THĐS- Với hoạt động liên quan đến việc xuất khẩu tôm hùm bông sống sang thị trường Trung Quốc gặp khó khăn, rất có khả năng ảnh hưởng đến cả xuất khẩu tôm hùm xanh sống.
Doanh nghiệp thiệt hại vì hàng hóa ứ đọng
Vừa qua, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Hải sản Linh Phát (TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa) đã có văn bản gửi Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng 3 về vấn đề xuất khẩu tôm hùm bông vào thị trường Trung Quốc.
Doanh nghiệp này cho hay đã nhận được thông tin từ nhà nhập khẩu Trung Quốc cho biết, phía cơ quan có thẩm quyền Trung Quốc đã áp dụng nghiêm ngặt trong việc xuất khẩu, nhập khẩu tôm hùm từ các nước, trong đó có hoạt động xuất khẩu tôm hùm bông sống của Việt Nam vào thị trường Trung Quốc.
Công ty tạm dịch thông tin nhận được từ phía đối tác Trung Quốc như sau: Tôm hùm hoang dã là loài có nguy cơ tuyệt chủng. Nếu một quốc gia muốn nhập khẩu tôm hùm bông nuôi, phải cung cấp các tài liệu chứng minh sau đây trước khi nộp đơn xin giấy phép nhập cảnh: Giấy chứng nhận tôm hùm được nuôi theo phương thức nhân tạo; Giấy chứng nhận được quản lý đặc biệt đối với động vật thủy sản hoang dã ở Trung Quốc; Giấy chứng nhận phê duyệt các loài động vật hoang dã thủy sản có nguồn gốc từ nước ngoài.
Công ty Linh Phát cho biết, hiện tại, tôm hùm bông sống của Việt Nam gần như không thể xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc và các lô hàng của công ty đã thu mua theo đơn đặt hàng của đối tác đều không được phép nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc, do đó hàng hóa bị ứ đọng gây thiệt hại cho doanh nghiệp.
Với hoạt động liên quan đến việc xuất khẩu tôm hùm bông sống sang thị trường Trung Quốc gặp khó khăn trong thời gian gần đây, rất có khả năng ảnh hưởng đến xuất khẩu tôm hùm sống, trong khi sản lượng thương phẩm tôm hùm bông trong nước còn rất nhiều, giá trị lớn, lượng hàng đã sẵn sàng cho xuất khẩu vào dịp lễ Tết cuối năm: Tết Trung thu, Quốc Khánh Trung Quốc, Tết Nguyên Đán châu Á… nên việc ban hành quy định nghiêm ngặt trên của cơ quan thẩm quyền Trung Quốc gây thiệt hại to lớn với các hộ nuôi và các doanh nghiệp xuất khẩu tôm hùm vào thị trường Trung Quốc.
Bên cạnh đó hiện tại việc xuất khẩu tôm hùm xanh sống cũng bị ách tắc, chậm trễ do phía Trung Quốc không tổ chức kiểm tra, cấp phép thông quan nhanh chóng như trước đây làm cho thủy sản sống bị chết với tỷ lệ lớn, gây thiệt hại lớn khi thủy sản chết giá chỉ bằng 30-50% giá của thủy sản sống.
Chưa nhận được thông báo của phía Trung Quốc về các quy định mới
Ngày 1/11/2023, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN-PTNT) đã có văn bản gửi Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến về việc xuất khẩu tôm hùm bông sống sang Trung Quốc.
Văn bản nêu, thời gian vừa qua, ngay sau khi nhận được phản ánh từ một số cơ sở bao gói xuất khẩu tôm hùm sống sang Trung Quốc về việc hải quan một số cửa khẩu của Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu tôm hùm bông sống của Việt Nam mà không nêu rõ lý do, Cục đã có Văn bản số 773/CCPT-ATTP ngày 11/9/2023 gửi Đại sứ quán, Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc đề nghị bố trí làm việc trực tiếp với Vụ Giám sát Kiểm dịch động thực vật, Tổng cục Hải quan Trung Quốc để xác thực thông tin phản ánh nêu trên của các doanh nghiệp; đề nghị cung cấp thông tin cụ thể về quy định mới (nếu có) đối với nhập khẩu tôm hùm bông sống; đề nghị thông báo tới hải quan các cửa khẩu cho phép thông quan các lô hàng tôm hùm bông sống của Việt Nam cho đến khi có thông báo chính thức.
Cục cũng đã có Văn bản số 873/CCPT-ATTP ngày 25/9/2023 thông báo tới các doanh nghiệp liên quan để cập nhật tình hình và biện pháp xử lý của Cục.
Ngày 28/9/2023, Cục tiếp tục có Văn bản số 912/CCPT-ATTP gửi Cục Hải quan Nam Ninh, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đề nghị chỉ đạo Hải quan cửa khẩu Đông Hưng tháo gỡ các vướng mắc liên quan, tạo điều kiện cho hoạt động xuất khẩu thủy sản sống của Việt Nam vào Trung Quốc (bao gồm tôm hùm bông) được nhanh chóng, thuận lợi.
Theo thông tin từ Đại sứ quán, Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc, Vụ Giám sát kiểm dịch động thực vật, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã nhận được đề nghị của phía Việt Nam.
Văn bản cũng cho hay, theo thông lệ, trường hợp phía Trung Quốc ban hành quy định mới về kiểm soát an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh thủy sản nhập khẩu thì sẽ gửi thông báo tới các đối tác thương mại, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, đến nay Cục chưa nhận được thông báo của Cơ quan thẩm quyền Trung Quốc về các quy định mới này cũng như thông báo về việc tạm dừng nhập khẩu tôm hùm bông sống từ Việt Nam.
Ngoài ra, theo thông tin đăng tải trên một số báo điện tử, gần đây phía Trung Quốc đa dạng hóa nguồn nhập khẩu tôm hùm từ Canada, Mỹ, New Zealand, Cuba, Ấn Độ, Brazil, Mexico… có khả năng ảnh hưởng đến cung cầu xuất khẩu với Việt Nam.
Nhằm sớm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các doanh nghiệp, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường cho biết Cục sẽ tiếp tục tích cực liên hệ với Đại sứ quán, Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc đề nghị đôn đốc phía bạn sớm bố trí buổi làm việc trực tiếp để trao đổi về vần đề nêu trên, sớm tháo gỡ vướng mắc cho các doanh nghiệp.
Trường hợp phía bạn không thể bố trí làm việc trực tiếp, đề nghị bố trí làm việc trực tuyến cấp kỹ thuật với Cục hoặc đề nghị có văn bản thông báo, trả lời chính thức cho phía Việt Nam. Trường hợp cần thiết, Cục sẽ tham mưu Bộ NN-PTNT có văn bản gửi Tổng cục Hải quan Trung Quốc để trao đổi cụ thể về nội dung này.
Vụ Hợp tác Quốc tế thông qua các kênh ngoại giao hoặc trong quá trình tổ chức Đoàn công tác của Bộ sang Trung Quốc đề nghị phía bạn sớm có ý kiến phản hồi đối với nội dung đề nghị của phía Việt Nam.
Hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người nuôi tôm hùm, đặc biệt là tôm hùm bôngNgày 7/11/2023, Cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) đã ban hành văn bản gửi Sở NN-PTNT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển có nuôi tôm hùm; Hội nghề cá các tỉnh có nuôi tôm hùm về việc tăng cường quản lý nuôi tôm hùm. Văn bản cho hay, trong thời gian chờ ý kiến phản hồi chính thức của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, để duy trì phát triển và hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người nuôi tôm hùm, đặc biệt đối với tôm hùm bông, Cục Thủy sản đề nghị: 1. Sở NN-PTNT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nuôi tôm hùm chỉ đạo các đơn vị chức năng liên quan triển khai một số nội dung, cụ thể như sau: – Tổ chức thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ NN-PTNT về quản lý giống tôm hùm (QCVN 02-34-2: 2021/BNNPTNT; Văn bản 6361/BNN-TY ngày 11/9/2023) và chỉ đạo của Cục Thủy sản (Văn bản 1087/TS- GTATS ngày 17/10/2023 về việc tăng cường quản lý, kiểm soát chất lượng tôm hùm giống; Văn bản 613/TS-NTTS ngày 16/8/2023 về tăng cường quản lý nuôi trồng thủy sản trên biển Nam Trung bộ). – Hướng dẫn, tuyên truyền, vận động người nuôi thực hiện đăng ký nuôi lồng bè theo Điều 36 Nghị định 26/2019/NĐ-CP ngày 8/3/2019; tổ chức rà soát, bố trí lồng bè nuôi phù hợp, đúng kế hoạch đã được phê duyệt của địa phương. Kịp thời tham mưu UBND tỉnh tháo gỡ khó khăn trong công tác “Xác nhận đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng, bè/đối tượng thủy sản nuôi chủ lực”. – Theo dõi sát thông tin thị trường để khuyến cáo người dân lựa chọn đối tượng nuôi (giảm nuôi tôm hùm bông, tăng nuôi tôm hùm xanh) và thu hoạch vào thời điểm thích hợp. Tổ chức xây dựng chuỗi liên kết sản phẩm tôm hùm chất lượng, an toàn, đảm bảo truy xuất được nguồn gốc. – Quản lý nuôi lồng bè và sức khỏe tôm nuôi: + Cử cán bộ có chuyên môn hướng dẫn cho người nuôi tại địa phương các biện pháp kỹ thuật quản lý vùng nuôi, cụ thể: Giống thả nuôi phải đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng, được kiểm dịch bởi cơ quan thú y theo quy định; Bổ sung vitamin, khoáng, vi chất vào khẩu phần ăn của tôm hùm nuôi để nâng cao sức đề kháng của tôm, nhằm chống chịu bệnh và môi trường bất lợi; Thường xuyên treo túi vôi ở xung quanh lồng nuôi để khử trùng, cải thiện môi trường nuôi; Thường xuyên theo dõi diễn biến môi trường lồng bè nuôi, nhất là vào sáng sớm, chiều tối hoặc khi có biến động về thủy triều. Sớm phát hiện những biến động môi trường ảnh hưởng không tốt đến tôm hùm nuôi để có biện pháp xử lý kịp thời. + Cập nhật thông tin đầy đủ vào nhật ký, lưu giữ hồ sơ chứng từ có liên quan để phục vụ truy xuất nguồn gốc khi có yêu cầu. – Quản lý tốt chất lượng tôm giống, thuốc phòng trị bệnh tôm hùm. Tổ chức thanh kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật trong nuôi trồng thủy sản, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm (nếu có) và công khai kết quả xử lý theo quy định. 2. Đề nghị Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III tiếp tục phối hợp với Sở NN-PTNT các tỉnh kịp thời hướng dẫn người nuôi các biện pháp kỹ thuật và hỗ trợ xử lý các sự cố kỹ thuật (nếu có) trong quá trình nuôi. 3. Đề nghị Hội Thủy sản Việt Nam, Hội nghề cá các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kịp thời thông tin đến các hội viên về các chỉ đạo của Bộ NN-PTNT về tăng cường quản lý nuôi tôm hùm. |
theo Hồng Thắm/nongnghiep.vn