Tiếp tục phát huy các giá trị văn hóa tâm linh trong giai đoạn mới

Sáng ngày 28/8 tại TP.HCM đã diễn ra Hội thảo khoa học và thực tiễn: “Tiếp tục phát huy các giá trị văn hóa tâm linh: Thực trạng, những vấn đề đặt ra và định hướng phát triển trong giai đoạn mới” do Viện Những vấn đề phát triển phối hợp cùng các đơn vị: Viện Kỷ lục Việt Nam, Viện Lý học phương đông, Viện Nghiên cứu và phát triển đạo mẫu tổ chức, thực hiện.

Đây là hội thảo lần thứ 2, sau thành công của hội thảo lần thứ nhất diễn ra tại Hà Nội vào ngày 24/5/2022.

Trong phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội Vụ, Viện trưởng Viện Những vấn đề phát triển cho biết, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học về văn hóa, văn hóa tâm linh trong phát triển của Việt Nam được xác định tại Quyết định số A-228 ngày 10/11/2020 của Bộ Khoa học công nghệ cho Viện Những vấn đề phát triển là mở ra một cơ hội cho việc nghiên cứu vấn đề có giá trị lịch sử truyền thống ngàn đời nay, vừa định hướng nghiên cứu các chuẩn mực cho sự phát huy các giá trị văn hóa tâm linh trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.

TS. Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội Vụ, Viện trưởng Viện Những vấn đề phát triển phát biểu trong hội thảo

Theo ông Phúc, trong văn kiện Đại hội XIII Đảng ta khẳng định sự chủ động nhằm giải quyết đồng thời 2 nhiệm vụ. Một là giúp đỡ giải quyết các nhu cầu hoạt động của tôn giáo, tín ngưỡng, tâm linh của người dân. Hai là phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh với những hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để chia rẽ, phá hoại khối đoàn kết toàn dân tộc. Hai nhiệm vụ này cần được tiến hành song song, đề cao tính chủ động của hệ thống chính trị, nhất là các cơ quan chức năng là hết sức cần thiết.

Về nhiệm vụ, giải pháp, Đảng ta nhấn mạnh: “Tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo sinh hoạt đúng quy định của pháp luật; chủ động giúp đỡ, giải quyết các nhu cầu hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, tâm linh của quần chúng, đồng thời chủ động phòng ngừa , kiên quyết đấu tranh với những hành vi lệch lạc, lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc; nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác tôn giáo”.

Tôn giáo, tín ngưỡng của một nền văn hóa là 2 yếu tố tạo nên sắc thái của nền văn hóa ấy. Tại nước ta, văn hóa tâm linh được xem như di sản của mỗi dân tộc, mang nhiều giá trị truyền thống cần được bảo tồn và phát huy. Tuy nhiên, trong quá trình nhận thức và thực hành văn hóa tâm linh của người dân vẫn còn tồn tại một số vấn đề lệch lạc, sai trái. Vì vậy việc nghiên cứu văn hóa tâm linh hiện nay mang tính cấp thiết, giúp xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh, bảo vệ những giá trị chân – thiện – mỹ.

Tại hội thảo, các cơ quan, tổ chức, các viện khoa học và các nhà nghiên cứu đã có những tham luận giá trị, hữu ích trong việc làm rõ hơn các thực trạng, những vấn đề đặt ra và định hướng phát triển của văn hóa tâm linh trong giai đoạn mới. Đó là phân tích các mặt mạnh yếu, chỉ rõ nguyên nhân và đề xuất định hướng, chính sách để phát triển văn hóa tâm linh lành mạnh, loại bỏ dần những tiêu cực trong hoạt động văn hóa tâm linh.

Theo TTV