Thoạt nhìn, nền kinh tế thế giới có vẻ kiên cường, nhưng thực tế không hẳn như vậy.
Mỹ vẫn phát triển mạnh ngay cả khi cuộc chiến thương mại với Trung Quốc leo thang. Đức đã vượt qua được việc mất nguồn cung cấp khí đốt của Nga mà không phải gánh chịu một thảm họa kinh tế. Chiến tranh ở Trung Đông không gây ra cú sốc dầu mỏ nào. Phiến quân Houthi bắn tên lửa hầu như không chạm tới dòng hàng hóa toàn cầu. Là một phần của GDP toàn cầu, thương mại đã phục hồi trở lại sau đại dịch và được dự báo sẽ tăng trưởng lành mạnh trong năm nay.
Tuy nhiên, nếu phân tích sâu hơn, chúng ta sẽ thấy sự mong manh. Trong nhiều năm, trật tự kinh tế toàn cầu kể từ Thế chiến thứ hai đã bị xói mòn. Một số yếu tố đáng lo ngại có thể dẫn đến tình trạng hỗn loạn, và chiến tranh một lần nữa lại là biện pháp của các cường quốc.
Sự tan rã của trật tự thế giới cũ hiện rõ ở khắp mọi nơi. Các biện pháp trừng phạt được sử dụng nhiều gấp 4 lần so với những năm 1990; Mỹ gần đây đã áp đặt các hình phạt “thứ cấp” đối với các thực thể hỗ trợ quân đội Nga. Mặc dù đồng USD vẫn chiếm ưu thế và các nền kinh tế mới nổi có khả năng phục hồi tốt hơn, nhưng dòng vốn toàn cầu đang bắt đầu phân mảnh.
Các tổ chức bảo vệ hệ thống cũ hoặc đã không còn tồn tại hoặc đang nhanh chóng mất đi uy tín. Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) sẽ tròn 30 tuổi vào năm tới nhưng đang trì trệ do sự thờ ơ của Mỹ. IMF đang bị kẹt giữa chương trình nghị sự xanh và đảm bảo sự ổn định tài chính…
Trong thời gian tới, nếu ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng, có nguy cơ tiếp tục làm xói mòn các thể chế và chuẩn mực. Nỗi lo sợ về làn sóng nhập khẩu giá rẻ thứ hai của Trung Quốc có thể đẩy nhanh tốc độ này. Cuộc chiến trực diện giữa phương Tây và Nga có thể còn diễn biến phức tạp hơn.
Trong bối cảnh đó, nhiều chuyên gia cho rằng các trật tự thế giới có thể sẽ rơi vào trạng thái hỗn loạn. Nếu không có niềm tin và khuôn khổ thể chế cho sự hợp tác, các quốc gia sẽ gặp khó khăn hơn trong việc đối phó với những thách thức của thế kỷ 21, từ việc ngăn chặn cuộc chạy đua vũ trang về trí tuệ nhân tạo đến hợp tác trong không gian. Các vấn đề này sẽ chỉ được giải quyết bởi các quốc gia có cùng chí hướng. Điều đó có thể hiệu quả, nhưng thường sẽ liên quan đến sự ép buộc và phẫn nộ, như với thuế quan biên giới carbon của châu Âu…
Phát biểu tại Hội nghị an ninh Munich (Đức), Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi xây dựng một trật tự thế giới mới. Theo ông Antonio Guterres, cơ chế quản trị toàn cầu theo mô hình hiện nay đang làm gia tăng tình trạng chia rẽ. Trong khi thế giới phải đối mặt với những thách thức hiện hữu, thì cộng đồng quốc tế lại bị phân tán và chia rẽ sâu sắc nhất trong 75 năm qua. Vì thế, Tổng thư ký Liên hợp quốc nêu bật sự cần thiết phải xây dựng một trật tự thế giới mới vận hành vì tất cả mọi người dân.