Đường ven biển, Quốc lộ 50B, đường sắt TPHCM – Cần Thơ, đường Võ Văn Kiệt nối dài, đường mở mới Tây Bắc được đầu tư thời gian tới, giúp TPHCM khơi thông cửa ngõ, tăng kết nối vùng ĐBSCL.
5 dự án khơi thông cửa ngõ về miền Tây
Gần đây nhiều dự án giao thông kết nối các tỉnh miền Tây với Đông Nam Bộ, nhất là với TPHCM được đẩy nhanh.
Tuyến đường bộ ven biển phía Nam kết nối TPHCM với các tỉnh ĐBSCL dài 428km, quy mô 4 làn xe. Trong đó, đoạn qua TPHCM dài gần 21km. Hiện TPHCM đang rà soát bổ sung vào quy hoạch nhánh 2 của đường ven biển kết nối qua cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ (TPHCM), cảng Phước An (Đồng Nai) và kéo dài đến đường cao tốc Bến Lức – Long Thành.
Khi tuyến đường ven biển này hoàn thành giúp rút ngắn thời gian đi lại giữa TPHCM và các tỉnh miền Tây, tăng năng lực vận chuyển hàng hóa lên các cảng tại TPHCM, Đồng Nai để xuất khẩu.
Quốc lộ 50B dài 55km nối TPHCM – Long An – Tiền Giang đang được đề xuất sớm triển khai theo quy hoạch để giảm tải cho Quốc lộ 50 hiện hữu và tăng kết nối vùng. Tại TPHCM, Quốc lộ 50B đi qua huyện Nhà Bè và Bình Chánh, dài khoảng 5,8km, rộng 40m, 6 làn xe. Sơ bộ tổng mức đầu tư gần 5.300 tỉ đồng, dự kiến đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) giai đoạn 2024 – 2030.
Một dự án khác đang được kỳ vọng sớm triển khai là đường sắt cao tốc TPHCM – Cần Thơ. Tuyến đường sắt này được quy hoạch 10 năm trước, dài hơn 175km, đi qua 6 địa phương, gồm: Bình Dương, TPHCM, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và Cần Thơ.
Với tốc độ tối đa 200km/h, tàu hàng 120km/h, dự kiến tàu chạy từ TPHCM đến Cần Thơ mất 45 phút. Tổng mức đầu tư dự án hơn 9,3 tỉ USD (khoảng 220.000 tỉ đồng), được đề xuất đầu tư theo PPP. Dự án đã xong báo cáo cuối kỳ, Bộ GTVT đang lấy ý kiến các địa phương, hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Dự án dự kiến được thông qua chủ trương đầu tư và khởi công trước năm 2030, hoàn thành trước năm 2035.
Trong kế hoạch đầu tư hạ tầng từ nay đến năm 2030, TPHCM ưu tiên dự án nối dài đường Võ Văn Kiệt (từ Quốc lộ 1 đến giáp ranh tỉnh Long An) dài khoảng 12,5km, rộng 60m. Tổng mức đầu tư dự án hơn 5.700 tỉ đồng theo hình thức PPP.
Một dự án khác cũng được ưu tiên là xây dựng đường mở mới Tây Bắc dài khoảng 10km, rộng 40m (điểm đầu từ Vành đai 2 TPHCM qua huyện Bình Chánh và điểm cuối là ranh tỉnh Long An). Tổng vốn đầu tư dự án khoảng 5.200 tỉ đồng theo hình thức PPP.
Cần ưu tiên đường sắt TPHCM – Cần Thơ
Trao đổi với Lao Động, ông Hà Ngọc Trường – Phó Chủ tịch Hội Cầu đường cảng TPHCM – cho rằng, tuyến đường sắt TPHCM – Cần Thơ cần được ưu tiên đầu tư.
Theo ông Hà Ngọc Trường, các tỉnh ĐBSCL, vận tải đường thủy mặc dù có mạng lưới rộng khắp vùng nhưng tốc độ di chuyển không cao. Các tuyến đường cao tốc, đường bộ dù cho mở đến 6 – 8 làn cũng chỉ “trụ” được thời gian ngắn là nhanh chóng quá tải do nhu cầu vận tải hàng hóa và con người ngày càng tăng cao.
“Tuyến đường sắt TPHCM – Cần Thơ giúp giảm tải cho đường bộ, nhất là trong việc vận chuyển hàng bách hóa phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu. Xây dựng được tuyến đường sắt này còn giúp TPHCM bớt quá tải về dân số. Người dân từ các tỉnh miền Tây Nam Bộ, nhất là các tỉnh gần TPHCM như Long An, Tiền Giang… buổi sáng có thể lên TPHCM làm việc và buổi chiều trở về nhà bằng tàu cao tốc” – ông Trường nói.
Theo TS Võ Kim Cương – nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TPHCM, hiện TPHCM đang đề xuất làm cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Muốn phát huy hiệu quả thì cảng biển phải đi liền với hệ thống hạ tầng kết nối, hậu cần, logistics. Các hệ thống này sẽ phải tỏa ra trên đất liền tạo thành một vùng đô thị hóa. Do đó, ông Cương cho rằng, tuyến đường ven biển cần sớm đầu tư để tăng kết nối cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ với các cảng biển ở Đồng Nai và các tỉnh miền Tây.