như xe điện, pin lithium, tấm năng lượng mặt trời, khiến các doanh nghiệp EU không thể cạnh tranh. Đây là khiếm khuyết mang tính hệ thống, bởi vì từ lâu các nền kinh tế châu Âu luôn coi mình là “cửa trên”, dựa vào công nghệ, thương hiệu.
Sự trỗi dậy của Trung Quốc đã cung cấp giải pháp mang tính phổ biến, đó là “chuỗi cung ứng giá rẻ”. EU không thể theo kịp vì những hạn chế về nhân khẩu, lao động, tài nguyên thiên nhiên, luật pháp thể chế. Ví dụ, doanh nghiệp EU không dễ vượt qua quy chuẩn môi trường để khai thác quặng, chế tạo pin xe điện.
Điều đó dẫn đến cách xử lý có phần bất ổn khi họ theo chân Mỹ đánh thuế ngăn chặn hàng hóa Trung Quốc. Bắc Kinh chưa công bố bất cứ biện pháp trả đũa nào, nhưng rất nhiều tập đoàn đa quốc gia của châu Âu bắt đầu cảm thấy khó khăn khi biên lợi nhuận giảm sút trầm trọng.
Đơn cử như ngành công nghiệp xe hơi Đức, một phần bị cạnh tranh bởi Trung Quốc, một phần bị loại dần khỏi thị trường màu mỡ nhất thế giới. Nói cách khác, EU phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc.
Nhưng ngặt nỗi, Brussels bị kẹt trong tình thế được đảm bảo an ninh bởi Mỹ thông qua cơ chế của khối NATO, nên nhiều đối sách với Bắc Kinh và Moscow đều có bóng dáng của Washington.