Tọa đàm “An toàn thực phẩm trong sản xuất nông nghiệp qua góc nhìn báo chí và truyền thông” sẽ được tổ chức trong tháng 12

Ngày 13/11, tại Trung tâm báo chí TP Hồ Chí Minh, báo Kinh tế và Đô thị phối hợp với Hiệp hội Nhà sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường Việt Nam EPMA, tổ chức buổi gặp gỡ báo chí giới thiệu buổi Tọa đàm “An toàn thực phẩm trong sản xuất nông nghiệp qua góc nhìn báo chí và truyền thông”. Tọa đàm sẽ diễn ra vào ngày 8/12/2023 tại sân golf Long Biên (Tân Sơn Nhất), số 6 đường Tân Sơn, phường 12, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh.

Quang cảnh tại buổi gặp mặt báo chí

Tọa đàm nhằm tăng cường công tác tuyên truyền và phổ biến rộng rãi đến người dân hiểu đúng, dùng đúng các loại thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y và các chất phụ gia theo quy định của ngành nông nghiệp, ngành y tế và khuyến cáo của nhà sản xuất… Từ đó đem lại hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng cũng như xuất khẩu.

Đây cũng là sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động Kỷ niệm 25 năm ngày xuất bản số báo đầu tiên (01/01/1999- 01/01/2024) của báo Kinh tế và Đô thị; khẳng định vai trò, trách nhiệm cũng như định hướng phát triển trên chặng đường mới của Báo. 

Ông Lê Hoàng Anh –  Phó Tổng Biên tập báo Kinh tế và Đô thị phát biểu tại buổi gặp mặt

Phát biểu tại buổi gặp mặt báo chí ông Lê Hoàng Anh –  Phó Tổng Biên tập báo Kinh tế và Đô thị cho biết: “Thời gian qua, báo Kinh tế và Đô thị nói riêng và các cơ quan báo chí nói chung đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn về sử dụng các sản phẩm bảo vệ thực vật trong trồng trọt, chăn nuôi, bảo quản sản phẩm nông nghiệp đúng cách; cảnh báo các vi phạm trong sản xuất nông nghiệp an toàn. “Chúng tôi cũng đã triển khai nhiều bài viết, nhiều sản phẩm truyền thông, mở các mục, chuyên mục và có cả một chuyên trang về Tiêu dùng (Tieudung.kinhtedothi.vn) liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm để truyền thông, nâng cao nhận thức người sản xuất, doanh nghiệp trong sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, báo Kinh tế và Đô thị cũng quan tâm đến việc đưa ra các giải pháp để sản xuất nông nghiệp một cách an toàn và có hiệu quả nhất, đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm của người dân và các tiêu chí để DN Việt chinh phục nhiều thị trường xuất khẩu khó tính”.

Cũng trong buổi gặp mặt báo chí ông Nguyễn Ngọc Hiển – Trưởng ban Công tác Hội viên, PGĐ Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp Hiệp hội Nhà sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường Việt Nam chia sẻ: Hiện nay ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu đang được xem là vấn đề cấp bách của thế giới, xu hướng sản xuất chuyển dịch từ “nâu” sang “xanh” đã và đang trở thành xu thế toàn cầu. Xanh hóa sản xuất tiêu dùng góp phần hướng tới tăng trưởng bền vững và mang lại nhiều lợi ích thiết thực cả về kinh tế lẫn những giá trị vô hình cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, các doanh nghiệp Việt vẫn còn đang gặp nhiều rào cản trong việc chuyển đổi và phát triển sản xuất xanh. Để thực hiện tốt điều đó, thứ nhất cần “tập trung vào sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường, sử dụng nguyên liệu tái tạo, hướng đến sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn không gây nguy hại đến sức khỏe và ảnh hưởng đến môi trường. Thứ 2 các cơ quan quản lý nhà nước cần có biện pháp chế tài nặng, xử lý cả pháp nhân cty liên quan đến sản xuất thực phẩm không đảm bảo an toàn sức khỏe người”.

ông Nguyễn Ngọc Hiển, PGĐ Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp Hiệp hội Nhà sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường Việt Nam phát biểu

Trong buổi Tọa đàm sắp tới diễn ra ngày 8/12 sẽ xoay quanh các vấn đề như tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp an toàn là nhu cầu bức thiết và tất yếu của người dân hiện nay. Tuy nhiên, làm thế nào để có các sản phẩm an toàn từ khâu sản xuất của người nông dân đến hoạt động mua bán của các thương lái đến chợ đầu mối cũng như các nhà cung ứng là bài toán đang được đặt ra nhiều năm nay. 

Tọa đàm có sự tham gia của các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực nào, cơ quan truyền thông, các chuyên gia, các DN uy tín trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Tại đây, các đại biểu đã nêu ra thực tế về an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất nông nghiệp hiện nay, những khó khăn, vướng mắc trong triển khai và các giải pháp để phát triển sản xuất nông nghiệp một cách bền vững, đáp ứng các yêu cầu về an toàn thực phẩm và các tiêu chí của nhiều thị trường quốc tế khó tính. 

Tọa đàm sẽ cho thấy bức tranh truyền thông về lĩnh vực này. Theo đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức từ cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp sản xuất thuốc BVTV, thuốc thú y, chất kích thích tăng trưởng cũng như bảo vệ mùa màng một cách khoa học và tuân thủ các quy định của ngành nông nghiệp và sản xuất hàng tiêu dùng… Đồng thời cùng cơ quan quản lý nhà nước, Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), Ban Quản lý An toàn thực phẩm (ATTP) TP Hồ Chí Minh, Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thuốc BVTV, thuốc thú y, các siêu thị, chợ đầu mối,… đưa ra các giải pháp hữu hiệu cũng như tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn bà con nông dân tuân thủ các quy định của ngành nông nghiệp, an toàn vệ sinh thực phẩm,… Những giải pháp này góp phần đưa các mặt hàng tiêu dùng, nông sản đến với người tiêu dùng ngày càng an toàn hơn cũng như gia tăng xuất khẩu…

Báo Kinh tế và Đô thị là cơ quan Ngôn luận của UBND TP Hà Nội.  Trong 25 năm qua, từ tờ báo in xuất bản 4 số/tuần, đến nay báo Kinh tế và Đô thị đã trở thành một cơ quan báo chí đa phương tiện, cơ quan truyền thông chủ lực của TP Hà Nội bao gồm: 02 ấn phẩm in trên Kinh tế và Đô thị, Pháp luật và Xã hội, phát hành 10 số/tuần. Hệ sinh thái báo chí điện tử gồm: báo điện tử kinhtedothi.vn; các chuyên trang điện tử phapluatxahoi; giaothonghanoi; Tiêu dùng (tieudung.kinhtedothi.vn); hanoitimes; thị trường tài chính với thông tin thời sự, chuyên sâu, trung thực và chính xác, thu hút sự quan tâm của trên 15 triệu bạn đọc/tháng. 

Hiệp hội Nhà sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường Việt Nam (EPMA) là tổ chức xã hội – nghề nghiệp tự nguyện của các doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển, đầu tư, sản xuất, kinh doanh sản phẩm từ nguyên liệu có nguồn gốc tự nhiên, sinh học, tái tạo, tái chế thân thiện, không gây ảnh hưởng tới môi trường. Với tôn chỉ thành lập Hiệp hội nhằm hợp tác, hỗ trợ và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên, cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh của các sản phẩm thân thiện với môi trường, Hiệp hội mong muốn góp phần bảo vệ môi trường để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội một cách bền vững.

Nhân Lê