Tại TP.HCM có nhiều dự án kéo dài, thậm chí hơn 10 năm, nguyên nhân chủ yếu do vướng mặt bằng. Gần đây, tiến độ nhiều dự án dần hồi sinh và đang tăng tốc về đích do nút thắt mặt bằng được tháo gỡ.
Vướng vài hộ dân, dự án “đứng hình”
Nhiều năm qua, rất nhiều dự án lớn nhỏ tại TP.HCM ì ạch, kéo dài chỉ vì vướng mắc trong đền bù, giải phóng mặt bằng. Điển hình như dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm, kênh Hy Vọng, kênh Tham Lương – Bến Cát – Rạch Nước Lên, các nút giao thông như An Phú, Mỹ Thủy, hầm chui Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ…
Trong năm 2024, TP.HCM dự kiến sẽ đưa 15 công trình giao thông trọng điểm về đích. Tuy nhiên đến nay, một số dự án vẫn vướng mặt bằng.
Tuyến quốc lộ 50 có 4,3km đường làm mới song hành với tuyến cũ. Nhà thầu đã tập trung đẩy nhanh tiến độ để hoàn thiện cơ bản tuyến chính.
Thế nhưng, tại điểm đầu dự án, giao với đường Nguyễn Văn Linh vẫn còn vướng vài hộ dân chưa giải tỏa. Huyện Bình Chánh đã vào cuộc quyết liệt nhưng vẫn chưa xử lý dứt điểm. Vì vậy kế hoạch đưa đoạn tuyến này vào khai thác cuối năm nay vẫn bỏ ngỏ.
Hay dự án đường nối Trần Quốc Hoàn để vào nhà ga T3, đến nay đã gần hoàn thành phần hầm, vị trí giao giữa đường Phan Thúc Duyện – Trần Quốc Hoàn. Tuy nhiên, khu vực phía trong vẫn còn vướng nhiều mặt bằng.
Những tín hiệu tích cực
Ngày 16/7, UBND TP Thủ Đức tổ chức hội nghị lấy ý kiến người dân về công tác đền bù giải phóng mặt bằng 2 đoạn của tuyến Vành đai 2. Dự kiến hai đoạn tuyến này sẽ khởi công đầu năm 2025, vì vậy công tác giải phóng mặt bằng đang chạy nước rút.
Trong đó, dự án thành phần 1 đoạn từ đường Võ Nguyên Giáp đến Phạm Văn Đồng với chiều dài hơn 2,4km, diện tích thu hồi 13,49ha, tổng số 255 hộ bị ảnh hưởng. Dự án thành phần 2, đoạn từ cầu Phú Hữu đến đường Võ Nguyên Giáp dài hơn 3,5km, diện tích thu hồi hơn 47ha và có 889 hộ, tổ chức, doanh nghiệp bị ảnh hưởng.
Ông Mai Hữu Quyết, Phó chủ tịch UBND TP Thủ Đức cho biết, thành phố dự kiến bố trí 8.000 tỷ đồng cho dự án nên người dân sẽ sớm nhận được tiền bồi thường để ổn định cuộc sống.
Đây là tín hiệu tích cực bởi dự án chưa triển khai nhưng công tác GPMB đã đi trước một bước. Điều này khác với những năm trước, nhiều dự án vừa triển khai vừa chờ mặt bằng dẫn đến kéo dài thời gian, đội vốn.
Tại nút giao Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ, những ngày qua nhà thầu đang tất bật công việc tại nhánh hầm HC2. Hầm đã thông từ bên này sang bên kia, đang hoàn thiện để đưa vào khai thác cuối tháng 8 tới. Trước đó, dự án này bị “đứng hình” 2 năm vì vướng mặt bằng, hệ thống hạ tầng ống nước không di dời được.
Hỗ trợ người dân tối đa
Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông) cho biết, nếu có mặt bằng, Ban sẽ phối hợp với nhà thầu để thi công vài tháng là xong. Điển hình như các cầu Nam Lý, Rạch Đĩa, Phước Long… sau khi được bàn giao, nhà thầu đã huy động nhân lực, thiết bị để thi công và có thể hoàn thành vào cuối năm nay.
Ông Phúc nhớ lại, thời điểm Ban Giao thông thành lập (năm 2019), đơn vị đã tiếp nhận khoảng 50 dự án thuộc dạng tồn đọng kéo dài do vướng mặt bằng. Trong số này, có những dự án đã kéo dài 5 – 10 năm, thậm chí 20 năm như: Cầu Long Kiểng, Phước Lộc, Rạch Đỉa, Nam Lý…
Sau nhiều nỗ lực, đến nay đã có 40 dự án đã hoàn thành GPMB, đang tăng tốc thi công để hoàn thành cuối năm 2024 và đầu 2025.
Kể về việc phối hợp với địa phương trong GPMB, ông Lương Minh Phúc cho rằng, chủ đầu tư phải song hành cùng địa phương mới có thể GPMB nhanh.
“Các thông tin được cập nhật hằng ngày, hôm nay tháo dỡ được nhà này, đang hỗ trợ bà con ở nhà kia; huy động nhà thầu chở đồ cho bà con qua chỗ ở mới, hỗ trợ bà con khó khăn…
Thậm chí, nhiều quận, huyện lập tổ tư vấn thiết kế, tặng bản vẽ thiết kế nhà mới, miễn phí lệ phí cấp lại sổ đỏ… cho người dân. Tất cả những việc đó đã thúc đẩy công tác GPMB các dự án nhanh hơn. Khi có dự án, Ban huy động nhà thầu vào cuộc nhanh, thần tốc thi công để hoàn thành trong thời gian sớm nhất là từ 6 – 8 tháng”, ông Phúc nói.
|