Thưởng Tết năm 2024 sẽ rất khó khăn?

Mặc dù các đơn hàng đã tăng trở lại, song một bộ phận doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn do tác động ảnh hưởng nặng nề kéo dài từ đại dịch Covid-19 sang đến năm nay kinh tế suy thoái, nhiều doanh nghiệp đã suy giảm sức chống chọi. Do đó, lương, thưởng Tết năm nay sẽ gặp nhiều khó khăn.

Theo Tổng cục Thống kê, trong 11 tháng năm 2023, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 85.400 doanh nghiệp, tăng 21,7% so với cùng kỳ năm trước; gần 57.200 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 26,3%; gần 16.200 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 4%. Bình quân một tháng có 14.400 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Các chuyên gia cho rằng những doanh nghiệp còn trụ được tính tới thời điểm này, thì nhiệm vụ trước mắt là lo bảo toàn nội lực để chờ thời điểm kinh tế đi lên trở lại. Đây cũng là nhiệm vụ quan trọng vì công ty còn tồn tại thì người lao động còn việc làm, còn có lương hàng tháng.

Thưởng Tết của doanh nghiệp dệt may giảm 30 – 40%

Theo thống kê sơ bộ, các ngành sử dụng nhiều lao động, là những ngành xuất khẩu chủ lực vẫn có thưởng Tết. Mức thưởng cơ bản bằng năm trước. Tuy nhiên trên toàn thị trường lao động, mức thưởng Tết sẽ giảm, nhất là tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là các doanh nghiệp dệt may.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam, chia sẻ: “So với năm trước, mức thưởng sẽ giảm 30 – 40%, thậm chí có những đơn vị không thưởng Tết cho người lao động”.

Dự báo thưởng Tết năm 2024 của các doanh nghiệp dệt may giảm 30 – 40% so với năm ngoái.

Chị Trần Thanh Thảo, quê ở huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa, cho biết, vợ chồng chị ra TP Thanh Hoá thuê nhà trọ ở khu Tây Bắc Ga, Thanh Hoá làm công nhân may trong khu công nghiệp Đình Hương. Hiện nay không được làm tăng ca như những năm trước, 2 anh chị phải thật tiết kiệm mới đủ sinh hoạt trong gia đình, lúc con ốm, có khi còn phải vay mượn thêm. Tuy nhiên thời điểm cuối năm, vợ chồng anh chị vẫn gắn bó với công ty và trông mong tiền thưởng Tết.

“Mọi năm ở công ty, trước 31/12 sẽ chi trả lương tháng 13, sau Tết Dương lịch là thời điểm ai nấy cũng hồi hộp, thấp thỏm và bàn tán về mức thưởng Tết. Ai cũng mong muốn năm nay cao hơn năm rồi, vì ắt hẳn cả năm qua đã cố gắng làm việc.

Tuy nhiên, năm nay đến thời điểm này chưa có thông tin về lương thưởng Tết, nhưng chúng tôi vẫn mong có thưởng để công nhân về quê ăn Tết vui vẻ”, chị Thảo chia sẻ.

Không giống chị Thảo, khi được hỏi về tiền lương, thưởng Tết, chị Mai Loan công nhân sản xuất may mặc trong khu công nghiệp Thăng Long lại tỏ ra không mấy mặn mà: “Tôi không kỳ vọng nhiều vào thưởng Tết. Năm nay coi ra ảm đạm hơn mấy năm dính dịch Covid-19 nữa. Nửa đầu năm công ty không có đơn hàng cắt giảm giờ làm, đơn hàng sụt giảm đến 30%, nên công nhân không có dư dả để phòng lúc ốm đau. Dù vậy, tôi vẫn mong công ty tạo điều kiện, trích 1 phần cho công nhân có tiền thưởng về quê ăn Tết”.

Thực tế, nhiều người lao động cũng có tâm trạng lo sợ khi đối diện với thưởng Tết năm nay. Một số người lo mức thưởng Tết giảm, một số người sợ thưởng Tết năm nay chỉ tượng trưng, mang tính chất động viên. Tệ hơn, có người còn lo sợ năm nay không có thưởng Tết.

Trong kế hoạch chăm lo Tết 2024, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã giao công đoàn cơ sở giám sát việc chi trả các chế độ lương, thưởng Tết cũng như thời gian làm việc, nghỉ ngơi, tăng ca hợp lý cho người lao động. Theo kiến nghị của đơn vị này, doanh nghiệp cần công khai kế hoạch thưởng Tết chậm nhất trước ngày 19/1/2024.

“Sợ năm nay không có thưởng Tết chính là nỗi niềm của nhiều người ở thời điểm này. Đặc thù văn hóa, người lao động Việt Nam đi làm quần quật cả năm, chỉ trông mong vào thưởng Tết, đây là khoản dư của người lao động. Bởi, tiền lương 12 tháng đã vào các khoản: chi tiêu, thuê nhà, sinh hoạt, nuôi con ăn học…”, chị Trần Ngọc (Hà Nội) chia sẻ.

Lương, thưởng dự báo khó khăn

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, thông tin: “Qua khảo sát, lương thưởng năm nay rất khó khăn. Một bộ phận người lao động khó được nhận thưởng hoặc được nhận thưởng với mức rất thấp”.

Chia sẻ với VnBusiness, Công ty Cổ phần Quốc tế Bảo Hưng (Thái Bình) chuyên sản xuất bánh kẹo, chia sẻ, năm nay kinh tế khó khăn, người dân cắt giảm chi tiêu, điều này cũng ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của công ty. Tuy nhiên, năm nay, Công ty Cổ phần Quốc tế Bảo Hưng vẫn cố gắng không giữ mức thưởng 1 tháng lương và bố trí thêm các phần quà Tết sum vầy để công nhân phấn khởi, yên tâm làm việc.

“Rất khó khăn nhưng mức lương của người lao động so với cùng kỳ năm trước cao hơn 10%, mức thưởng của năm nay cũng tăng 10% so với năm trước”, bà Phan Thị Châm, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Quốc tế Bảo Hưng, cho biết.

Theo các chuyên gia, thưởng Tết cao hay thấp phụ thuộc vào sức khỏe của doanh nghiệp. Chỉ cần doanh nghiệp ý thức, trách nhiệm với công nhân thì mức thưởng cao hay thấp chắc không phải là vấn đề lớn. Ngược lại, nếu doanh nghiệp khó khăn thì công nhân, người lao động cũng nên chia sẻ thêm với doanh nghiệp.

Bên cạnh những nỗ lực của doanh nghiệp trong cân đối nguồn tài chính, thì cũng có thể thấy vai trò của các tổ chức xã hội, công đoàn thông qua các chương trình chăm lo, tặng vé tàu xe cho công nhân về quê đón Tết.

Mới đây, UBND tỉnh Bình Dương đã có cuộc họp với các sở, ngành liên quan về phương án chi hỗ trợ tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Theo phương án đề xuất của Sở Tài chính tỉnh Bình Dương, dự kiến kinh phí chi hỗ trợ thưởng tết này xấp xỉ 274 tỷ đồng, tăng 7% so với năm 2023. Trong đó, đối tượng là công nhân lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tăng 1.000 người.

Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai cho biết, đơn vị vừa đề xuất UBND tỉnh hỗ trợ 30 tỷ đồng để tặng 30.000 phần quà cho lao động có hoàn cảnh khó khăn, mỗi phần trị giá 1 triệu đồng.

Theo Vnbusiness