TPHCM muốn hợp tác quốc tế để sớm chuyển đổi sang công nghiệp công nghệ cao

Để duy trì tính cạnh tranh và phát triển bền vững, TPHCM cần phải chuyển đổi từ các ngành công nghiệp truyền thống sang công nghiệp công nghệ cao và có giá trị gia tăng lớn. Vì thế, hợp tác quốc tế là một cách để giúp thành phố đạt mục tiêu này.

Sản xuất của một doanh nghiệp châu Âu tại TPHCM. Ảnh:TL

Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị Thị trưởng trong khuôn khổ Đối thoại hữu nghị TPHCM  lần thứ 2, năm 2024 đã diễn ra ngày 24-9 với chủ đề Chuyển đổi công nghiệp: Kinh nghiệm phát triển và ưu tiên hợp tác với sự tham gia của lãnh đạo thành phố và 37 địa phương quốc tế có quan hệ hợp tác hữu nghị với TPHCM, theo TTXVN.

Tại đây, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh, chuyển đổi công nghiệp là một yêu cầu cấp thiết đối với thành phố và các đô thị trên toàn thế giới. Để duy trì tính cạnh tranh và phát triển bền vững, Thành phố cần phải chuyển đổi từ các ngành công nghiệp truyền thống sang công nghiệp công nghệ cao và có giá trị gia tăng lớn.

Hiện tại, tỷ trọng các ngành công nghiệp công nghệ cao chỉ chiếm khoảng 23% trong tổng GDP của Thành phố; mục tiêu đến năm 2030 Thành phố sẽ nâng tỷ trọng này lên 40%.Thế giới cũng đang có sự thay đổi mạnh mẽ trong thị trường quốc tế, hướng tới các phương thức sản xuất bền vững và có trách nhiệm hơn. Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), đặt ra những tiêu chuẩn cao hơn, gắn kết thương mại với phát triển bền vững.

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, trước những thách thức đó, thành phố đã áp dụng một chiến lược kép, kết hợp chuyển đổi xanh và chuyển đổi số. Mục tiêu là xây dựng một nền kinh tế bền vững, bao trùm và có khả năng phục hồi, trở thành mô hình có thể tham khảo đối với các địa phương.

Hiện TPHCM đang tập trung phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, đầu tư vào tự động hóa, nhà máy thông minh và công nghệ sản xuất tiên tiến nhằm nâng cấp chuỗi giá trị. Hợp tác quốc tế là nhân tố cần thiết để tận dụng những lợi ích của chuyển đổi công nghiệp và giảm thiểu các tác động tiềm tàng của quá trình này.

Chia sẻ quá trình chuyển đổi công nghiệp ở địa phương, ông Stefano Lo Russo, Thị trưởng thành phố Torino, Italy đề cập đến vai trò chủ chốt của doanh nghiệp trong việc thực hiện các chiến lược đổi mới và bền vững. Kinh nghiệm của Torino cho thấy, khi khu vực công và tư nhân hợp tác cùng nhau sẽ mang lại kết quả sẽ rõ ràng và lâu dài cho quá trình đổi mới. Cách tiếp cận này không chỉ thu hút đầu tư mà còn tạo ra một hệ sinh thái thúc đẩy đổi mới và tăng trưởng. Còn ông Ricardo Valente, Phó Thị trưởng thành phố Porto, Bồ Đào Nha nhấn mạnh đến việc huy động nguồn vốn thông qua đối tác công – tư, cho quá trình phát triển.

Ông Mark Chandler, Giám đốc phụ trách về Ngoại thương, Văn phòng Thị trưởng thành phố San Francisco, Mỹ nhấn mạnh tới vai trò của giáo dục, đào tạo, các chính sách nâng cao chất lượng cuộc sống nhằm tạo ra và thu hút nguồn lao động chất lượng cao. Một yêu cầu quan trọng nữa trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mà các địa phương cần chú ý là đảm bảo cơ sở hạ tầng tốt, tạo thuận lợi trong việc thu hút các công ty, doanh nghiệp; cởi mở, tạo môi trường thuận lợi cho các công nghệ mới phát triển…

theo Tạp Chí Kinh Tế Sài Gòn