Dư luận quan tâm rằng liệu sàn thương mại điện tử Temu có phải chịu thuế hay không khi đã có hoạt động tại Việt Nam.
Vừa qua, các sàn thương mại điện tử (TMĐT) nước ngoài vào Việt Nam, trở thành kênh đưa hàng ngoại tràn vào Việt Nam khiến cơ quan quản lý cũng phải “giật mình” vì giá rẻ.
Đáng chú ý, sàn Temu gây bão dư luận khi chưa đăng ký hoạt động tại Việt Nam nhưng đã khai trương trang bán hàng tại Việt Nam từ cuối tháng 9 vừa rồi, với các quảng cáo giảm giá hấp dẫn, cộng thêm các mã giảm giá và cả miễn cước phí vận chuyển hàng đến tận các địa điểm khắp Việt Nam.
Vấn đề đang được dư luận quan tâm là liệu sàn Temu có phải chịu thuế hay không khi đã có hoạt động tại Việt Nam?
Trao đổi với Lao Động, đại diện đơn vị chuyên môn của cơ quan Hải quan cho biết, hiện Temu chưa đăng ký hoạt động hay đặt trụ sở tại Việt Nam nên chưa chịu trách nhiệm về các loại thuế nội địa (do Tổng cục Thuế quản lý).
Giải đáp về trách nhiệm của chủ sở hữu giao dịch TMĐT phải cung cấp thông tin cho cơ quan thuế, Tổng cục Thuế cho biết tại Nghị định số 91/2022/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế) quy định:
Chủ sở hữu sàn TMĐT có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác và đúng hạn cho cơ quan thuế thông tin của thương nhân, tổ chức, cá nhân một phần hoặc toàn bộ quy trình mua bán hàng hóa, dịch vụ trên sàn giao dịch TMĐT bao gồm: tên người bán hàng, mã số thuế hoặc số định danh cá nhân, hoặc chứng minh nhân dân, hoặc căn cước công dân, hoặc hộ chiếu, địa chỉ, số điện thoại liên lạc; doanh thu bán hàng thông qua chức năng đặt hàng trực tuyến của sàn.
Riêng đối với sàn giao dịch TMĐT có chức năng đặt hàng trực tuyến thì ngoài các thông tin chung nêu trên, còn phải cung cấp thông tin về doanh thu bán hàng thông qua chức năng đặt hàng trực tuyến của sàn TMĐT. Trường hợp sàn giao dịch TMĐT không lưu giữ đầy đủ các thông tin chung nêu trên thì vẫn phải thực hiện việc cung cấp các thông tin đầy đủ, chính xác, đúng hạn theo đúng thực tế thông tin lưu giữ tại sàn giao dịch TMĐT.
Trường hợp tổ chức là chủ sở hữu sàn TMĐT không cung cấp thông tin theo quy định, cơ quan thuế xử lý vi phạm hành chính, theo quy định tại Điều 19 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP.
Việc cung cấp thông tin được thực hiện bằng phương thức điện tử, qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế (thuedientu.gdt.gov.vn, truy cập vào “Cổng dữ liệu thông tin TMĐT”) theo định dạng dữ liệu do Tổng cục Thuế quy định tại phụ lục quy định về thành phần chứa dữ liệu nghiệp vụ tiếp nhận thông tin từ tổ chức là chủ sở hữu sàn TMĐT đính kèm công văn.
Về sàn Temu, ngày 24.10, Temu đã có văn bản chính thức gửi Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương về việc thực hiện các yêu cầu tuân thủ pháp luật thương mại điện tử Việt Nam khi gia nhập thị trường.
Như vậy, nếu Temu được chấp thuận gia nhập thị trường, sàn TMĐT này phải thực hiện nghĩa vụ thuế theo đúng quy định của pháp luật.
Trong thời kỳ phát triển nền kinh tế số, kinh doanh TMĐT trở nên phổ biến với các hình thức ngày càng đa dạng, ngành Thuế đã đưa ra nhiều giải pháp để tăng cường công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT.
Theo số liệu từ Bộ Tài chính, đến cuối tháng 8.2024, đã có 404 sàn giao dịch TMĐT cung cấp thông tin trên cổng thông tin TMĐT, tăng 43 sàn so với thời điểm cuối năm 2023.
Cơ quan thuế đã quản lý khoảng 1,77 triệu tỉ đồng doanh thu của các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh TMĐT. Số thuế đã nộp khoảng 78 nghìn tỉ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ năm trước.