Năm 2025, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong tiến trình phát triển của TP. HCM. Việc tái cấu trúc đơn vị hành chính cấp tỉnh đang mở ra cơ hội lịch sử để kiến tạo một TP. HCM mới với diện mạo mới.
Không gian mới, nguồn lực mới
Theo TS Lê Quốc Hùng – Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng), TP. HCM mới có diện tích 6.722 km2, dân số gần 14 triệu người với 168 đơn vị hành chính cấp xã; thu ngân sách ước tính 25% tổng thu cả nước và tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt gần 2,4 triệu tỷ đồng.
“Đây không chỉ là sự cộng hưởng kinh tế đơn thuần mà còn như phép thử quan trọng về năng lực quản trị, khả năng hài hòa lợi ích. Một trong nhiều bài toán đó là vừa giải quyết những thách thức về ô nhiễm môi trường, quá tải giao thông hiện nay vừa phải có nguồn lực tài chính lớn cho những dự án mang tính đột phá trong tương lai”, ông Hùng nói.
Tại một diễn đàn mới đây, GS – TS Sử Đình Thành – Giám đốc Đại học Kinh tế TP. HCM đánh giá, năm 2025, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong tiến trình phát triển của TP. HCM. Việc tái cấu trúc đơn vị hành chính cấp tỉnh đang mở ra cơ hội lịch sử để kiến tạo một TP. HCM mới với diện mạo mới. Đồng thời với đó là mô hình phát triển, tầm nhìn chiến lược và cách tiếp cận động lực tăng trưởng hoàn toàn khác biệt.
“Để hiện thực hóa tầm nhìn này, chúng ta cần một chiến lược quy hoạch bài bản, dài hạn. Kiến tạo giải pháp để xây dựng một thành phố hiện đại, đáng sống trong thời đại chuyển đổi số và phát triển bền vững rất quan trọng’, ông Thành nói.
Đáng chú ý, TS Trương Minh Huy Vũ – Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, dù diện tích mở rộng của TP. HCM chưa phải là nổi bật nhưng các chỉ số về tăng trưởng kinh tế, quy mô nền kinh tế, năng suất lao động, xuất nhập khẩu, phát triển công nghiệp, dịch vụ và tài chính đều đang dẫn đầu cả nước. Những con số này phản ánh rõ tầm nhìn chiến lược của Trung ương, của Tổng Bí thư về việc hình thành một TP. HCM đủ lớn, đủ động lực. Từ đó có khả năng trở thành đô thị toàn cầu, đô thị cạnh tranh quốc tế và là đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế không chỉ cho vùng mà cho cả nước.
TS Trương Minh Huy Vũ nhìn nhận: “Quy mô lớn như vậy cũng đặt ra nhiều cơ hội và thách thức. Thách thức lớn nhất là làm sao để tiềm năng không bị lãng phí, nguồn lực được huy động và phân bổ có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải. Từ đó tạo ra phát triển bền vững và công bằng giữa các vùng, các khu vực”.
Tìm động lực cho tăng trưởng đột phá
Trong không gian mới và mô hình vận hành mới, các chuyên gia nhìn nhận rằng, TP. HCM mới cần những động lực tăng trưởng mang tính đột phá, trong đó nổi bật là phát triển cụm ngành điện gió, xây dựng hệ sinh thái logistics hiện đại và thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Các động lực này phải được hỗ trợ đồng bộ từ hạ tầng vật lý đến hạ tầng số, tạo nền tảng cho tăng trưởng xanh và kinh tế số.
TP. HCM, Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu hiện là khu vực tập trung doanh nghiệp tư nhân của cả nước, do đó, tháo gỡ rào cản về thể chế, đất đai và vốn cho khu vực kinh tế tư nhân là điều kiện tiên quyết để khơi thông nguồn lực.
Bên cạnh đó, TP. HCM mới cũng cần kiến tạo một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo thực chất, bao gồm không gian thử nghiệm công nghệ, trung tâm đổi mới liên ngành và mô hình kết nối chặt chẽ giữa đại học và doanh nghiệp… nhằm tạo ra môi trường thuận lợi cho các ý tưởng sáng tạo phát triển và thương mại hóa.
GS-TS Nguyễn Trọng Hoài – Nguyên Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế TP. HCM, nêu ý kiến, cần khai thác 5 động lực phát triển mới của TP. HCM gồm: đô thị thông minh và bền vững; hệ sinh thái đổi mới sáng tạo; dịch vụ hiện đại có giá trị gia tăng cao, logistics và hướng biển; kết nối vùng-khu vực-quốc tế-toàn cầu và thể chế vượt trội.
Với hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, TP. HCM cần thương mại hóa nghiên cứu, đột phá về đầu tư khoa học – công nghệ trọng điểm. Song song đó, phát triển doanh nghiệp công nghệ, khởi nghiệp sáng tạo, nâng cao và thu hút nhân lực khoa học – công nghệ chất lượng cao.
Trong khi đó, nói về phát triển hạ tầng giao thông, TS Nguyễn Ngọc Hiếu – Trường Đại học Việt Đức, cho rằng một trong những ưu tiên là đường sắt đô thị và quyết tâm đẩy nhanh tiến độ xây dựng các tuyến metro tại TP. HCM với hơn 350 km trong vòng một thập kỷ đã khẳng định mong muốn giải quyết nhu cầu bức thiết này bằng các biện pháp đột phá và ưu tiên cao.
TS Trịnh Bảo Sơn – Viện Nghiên cứu phát triển TP. HCM lưu ý việc đánh giá tác động của việc sáp nhập các đơn vị hành chính đến quy hoạch hạ tầng cấp nước, hạ tầng thu gom xử lý chất thải.
Quy hoạch chiến lược cho TP. HCM mới cần xây dựng khung điều phối vùng thực chất, trong đó các hệ thống hạ tầng kỹ thuật không chỉ là dịch vụ công mà còn là công cụ thúc đẩy phát triển bền vững, công bằng và thích ứng dài hạn trong không gian đô thị tích hợp. Đây là điều kiện tiên quyết để TP. HCM mới có thể phát huy trọn vẹn lợi thế của một trung tâm kinh tế – kỹ thuật hàng đầu quốc gia và khu vực.