Năm 2022 chỉ có hơn 150 triệu lượt khám chữa bệnh Bảo hiểm Y tế thì đến năm 2023, con số này đã tăng lên tới gần 175 triệu lượt, tăng trên 23,4 triệu lượt so với năm 2022.
Theo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, số người tham gia Bảo hiểm Y tế năm 2023 đạt trên 93,3 triệu người, tăng 2,45% so với cùng kỳ 2022. Như vậy, trên 93% dân số được bảo vệ sức khỏe từ Bảo hiểm Y tế, vượt 0,15% so với nghị quyết 01 của Chính phủ, vượt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 68/2022/QH15 của Quốc hội, tiệm cận mục tiêu Bảo hiểm Y tế toàn dân.
Trong năm 2023, công tác thực hiện chính sách Bảo hiểm Y tế được triển khai với nhiều giải pháp nhằm đảm bảo đầy đủ, kịp thời quyền lợi của người tham gia, tối ưu hóa các quỹ; góp phần hỗ trợ, ổn định cuộc sống của người lao động và chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Bà Trần Thị Trang – Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế (Bộ Y tế) cho biết nếu như năm 2022 chỉ có hơn 150 triệu lượt khám chữa bệnh Bảo hiểm Y tế thì đến năm 2023, con số này đã tăng lên tới gần 175 triệu lượt (tăng trên 23,4 triệu lượt khám chữa bệnh Bảo hiểm Y tế so với năm 2022). Số chi Bảo hiểm Y tế cho khám chữa bệnh cũng theo đó lên tới khoảng 124,3 nghìn tỷ đồng, tăng gần 20% so với năm 2022.
Trong năm qua, Bộ Y tế đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả Quỹ Bảo hiểm Y tế, đảm bảo chi đúng, chi đủ, phục vụ kịp thời các hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho người dân và đảm bảo quyền lợi của người tham gia Bảo hiểm Y tế.
Theo ông Lê Văn Phúc – Trưởng ban thực hiện chính sách Bảo hiểm Y tế (Bảo hiểm Xã hội Việt Nam), Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã rất tích cực phối hợp cùng Bộ Y tế tham mưu xây dựng, hoàn thiện chính sách Bảo hiểm Y tế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đang còn tồn tại cho người dân và cơ sở khám chữa bệnh như Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi, gia hạn giấy phép đăng ký thuốc. Đặc biệt, đã tham mưu sửa đổi Nghị định 146/NĐ-CP bằng Nghị định 75/2023/NĐ-CP; tiếp tục hỗ trợ tham gia Bảo hiểm Y tế với một số nhóm đối tượng…
Trong năm 2023, toàn ngành Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã ký hợp đồng với hơn 12.851 đơn vị (2.600 cơ sở khám chữa bệnh Bảo hiểm Y tế ký trực tiếp và hơn 10.000 trạm y tế xã và tương đương). Tất cả các cơ sở này đã kết nối với Hệ thống thông tin giám định của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, tỷ lệ liên thông dữ liệu trong ngày đạt 94,5%. Quyền lợi của người tham gia Bảo hiểm Y tế cơ bản được đảm bảo theo quy định. Người bệnh đến khám chữa bệnh không phải chờ đợi lâu. Việc thiếu thuốc, vật tư y tế đã từng bước được khắc phục. Cùng với đó, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản chấn chỉnh các tồn tại trong công tác giám định, thanh toán chi phí khám chữa bệnh Bảo hiểm Y tế…
Dấu ấn cải cách thủ tục hành chính trong khám, chữa bệnh
Nhìn lại năm 2023 trong công tác khám chữa bệnh cho thấy đây là năm Bộ Y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã triển khai hiệu quả Đề án 06 của Chính phủ nhằm cải cách thủ tục hành chính trong khám, chữa bệnh Bảo hiểm Y tế. Hầu hết các cơ sở khám chữa bệnh đã thực hiện việc đăng ký khám chữa bệnh cho người bệnh bằng ứng dụng VneID, VssID, căn cước công dân. Nghị định số 75 đã chính thức cho phép sử dụng các ứng dụng nêu trên để người dân đi khám chữa bệnh một cách thuận lợi nhất. Người dân có thể sử dụng các ứng dụng VssID, VNeID để khám chữa bệnh, tạo thuận tiện cho người bệnh hơn khi khám chữa bệnh.
Đến nay 100% cơ sở khám chữa bệnh Bảo hiểm Y tế (12.851 cơ sở) trên toàn quốc triển khai khám chữa bệnh Bảo hiểm Y tế bằng căn cước công dân gắn chip, với hơn 55 triệu lượt người sử dụng căn cước công dân thay thẻ Bảo hiểm Y tế để làm thủ tục khám chữa bệnh Bảo hiểm Y tế, góp phần rút ngắn thời gian, thủ tục khám chữa bệnh, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, quản lý, sử dụng hiệu quả Quỹ Bảo hiểm Y tế.
Tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế cũng từng bước được tháo gỡ; công tác kiểm tra, giám sát thực hiện khám chữa bệnh Bảo hiểm Y tế được tăng cường. Quy trình giám định Bảo hiểm Y tế mới được triển khai theo hướng hiện đại hơn, đảm bảo chi đúng, đủ quyền lợi Bảo hiểm Y tế của người dân, kịp thời phát hiện các trường hợp cố trình trục lợi Bảo hiểm Y tế.
Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết Bảo hiểm Y tế là trụ cột trong hệ thống an sinh xã hội của đất nước. Sau khi Luật Bảo hiểm Y tế được ban hành năm 2008, Bộ Y tế và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã họp bàn ban hành quy chế phối hợp trong thực hiện chính sách nay. Sau 12 năm triển khai, Quy chế phối hợp đã được tổng kết, đánh giá, sửa đổi phù hợp Luật Bảo hiểm Y tế qua từng thời kỳ, tình hình kinh tế-xã hội và pháp luật có liên quan.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, một trong những nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 là rà soát ban hành chính sách phù hợp, trước hết là Luật Bảo hiểm Y tế sửa đổi. Bộ Y tế đã yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về Bảo hiểm Y tế, để sử dụng hiệu quả Quỹ.
Bà Đào Hồng Lan nhấn mạnh Quỹ Bảo hiểm Y tế là quỹ chung của toàn dân, do đó, trách nhiệm xây dựng, phát triển và bảo vệ quỹ là trách nhiệm chung của tất cả chúng ta. Để triển khai hiệu quả chính sách Bảo hiểm Y tế, thời gian tới, Bộ Y tế và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam sẽ nỗ lực phối hợp chặt chẽ, toàn diện hơn nữa trong việc thực hiện tốt công tác khám chữa bệnh Bảo hiểm Y tế, để sử dụng hiệu quả Quỹ, phát huy chính sách an sinh xã hội, góp phần bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân./.