Tích cực hỗ trợ triển khai hoá đơn điện tử trong bán lẻ xăng dầu

Sự hỗ trợ từ phía Chính phủ, các tổ chức liên quan và sự chấp nhận, thích ứng từ phía doanh nghiệp sẽ là chìa khóa quan trọng để việc triển khai HĐĐT đối với bán lẻ xăng dầu diễn ra suôn sẻ.

Theo thông tin từ Bộ Tài chính, tính đến ngày 26/02/2024, toàn quốc đã có 7.542 cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu đã thực hiện phát hành hoá đơn điện tử (HĐĐT) đối với từng lần bán hàng theo quy định (tăng 5.849 cửa hàng so với thời điểm 01/12/2023).

“Khi đặt trong bối cảnh khó khăn mà công nghệ thì tiến lên rất nhanh, nhưng chúng ta vẫn phải loay hoay với câu chuyện hóa đơn điện tử sẽ là chưa ổn”

Nhiều địa phương có tỷ lệ triển khai đạt cao như: Bắc Ninh đạt 100%, Đăk Lăk đạt 97%, Thanh Hóa đạt 95%, Yên Bái đạt 91%, Nam Định đạt 89%, Hà Nội đạt 88%, Hải Dương đạt 88%, Bà Rịa – Vũng Tàu đạt 83%, Quảng Nam đạt 82%, Vĩnh Phúc đạt 81%,…

Mặc dù vậy, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bán lẻ xăng dầu cho biết đang đối mặt với các khó khăn, thách thức trong việc triển khai HĐĐT, trong đó, chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin không hề nhỏ, lên tới 70 triệu đồng cho mỗi trạm xăng. Điều này sẽ càng áp lực khi nhu cầu sử dụng hóa đơn điện tử từ phía người tiêu dùng còn thấp.

Cùng với đó, việc tìm kiếm và lựa chọn nhà cung cấp phần mềm hóa đơn điện tử uy tín cũng là một bài toán khó cho các doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh thị trường có sự cạnh tranh cao. Dữ liệu mới nhất cho thấy, cả nước hiện có khoảng 17.000 cửa hàng xăng dầu, bao gồm gần 6.000 cửa hàng thuộc khối doanh nghiệp nhà nước và hơn 11.000 cửa hàng thuộc khối doanh nghiệp bán lẻ, thương nhân phân phối.

Trước tình hình đó, việc triển khai HĐĐT không chỉ là nhu cầu cấp thiết để nâng cao hiệu quả quản lý mà còn là bước đi quan trọng giúp doanh nghiệp nâng cao sự minh bạch và tuân thủ pháp luật.

TS. Vũ Đình Ánh, Chuyên gia kinh tế nhìn nhận, cơ sở pháp lý của việc lập hóa đơn điện tử cho từng lần bán hàng đối với bán lẻ xăng dầu thực tế đã có từ lâu, cụ thể từ Nghị định 123/2020/NĐ-CP về hóa đơn điện tử. Tuy nhiên, triển khai HĐĐT với từng lần bán hàng được đặt trong bối cảnh ngành xăng dầu nói chung đang khó khăn, có những thời điểm thua lỗ và tới đây sẽ còn khá nhiều vấn đề phát sinh khác.

“Để triển khai hiệu quả hoạt động này, cần các cơ quan quản lý, đặc biệt là ngành thuế áp dụng chính sách triển khai thực hiện đúng cơ sở pháp lý từ trên xuống, nhưng hết sức quan tâm đến hoàn cảnh thực tế của các doanh nghiệp xăng dầu hiện nay. Khi đặt trong bối cảnh khó khăn mà công nghệ thì tiến lên rất nhanh, nhưng chúng ta vẫn phải loay hoay với câu chuyện hóa đơn điện tử sẽ là chưa ổn”, ông Ánh cho biết.

Theo vị chuyên gia, việc triển khai HĐĐT trở thành xu hướng tất yếu cho mọi ngành nghề, trong đó có ngành bán lẻ kinh doanh xăng dầu. Đây là bước đi quan trọng giúp doanh nghiệp tiếp cận được với trình độ hiện đại, nâng cao hiệu quả quản lý, giảm thiểu chi phí và tăng cường minh bạch trong giao dịch.

Nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bán lẻ xăng dầu cho biết đang đối mặt với các khó khăn, thách thức trong việc triển khai HĐĐT

Trên thế giới, việc áp dụng công nghệ thông tin trong ngành xăng dầu nói chung, trong phân khúc bán lẻ nói riêng đã tạo ra những thay đổi tích cực, từ việc quản lý kho hàng, dự báo nhu cầu đến việc tối ưu hóa chuỗi cung ứng. Đối với thị trường Việt Nam, việc này không chỉ góp phần đảm bảo sự cạnh tranh công bằng mà còn giúp doanh nghiệp tối ưu hóa hoạt động, tăng cường khả năng tiếp cận và phục vụ khách hàng một cách hiệu quả. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải thích ứng với những thay đổi về công nghệ, đầu tư vào hệ thống IT và đào tạo nhân viên.

Vì vậy, chúng ta cần đặt nền tảng của việc triển khai hóa đơn điện tử đối với bán lẻ kinh doanh xăng dầu trong sự phát triển ít nhất là tiếp cận được với trình độ hiện tại của thế giới. Sự hỗ trợ từ phía Chính phủ, các tổ chức liên quan và sự chấp nhận, thích ứng từ phía doanh nghiệp sẽ là chìa khóa quan trọng để việc triển khai HĐĐT trong ngành xăng dầu diễn ra suôn sẻ.

Trong thời gian tới, Bộ Tài chính khẳng định sẽ tiếp tục chỉ đạo Tổng cục Thuế chỉ đạo cơ quan thuế tại địa phương quyết liệt triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về HĐĐT đối với kinh doanh bán lẻ xăng dầu theo đúng quy định, tập trung vào một số giải pháp sau:

Thứ nhất, đẩy mạnh và đa dạng hóa các biện pháp, giải pháp tuyên truyền đến người nộp thuế, các cửa hàng, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu quy định về phát hành hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra giám sát, thúc đẩy việc triển khai phát hành hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng đối với hoạt động bán lẻ xăng dầu tại địa phương.

Thứ hai, làm việc cụ thể với từng doanh nghiệp, cửa hàng xăng dầu, các doanh nghiệp cung cấp giải pháp xác định cụ thể mức độ, khả năng đáp ứng việc triển khai HĐĐT theo từng lần bán hàng, có lộ trình thực hiện cụ thể, ưu tiên thực hiện ngay trước các cửa hàng đã được đầu tư trang bị cột bơm xăng dầu điện tử có tính năng truyền nhận thông tin đến máy tính.

Thứ ba, Cục Thuế tham mưu UBND tỉnh, thành phố thành lập tổ công tác liên ngành kiểm tra việc triển khai áp dụng HĐĐT theo từng lần bán hàng tại các cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu; tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra, và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với các trường hợp sai phạm, không thực hiện hoặc cố tình không thực hiện việc phát hành HĐĐT theo từng lần bán hàng đối với hoạt động bán lẻ xăng dầu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1284/CĐ-TTg.

Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp