Ngày 23.12, ông Phạm Phú Ngọc, Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An (Quảng Nam), cho biết buổi tọa đàm tham vấn về công tác tu bổ chùa Cầu do UBND TP.Hội An đã đi đến quyết định tạm dừng tu bổ phần sàn của di tích chùa Cầu (lối đi qua cầu của chùa Cầu) do có nhiều ý kiến chưa thống nhất. Nguyên trưởng phòng nghiệp vụ Trung tâm Quản lý di tích danh thắng Quảng Nam, Họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ đã nhiều lần viết thư nếu ý kiến phản biện nội dung phương án trùng tu và đưa ra những ý kiến đóng góp về việc tu bổ Chùa Cầu.
Năm 2016, Ông Nguyễn Thượng Hỷ được mời tham gia về dự án tu bổ chùa Cầu và đã có bài tham luận trong đó có nội dụng ngắn về giải pháp là nên trở về với giai đoạn trước năm 1986, nghĩa là hạ lại code nền lòng cầu phẳng. Tuy nhiên, người chủ trì hội thảo lúc đó không cho trình bày tham luận của tác giả.
Năm nay, khi tiếp tục có hội thảo với mục đích đóng góp tham vấn về giải pháp tu bổ, sau khi đã hạ giải toàn bộ chùa Cầu, Họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ – một người trên 40 năm với công việc chuyên môn và cũng đã có một số thành công nhất định được ghi nhận (năm 2014 nhận giải thưởng về Bảo Tồn kiến trúc cổ tại Nhật Bản – giải thưởng của DAIFUMI International Awart) đã luôn nghĩ về trách nhiệm cần phải đóng góp cho công việc bảo tồn kiến trúc cổ tại Quảng Nam, tại Hội An nhận thấy đây là việc rất quan trọng, nên cá nhân ông đã đưa ra những dòng trao đổi về việc tu bổ với tựa đề: “Trả lại không gian sinh hoạt cộng đồng cho Chùa Cầu.”
Hội An là thành phố Faifô xưa, nơi mà ba ông Hỷ đã có thời gian dài làm việc vào những năm 50 đến 70 của thế kỷ XX, và cũng là nơi mà từ những năm từ 1980 đến hôm nay, ông đã có rất nhiều khoảng thời gian ở và làm việc trong lĩnh vực bảo tồn, bảo tàng, như sưu tầm; thiết kế trưng bày phòng truyền thống, bảo tàng Văn Hóa Sa Huỳnh, Bảo Tàng ngành Y; đo vẽ các ngôi nhà cổ trong phố cổ, trong đó có kiến trúc Chùa Cầu… Để đóng góp cho công việc tu bổ một kiến trúc được xem như biểu trưng, một báu vật của thành phố cổ đã được UNESCO ghi danh vào Di Sản Văn Hóa Thế Giới, ông Hỷ đã gửi những ý kiến đóng góp của mình lên báo Quảng Nam, là cơ quan Ngôn Luận của Đảng, Nhân dân tỉnh Quảng Nam và đã đăng tải vào số ngày 04/11/2023; đến báo Thời Nay, là ấn phẩm của Báo Nhân Dân và cũng đã ra số ngày 2/11/2023.
Không thể dựa vào lần trùng tu năm 1986 để xác định sàn chùa
- “Ngoài trừ việc tu bổ nâng từ sàn bằng thành sàn cong vào lần tu bổ năm 1986, không ghi nhận thông tin nào (bao gồm cả tư liệu ghi chép và hình ảnh) về việc thay đổi cốt sàn qua các lần tu bổ, sửa chữa trước đó. Ngoài ra, hồ sơ thiết kế và báo cáo kết quả trùng tu năm 1986 cũng không thể hiện rõ lý do, mục đích của việc nâng sàn cầu.”
- Ngoài ra, bia trùng tu Lai Viễn Kiều lập năm 1817 có mô tả: “…Cầu có mái, dưới lát ván bình thản như đi trên đất bằng, …”, không có cơ sở để xác định sàn cầu thời điểm đó cong hay thẳng, nhưng có thể đưa ra nhận định là nếu sàn cong thì có thể độ cong không lớn, không gây trở ngại lớn cho việc lưu thông qua cầu.
- Không có cơ sở để khẳng định sự xuất hiện của các dầm thép đỡ sàn cầu vào thời điểm nào nhưng ảnh hiện trạng trước tu bổ năm 1986 đã có các dầm này. Đây là loại thép hình – vật liệu mới của phương Tây vào khoảng cuối thế kỷ 19, có thể do người Pháp du nhập vào Việt Nam và đã sử dụng chúng trong lần tu bổ, sửa chữa Chùa cầu vào năm 1875 hoặc 1915(?), tuy nhiên, điều này cũng chỉ là phỏng đoán.” (hết trích)
Trích dẫn vài chi tiết tại mục 1 của bản báo cáo ”Tóm lược kết quả điều tra, khảo sát và đề xuất phương án tu bổ, phục hồi hình dáng kiến trúc sàn Cầu – thuộc dự án Tu bổ, tôn tạo di tích Chùa Cầu”, ông Nguyễn Thượng Hỷ đã nếu ra lập luận như sau:
- Thứ nhất: Việc nâng cầu vào năm 1986 mà người thiết kế là ông Lê Thành Vinh thuộc cơ quan Trung Tâm Bảo Quản Tu Bổ Di Tích Trung Ương (xem bản vẽ ở cuối bài Hội An 1986 Lai Viễn Kiều -Thiết Kế Phục Hồi) là không thể hiện rõ lý do, mục đích của việc nâng sàn cầu. Một việc quá quan trọng về nâng sàn cầu của một kiến trúc đặc biệt của Hội An sao lại có thể “tùy tiện”?
- Thứ hai: trích về bia trùng tu Lai Viễn Kiều năm 1817 “…Cầu có mái, dưới lát ván bình thản như đi trên đất bằng, …”, không có cơ sở để xác định sàn cầu thời điểm đó cong hay thẳng, nhưng có thể đưa ra nhận định là nếu sàn cong thì có thể độ cong không lớn,..
Theo báo cáo trùng tu năm 1986 không ghi nhận thông tin nào (bao gồm cả tư liệu ghi chép và hình ảnh) về việc thay đổi cốt sàn qua các lần tu bổ, sửa chữa trước đó. Ngoài ra, hồ sơ thiết kế và báo cáo kết quả trùng tu năm 1986 cũng không thể hiện rõ lý do, mục đích của việc nâng sàn cầu. Sự xuất hiện của các dầm thép đỡ sàn cầu cũng không thể xác định được thời điểm đó cầu cong hay thẳng. Các nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng từ năm 1915 đến năm 1986, sàn chùa Cầu thẳng, nhưng sau cuộc tu bổ từ năm 1986 thì sàn chùa Cầu lại có hình dáng cong.
Vậy đặt câu hỏi là trước năm 1817 cầu sàn cong như thiết kế của năm 1986 và những năm kéo dài từ lần tu bổ 1817 đến năm 1915 người Pháp đã chụp ảnh là cầu đã tu bổ với sàn phẳng, mãi sau đó đến năm 1986 thì cầu vẫn có sàn thấp và phẳng, đúng năm này được tu bổ với giải pháp nâng sàn. Việc thiết kế nâng sàn lòng cầu của một cơ quan chuyên ngành là Trung Tâm Bảo Quản Tu Bổ Di Tích Trung Ương là tiền thân của Viện Bảo Tồn Di Tích hôm nay chắc chắn phải nêu lên lý do và phải đầy đủ hồ sơ tu bổ?
Hướng đi nào cho việc tu bổ Chùa Cầu?
Trên thế giới đã có rất nhiều kiến trúc cổ được tu sửa nhiều lần như Chùa Cầu Hội An. Vấn đề đặt ra cho những người làm công việc tu bổ là phải lựa chọn giai đoạn, thời điểm mà kiến trúc đã tu bổ phản ánh, từ đó phát huy được giá trị nổi bật, đặc trưng văn hóa mà kiến trúc ấy đã ghi dấu ấn.
Nguyên trưởng phòng nghiệp vụ Trung tâm Quản lý di tích danh thắng Quảng Nam Nguyễn Thượng Hỷ chia sẻ: “Vào những năm 80 của thế kỷ XX, Hội An là một thị xã mà anh bạn tôi làm công tác Di tích tại đây hay hát “thành phố buồn tênh”, lúc đó, chỉ có mấy xưởng thủ công mỹ nghệ mây tre, thảm len và tiếng thoi đưa của máy dệt. Lúc đó, ít ai suy nghĩ đến kiến trúc cổ cần bảo tồn và cả Chùa cầu xưa. Mãi năm 1990, 1993 những chuyên gia về Lịch Sử… Kiến Trúc Việt Nam và Quốc Tế với những Hội Thảo về giá trị của khu phố cổ và Hội An cùng khu tháp Chăm cổ Mỹ Sơn được ghi vào danh mục Di Sản Văn Hóa Thế Giới năm 1999. Lúc đó giới chuyên môn mới xem trọng việc tu bổ các kiến trúc. Vậy năm 1986, khi nâng code sàn cầu lên cũng chỉ là giải quyết việc đi lại là chính của người Thị Xã khi các kết cầu về ván sàn chùa Cầu đã xuống cấp. Tôi đã chứng kiến những chiếc gắn máy kéo sau một chiếc xe bò chở nặng băng qua sàn cầu đến nỗi các tấm ván bật đinh đóng ,sàn cầu rung lên… Và sau này chính quyền Thị xã phải làm thanh chắn cấm xe qua lại.
Nếu các bạn giải thích về việc nâng cầu là để tăng việc chịu lực khi các phương tiện qua lại nhất là xe có máy nổ. Thế thì hôm nay hầu như chỉ còn con người bước lên thôi! Nhưng nếu vẫn để sàn thấp như trước năm 1986 mà với khẩu độ quá ngắn của khoảng cách đế cột phần hạ bộ cầu (cầu bắc qua con lạch hẹp hơn các loại cầu có mái ở việt Nam) thì các cấu kiện bằng đá, gỗ chỉ bị lực nén (trên xuống dưới) chứ không bị lực xô ,kéo ngang. Cũng nên lưu ý với lời tham vấn của ông Nguyễn Sự, là cựu (chữ mà tôi dùng là đúng tự điển tiếng Việt) bí thư Thị Xã Hội An “Năm 1986: thời đó mục tiêu là gia cố để tránh đổ vỡ di tích. Năm 1996 có sửa chữa nhỏ. Vấn đề nâng lòng cầu cao, thấy có gạch kê lên (?), nội dung này cần được nghiên cứu lại như thế nào, làm lại cong hay thẳng cần hết sức cân nhắc.” (trích Biên bản toạ đàm)”
Ở giai đoạn, thời điểm trước 1986, Chùa Cầu hay Lai Viễn Kiều có ghi là di tích Liệt Hạng mà người Pháp đã chụp vào đầu thế kỷ XX. Xem hình ảnh hai người phụ nữ lớn tuổi ngồi trên bệ gỗ cao nói chuyện bên các đồ hàng mà họ sẽ bán cho khách qua lại. Với vị trí cao hơn sàn lòng cầu đến 60cm thì mọi người có thể thong dong ngồi trên bệ gỗ này thả chân thư giãn…một không gian sinh hoạt cho cả cộng đồng như trao đổi, nhìn ngắm, chuyện trò, đánh cờ và cả chụp ảnh cho nhau trong đời sống đương đại. Những chi tiết về các song chấn bằng gỗ đặt thưa dưới ngầm của hai người phụ nữ ngồi cũng cho ta hiểu về thiết kế người xưa là tạo thêm sự thông thoáng, người địa phương và khách chắc chắn nhận được những luồng gió mát từ sông lên khi vào thời tiết nóng. Đồng thời khi mùa nước dâng với lũ lụt thì việc đặt thưa các song gỗ này không cản dòng nước chảy làm ảnh hưởng đến hạ bộ cầu.
Và một điều mà người xưa không làm là nâng sàn cầu sẽ làm nội thất cầu bị tối hơn, và thấp chiều cao bên trong, nó sẽ cản ánh sang mặt trời chiếu xiên, xuyên qua từ các song chấn này, làm các cấu kiện bằng gỗ đỡ bị ẩm, giúp tăng thêm vẻ đẹp khi ánh nắng hướng đông nam.
Ông Nguyễn Thượng Hỷ khẳng định chắc chắn các cầu ở Việt Nam đang hiện tồn với kiểu thức “Thượng Gia Hạ Kiều” tức là cầu có mái che đều có hai bệ cao hai bên thành cầu ,để mọi người nghỉ ngơi,thư giản… Vậy chính cái đặc trưng và phổ biến này sẽ tỏa sáng cho văn hóa Việt mà chắc cả quốc tế cũng sẽ cùng chia sẻ.
Việt Nam chúng ta có cầu Ngói Thanh Toàn (Thừa Thiên Huế); cầu ngói Chợ Lương, chợ Thường (Nam Định); cầu có mái lợp lá Cổ Lễ (Nam Định); 2 cây cầu bắc qua hồ ở chùa Thầy là Nhật Tiên Kiều và Nguyệt Tiên Kiều (huyện Quốc Oai, Hà Nội). Cầu đã bị sập chỉ còn phần cầu là cầu gần chùa Ông xã Phước Quang, huyện Tuy Phước tỉnh Bình Định. Hay cầu chỉ còn mô tả trong thư tịch cổ là cống (tên gọi của người địa phương) Vĩnh Lợi và cống Lương Y trong thành nội Huế. Chi tiết giống nhau cho 6 cây cầu đang hiện tồn này là có lối đi (cho người đi bộ và xe cộ với sàn lòng thấp) và chỗ cao cho người đứng ngồi… hai bên thành cầu đều chênh cốt với độ cao từ 40 đến 60cm.
Nếu các kiến trúc sư vẫn chọn phương án phục hồi như hiện trạng hay phương án trung dung là chỉ giảm độ cao của sàn thấp hơn một chút (khoảng 25cm) thì lại không đủ để nói cái hay cái đẹp của thiết kế trước năm 1986 và nếu không muốn nói là việc tu bổ tùy tiện không khoa học và chẳng làm tăng sự nghiêm trang cho phần chùa trên cầu.
“Nhắc lời của chuyên gia bảo tồn Son Suchubert: “Việc bảo tồn kiến trúc không những là bảo tồn kiến trúc mà cả không gian chung quanh nó”. Việc tu bổ là giữ lại cốt sàn cầu theo hiện trạng sẽ dự báo cho chúng ta một câu chuyện xảy ra trong tương lai, khi các thế hệ con cháu ta đến thăm loại kiến trúc cầu có mái che gần ta ở tỉnh phía Bắc như cầu ngói Thanh Toàn (Huế) sẽ thích và thú vị với việc ngồi nghỉ ngơi trên cái bệ cao ở hai bên thành cầu, họ sẽ thắc mắc với chúng ta là chùa Cầu ở quê mình có cái đó không? Có đau khổ không khi chúng ta trả lời là có, nhưng đã bị lần tu bổ làm mất đi?
Hôm nay, nếu các bạn tái hiện lại không gian với lòng cầu thấp như ảnh chụp của người Pháp đã chụp vào năm 1915, mà tôi chắc chắn cấu kiện bằng sắt chữ i “I”.Dấu vết mà theo các bạn đã điều tra ở phần hạ bộ cũng đã góp phần cho kết cấu của sàn thấp vào trước năm 1986. Vấn đề là các bạn cùng với chuyên gia Nhật Bản phối hợp để thay thế bằng các vật liệu bền vững với thời gian cùng các giải pháp giúp tăng thêm tuổi thọ cho công trình đã trở thành biểu tượng này.” Ông Nguyễn Thượng Hỷ nhấn mạnh.
Chùa Cầu là kiến trúc tiêu biểu mang cả ba công năng: đi lại; không gian sinh hoạt cộng đồng và tín ngưỡng. Đây là điểm đặc biệt mà các cầu khác không có. Việc tu bổ được kỳ vọng đáp ứng được 3 chức năng để tiệm cận với bản gốc, trả lại không gian thư giãn, tái lập sự thú vị của văn hóa Việt với quốc tế. Nay việc nâng cầu mà code chỉ chênh lệch quá nhỏ như một cái gờ chỉ 8 đến 10 cm, xem như là một cái lề đường sẽ làm mất đi nét duyên dáng, cả sự an toàn lẫn nghiêm trang của từng công trình riêng như nơi nghỉ chân, nơi thờ cúng.
Thiết nghĩ, việc trả lại không gian thư giãn này sẽ tái lập sự thú vị của văn hóa Việt với quốc tế. Chúng ta có thể hình dung các cô gái trong tà áo dài, bộ Kimono trang nhã, dạo bước trên các đôi gót, chân trần trong nội thất, bên ngoại thất chùa Cầu – kiến trúc đã từng được gọi là cầu Nhật Bản.
Cuối cùng, việc tu bổ đang trong giai đoạn khó khăn…, từ việc nghiên cứu các dấu vết mộng( loại mộng đuôi cá của người Việt). Để tránh sự bị SỐC từ màu sơn tường hiện đại (sơn có màu sáng hơn) trong khi truyền thống từ vôi với nguyên liệu vỏ sò với keo da trâu thì sẫm hơn, ông Nguyễn Thượng Hỷ gợi ý cần làm thí nghiệm trước khi sơn, xem có thể kết hợp với loại keo hóa học hiện đại không? Bên cạnh đó, việc tái định vị các con giống trang trí bờ nóc, bờ chái cần có kết cấu vững chãi, màu sơn phục hồi cũng cần chọn lọc kỹ cả màu sắc. Ông mong với ý kiến của mình sẽ giúp các đồng nghiệp, các nhà bảo tồn và tu bổ thành công trong việc phục hồi và gìn giữ vẻ đẹp truyền thống Chùa Cầu Hội An.
Dự án tu bổ chùa Cầu có tổng kinh phí 20,2 tỉ đồng, thời gian thi công 360 ngày. Dự án khởi công từ ngày 28.12.2022, đến nay đã hoàn thành quét 3D toàn bộ di tích, hạ giải hệ mái ngói âm dương, hạ giải hệ khung gỗ. Đồng thời, đã gia cố hệ móng, mố, trụ, tu bổ hệ đà sàn, khung và mái; gia cố hệ móng, mố, trụ (phần còn lại); các hạng mục phụ trợ, tôn tạo cảnh quan… Sau khi nghe ý kiến đóng góp của các nhà nghiên cứu, Chủ tịch UBND TP Hội An Nguyễn Văn Sơn yêu cầu tạm dừng phương án trùng tu lòng Chùa Cầu như đang triển khai để chờ lấy thêm ý kiến, đánh giá cẩn trọng làm sao đảm bảo tính chân xác nhất. |