Việt Nam luôn nằm trong những thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Thụy Sỹ. Nhu cầu nhập khẩu thuỷ sản của Thuỵ Sỹ dự báo tiếp tục tăng.
Xuất khẩu tăng trưởng tích cực
Thương vụ Việt Nam tại Thuỵ Sỹ dẫn số liệu mới nhất của Hải quan Thụy Sỹ cho thấy, 9 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Thụy Sỹ đạt 1,852 tỷ USD, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Thụy Sỹ đạt 1,428 tỷ USD, giảm 2,3% so với cùng kỳ năm 2022; nhập khẩu của Việt Nam từ Thụy Sỹ đạt 423,1 triệu USD, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong số các mặt hàng xuất khẩu chính sang Thụy Sỹ 9 tháng đầu năm 2023, các sản phẩm giày dép (HS 64) và dệt may (HS 61 và HS 62) duy trì tăng trưởng tích cực. Tuy nhiên các sản phẩm máy móc thiết bị điện và linh kiện (HS 85) có kim ngạch xuất khẩu giảm 26,2%. Xuất khẩu nhóm hàng này sang Thụy Sỹ chủ yếu tập trung vào điện thoại các loại và linh kiện (HS 8517), có kim ngạch giảm 36,0% trong 9 tháng đầu năm 2023, đạt 175,5 triệu USD.
Các sản phẩm khác như đồ da, hàng hóa du lịch, túi xách và sản phẩm tương tự túi… (HS 42); đồ nội thất, bộ đồ giường, đệm (HS 94); thủy sản (HS 03) có kim ngạch xuất khẩu giảm. Đáng lưu ý là xuất khẩu sản phẩm đá quý, kim loại quý (HS 71) sang Thụy Sỹ đã tăng 745% trong 9 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm 2022, đạt 56,1 triệu USD. Tuy nhiên xuất khẩu nhóm hàng này chủ yếu chỉ tập trung trong 3 tháng 3-5/2023. Xuất khẩu các tháng còn lại đạt dưới 1 triệu USD/tháng.
Về thuỷ sản, ông Nguyễn Đức Thương – Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Thuỵ Sỹ cho biết, là một nước không có biển, Thụy Sỹ phải nhập khẩu hầu như toàn bộ lượng thủy sản hàng năm. Mỗi năm thị trường Thụy Sỹ tiêu thụ khoảng 75.000-80.000 tấn thủy sản các loại, kể cả tươi sống, đông lạnh và chế biến. Bình quân tiêu thụ thủy sản khoảng 8,5-9,0 kg/người/năm.
Hiện, nhập khẩu thủy sản của Thụy Sỹ tập trung vào nhóm sản phẩm chính là: Thuỷ sản, cá đã chế biến hoặc bảo quản, trứng cá, động vật giáp xác, động vật thân mềm đã chế biến hoặc bảo quản. Năm 2022, nhập khẩu thủy sản và sản phẩm thủy sản của Thụy Sỹ đạt 77,3 nghìn tấn, kim ngạch đạt 932,2 triệu USD, tăng 2,4% so với năm 2021. Trong 9 tháng đầu năm 2023, nhập khẩu thủy sản và sản phẩm thủy sản của Thụy Sỹ đạt 54,0 nghìn tấn, kim ngạch đạt 700,5 triệu USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Những năm gần đây, theo ông Nguyễn Đức Thương, Việt Nam luôn nằm trong những thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Thụy Sỹ. Đối với nhóm hàng thủy sản (mã HS03), Việt Nam nằm trong top 4 thị trường nhập khẩu lớn nhất, sau Na Uy, Pháp và Hà Lan.
Đối với nhóm hàng cá đã chế biến hoặc bảo quản, trứng cá (mã HS 1604), Việt Nam cũng thường nằm trong top 10. Còn đối với nhóm hàng động vật giáp xác, động vật thân mềm đã chế biến hoặc bảo quản (mã HS 1605) Việt Nam luôn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Thụy Sỹ.
Hướng tới xuất khẩu sản phẩm thuỷ sản hữu cơ
Theo Thương vụ Việt Nam tại Thuỵ Sỹ, hiện cơ chế quản lý nhập khẩu cũng như các yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật và chất lượng thủy sản nhập khẩu của Thụy Sỹ rất tương đồng với những quy định của EU. Nhập khẩu các mặt hàng thủy sản không bị áp dụng hạn ngạch. Khác với thịt và các sản phẩm thịt, thuế nhập khẩu phần lớn các loại thủy sản và sản phẩm thủy sản của Thụy Sỹ là 0%.
Tuy nhiên, cũng như EU, Thụy Sỹ cho rằng đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) là một vấn đề toàn cầu đe dọa hệ sinh thái biển và hoạt động đánh bắt bền vững. Việc đánh bắt cá IUU gây nguy hiểm cho an ninh lương thực, làm trầm trọng thêm tình trạng nghèo đói, gây bất lợi và thiệt hại cho những người đánh bắt cá hợp pháp.
Đáng lưu ý thêm, tại Thụy Sỹ, Pháp lệnh kiểm soát nguồn gốc hợp pháp của các sản phẩm thủy sản biển nhập khẩu (Pháp lệnh IUU) có hiệu lực pháp lý kể từ ngày 1/3/2017. Pháp lệnh quy định rằng các sản phẩm thủy sản chỉ có thể được nhập khẩu nếu có giấy chứng nhận khai thác hợp lệ, chứng nhận nguồn gốc hợp pháp của sản phẩm (trừ 35 nước trong Phụ lục 2, bao gồm 27 nước EU, Na Uy, Iceland, Anh, Mỹ, Canada, Nhật Bản, Australia và New Zealand.
Các lô hàng thủy sản được đánh bắt có trong Phụ lục 1 của Pháp lệnh IUU phải được đăng ký với Cục An toàn thực phẩm và Vệ sinh dịch tễ liên bang (FSVO) để kiểm tra. Tuy nhiên nếu những lô hàng này đã được thông quan và kiểm tra IUU trước đó tại một nước EU thì không cần kiểm tra nữa.
Kể từ ngày 1/3/2022, các lô hàng thủy sản cần khai báo phải được đăng ký thông qua ứng dụng INPEC trên Cổng thông tin IUU. Cổng thông tin IUU của ứng dụng INPEC cho phép đăng ký số hóa và xử lý các biện pháp kiểm soát IUU trên các lô hàng thủy sản.
Thống kê sơ bộ cho thấy có khoảng 200 doanh nghiệp chuyên sản xuất, kinh doanh thủy sản trên thị trường Thụy Sỹ. Ngoài ra còn nhiều doanh nghiệp tham gia kinh doanh thủy sản cùng với các sản phẩm khác. Hệ thống bán lẻ chiếm khoảng 40% khối lượng thủy sản tiêu thụ trên thị trường Thụy Sỹ (khoảng 30.000-31.000 tấn/năm). Hệ thống khách sạn, nhà hàng… chiếm khoảng 55% lượng tiêu thụ (khoảng 42.000 tấn/năm).
Các hình thức phân phối còn lại như bán hàng trực tiếp chiếm khoảng 5% (khoảng 3.800-4.000 tấn/năm). Trong hệ thống bán lẻ thì riêng 2 chuỗi siêu thị lớn nhất Thụy Sỹ là Migros và Coop đã chiếm đến 80% tổng lượng tiêu thụ, tương đương khoảng 24.500-25.000 tấn/năm. Các nhà bán lẻ còn lại tiêu thụ khoảng 6.000 tấn/năm.
Nhận định về triển vọng xuất khẩu thuỷ sản sang thị trường Thuỵ Sỹ, ông Thương cho hay, năm 2024. dự kiến nhu cầu nhập khẩu mặt hàng này của Thuỵ Sỹ sẽ tăng 4,6%, trong đó xu hướng tiêu thụ tăng dần với sản phẩm hữu cơ. “Các doanh nghiệp Việt Nam cần tăng cường đầu tư cho thuỷ sản chế biến, xuất khẩu sản phẩm thuỷ sản hữu cơ nhằm nắm bắt cơ hội tiêu dùng này của Thuỵ Sỹ, đồng thời đẩy mạnh liên kết xuất khẩu để duy trì đối tác kinh doanh” – ông Nguyễn Đức Thương khuyến nghị.
(Theo Báo Công thương)