Thấy xu hướng bán hàng qua livestream nở rộ, TP HCM tìm cách tận dụng để hỗ trợ đặc sản OCOP tiếp cận khách hàng.
TP HCM đang tìm cách mở rộng đầu ra cho 66 sản phẩm được công nhận OCOP (sản phẩm thuộc chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”) thông qua thương mại điện tử, đặc biệt là bán hàng livestream.
Tại Cần Giờ, trong 3 ngày (19-21/10), gần 30 nhà sáng tạo nội dung và nhà bán hàng tiêu biểu đã được mời về để tổ chức hàng loạt phiên livestream trong ngày hội ứng dụng chuyển đổi số vào kinh doanh, quảng bá, giới thiệu sản phẩm đặc trưng OCOP TP HCM. Ghi nhận của TikTok Shop cho thấy sự kiện thu hút hơn 350.000 người xem, mang về doanh thu 900 triệu đồng.
Trong số này, nhiều đặc sản được sản xuất ngay tại TP HCM nói chung và huyện Cần Giờ nói riêng – nơi có nhiều sản phẩm OCOP nhất của địa phương, như tổ yến, khô cá dứa một nắng, mật dừa nước, xoài, tôm các loại.
Phó chủ tịch UBND huyện Cần Giờ Trương Tiến Triển cho hay huyện có 18 sản phẩm OCOP và hiện nộp hồ sơ cho 22 sản phẩm tiếp theo để thẩm định nên “không thể nào đứng ngoài chuyển đổi số và thương mại điện tử”. Trong 6 xã của huyện, chính quyền đã đăng ký với TP HCM chọn Bình Khánh làm “xã thương mại điện tử”, nơi sẽ tập trung hỗ trợ phát triển kênh bán hàng online.
Như với tổ yến, Cần Giờ là vùng nuôi yến lớn nhất cả nước, với 520 nhà yến, tổng sản lượng 14-15 tấn mỗi năm. Theo bà Phan Ngọc Diệu, Giám đốc quản lý nhà máy Yến Đảo Cần Giờ, hiện một nửa doanh số của công ty là bán online, thông qua các sàn như Shopee, Lazada, Tiki và TikTok Shop.
Ngoài mở rộng dải sản phẩm đa dạng từ yến tổ đến yến hủ, cháo tổ yến, cà phê tổ yến, công ty này sẽ tiếp tục đẩy mạnh phân phối qua thương mại điện tử, nhất là khi địa phương cũng đang hỗ trợ cho các sản phẩm OCOP. “Sắp tới chúng tôi sẽ kết hợp với TikTok Shop để đẩy mạnh tiêu thụ và tham gia các hội chợ thương mại trực tuyến”, bà Diệu cho hay.
Khởi nghiệp với cây dừa nước đặc trưng tại huyện, Công ty cổ phần Dừa nước Việt Nam (Vietnipa) đang khai thác mật dừa nước trên diện tích 10 ha. Họ thu được một lít mật trên mỗi cuống buồng dừa mỗi ngày đạt tiêu chuẩn hữu cơ, có thể thực hiện liên tục trong khoảng 50 năm tuổi đời của cây dừa nước. Mật thô thu có thể sản xuất thành sản phẩm cô đặc và 20 tấn đường mỗi năm.
“Khi xưa mỗi cây dừa nước chỉ được chặt lá và buồng bán, thu về chỉ 10-12 triệu mỗi năm thì khai thác lấy mật có thể thu về giá trị gấp 10 lần”, Phan Minh Tiến, CEO Vietnipa nói. Đến nay, sản phẩm của họ đã có mặt ở hơn 400 điểm bán gồm offline lẫn online, ở trong và ngoài nước.
Các sở ngành tại TP HCM cho biết sẽ tiếp tục triển khai nhiều hoạt động để hỗ trợ cho sản phẩm OCOP tiếp tục cất cánh trong môi trường kinh tế số. Tại tọa đàm “Tìm kiếm chìa khóa đột phá cho thương mại điện tử OCOP” chiều 21/10, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công thương TP HCM, nói sẽ tiếp tục hợp tác với các bên nâng cao năng lực và chuyển đổi kỹ thuật số tư duy cho các chủ thể bán hàng nông sản.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hồi, Phó giám đốc sở Thông tin – Truyền thông TP HCM, văn hóa số, kinh doanh thương mại số và ứng xử trên môi trường số là 3 trụ cột mà TP HCM hướng đến. “Chúng tôi sẽ tổ chức những ngày hội KOL (Key Opinion Leader, hay người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội), ngoài để họ tự sáng tạo nội dung thì chúng ta còn có thể đưa chủ đề cho họ”, ông Hồi nêu.
Phát huy được xu hướng mua sắm kết hợp giải trí (Shoppertainment), bán hàng qua livestream liên tiếp gặt hái được kết quả ở thị trường thương mại điện tử Việt Nam.
Ở kênh bán hàng qua mạng xã hội (Social commerce), hơn 800 phiên live gắn logo Chợ phiên OCOP trong 6 tháng qua trên TikTok Shop thu hút hơn 300 triệu lượt xem và mang về doanh thu hơn 100 tỷ đồng.
Livestream cũng đang là một trong những “át chủ bài” của các sàn thương mại điện tử đa ngành. Dịp khuyến mại 9/9 vừa qua, 14 tấn sữa bột, 14.000 lít bia được “chốt kèo” chỉ trong 2 tiếng live đầu ngày trên Lazada. Trong cùng hôm đó, Shopee ghi nhận hơn 318 triệu lượt xem, hơn 1,1 triệu giờ phát livestream.
Tuy nhiên, đưa đặc sản hiệu quả lên chợ mạng, đặc biệt là qua livestream, cũng còn những bài toán cần giải quyết.
Ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết cả nước có 10.323 sản phẩm OCOP. Trước đây, chúng được phân phối chủ yếu qua thương mại truyền thống, dựa vào kênh triển lãm, hội chợ, kết nối cung – cầu với các nhà bán sỉ, bán lẻ. Tuy nhiên, kênh thương mại điện tử phát triển mạnh, đặc biệt là từ khi Covid-19 xuất hiện.
“Tuy nhiên, nói đến thương mại điện tử, mọi người thường hình dung đến việc tạo website bán hàng hay kinh doanh trên các sản thương mại điện tử. Trong khi, nông sản OCOP chủ thể đa số là nhỏ, không có nguồn lực làm sự kiện lớn, tung voucher (phiếu giảm giá)”, ông Tiến nói về trở ngại khi muốn lên các sàn đa ngành.
Kể cả bán qua mạng xã hội, chi phí tiếp cận thương mại điện tử cũng còn là băn khoăn của một số cơ sở, hợp tác xã. Đại diện cơ sở Muối Ngọc Long Thiềng Liềng (Cần Giờ) nhận thấy hàng bán chạy qua livestream hiện không ít nhờ vào giá cạnh tranh, hỗ trợ mạnh cho khách như chi phí giao hàng, bao ăn, bao đổi trả.
Theo tìm hiểu của đơn vị này, để bán trên sàn của một mạng xã hội video ngắn, trong doanh thu của đơn hàng thì tổng chi phí như hoa hồng cho sàn, thuế, khoảng 15%. Ngoài ra, công thêm chi phí chạy quảng cáo, thuê KOL thì tổng chi phí chiếm gần 30%. Do vậy, nếu trừ giá thành sản xuất, bài toán đầu tư thế nào để lên livestream bán cần cân nhắc.
Khó khăn hơn, theo ông Tiến, nông sản có đặc thù là hàng tươi, có thời gian bảo quản ngắn nên cần vận chuyển nhanh. “Nút thắt lớn nhất với nông sản là logistics, trong đó khó nhất là với hàng tươi sống”, ông nhận định.
Ngọc Duyên, Quản lý thương mại điện tử Đảo Hải Sản (TP HCM), xác nhận họ cũng chỉ có thể giao hàng tươi trong 2 giờ cho khách online đặt mua ở thành phố và chưa thể phục vụ cho nhu cầu rất lớn nhưng ở xa hơn.
Ngoài khâu vận chuyển, hàng nông hải sản tươi sống bán qua sàn buộc khách thanh toán trước nên cũng hạn chế khả năng tiếp cận với những người nội trợ muốn mua COD (trả tiền khi nhận hàng). “Sản phẩm lên sàn cũng qua kiểm tra khắt khe hơn so với hàng bán ở ngoài đường nên đó cũng là thách thức trong cạnh tranh”, Duyên nói.
Ông Đinh Thanh Sơn, Phó tổng giám đốc Viettel Post, xác nhận việc vận chuyển nông hải sản đến tay khách hàng trong 2 giờ tại TP HCM cũng không thể đảm bảo hết chứ chưa nói đi xa hơn. Do đó, ông khuyến nghị các nhà bán hàng trước khi livestream, nên mang hàng để sẵn kho của đơn vị vận chuyển để rút ngắn thời gian khi “nổ đơn” trên sóng.
Đồng quan điểm với ông Sơn, theo các chuyên gia tại tọa đàm, nếu Cần Giờ đã chọn xã Bình Khánh, tức xã nằm gần các quận huyện khác của TP HCM nhất vì vị thế ngay bến phà Bình Khánh nối với huyện Nhà Bè, nên có trung tâm xử lý đơn hàng tại đó để tập trung và vận chuyển đi nhanh nhất.
Ngoài ra, khi nhà nhà người người livestream bán hàng cũng tạo ra một thị trường cạnh tranh vô cùng khốc liệt. Theo nghiên cứu của Decision Lab và MMA, hầu hết người tiêu dùng có mua hàng trên mạng xã hội chỉ dành tối đa 3 giờ hàng tuần để xem các buổi livestream, với hầu hết các buổi ngắn dưới một giờ.
So với thời gian trung bình hàng ngày dành cho việc trực tuyến là hơn 6 giờ (theo Statista), người Việt không dành quá nhiều thời gian để xem các buổi trực tiếp, theo đơn vị nghiên cứu. Do đó, để lên sóng có đơn, nhà bán hàng phải có khả năng xây kênh tốt và nội dung live hấp dẫn/hài hước hoặc có kiến thức thông tin, đa phần phụ thuộc vào host (người dẫn).
Ví dụ, báo cáo Decision Lab chỉ ra rằng, với người tiêu dùng ở TP HCM, tính thông tin (71%) mà người dẫn mang đến là đặc điểm thu hút nhất. Trong khi đó, với người tiêu dùng thuộc thế hệ Gen X, tính chuyên nghiệp (73%) là ưu tiên trên hết.
Lê Tuấn Linh, Giám đốc sáng tạo Đồng sáng lập TikPlus Việt Nam, gợi ý nếu nhà bán hàng không đủ nguồn lực và nhân sự để đầu tư lớn cho livestream, có thể chọn phương án tiếp thị liên kết, tức chi hoa hồng cho mỗi đơn hàng được bán thông qua các nhà sáng tạo nội dung trên mạng xã hội. Khi ấy, họ tự thực hiện video hoặc livestream để tìm khách cho sản phẩm.
Theo Viễn Thông/Vnexpress