Triển vọng hợp tác phát triển ngành hàng rau quả

Theo thống kê của Bộ Công Thương, trong 11 tháng năm 2022, ngành hàng rau quả có sự tăng trưởng mạnh mẽ với trị giá xuất khẩu ước đạt 3,1 tỷ USD. Một trong những động lực thúc đẩy phát triển ngành hàng này chính là những cái “bắt tay” hợp tác giữa khu vực công -tư và chính các doanh nghiệp với nhau.

Ông Phạm Văn Trị, xã Tu Tra là một trong những người đầu tiên tham gia mô hình liên kết chuỗi trồng khoai tây tại Lâm Đồng – Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Liên kết chuỗi thu hút người dân và doanh nghiệp vào cuộc

Xã Tu Tra, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng (xã vùng dân tộc thiểu số) từng là xã nghèo của huyện Đơn Dương. Với sự chung tay của chính quyền địa phương và các doanh nghiệp nông nghiệp, người nông dân ở đây đã có cơ hội nâng cao chất lượng sống của mình.

Năm 2019, xã Tu Tra là một trong nhiều địa phương thực hiện Mô hình hợp tác chiến lược trong sản xuất khoai tây bền vững tại Việt Nam” do Công ty Syngenta Việt Nam và Công ty PepsiCo khởi xướng. Mô hình được thực hiện thông qua việc thành lập nông trại sản xuất khoai tây bền vững, thử nghiệm áp dụng công nghệ kỹ thuật canh tác, quản lý dịch hại, quản lý an toàn nông dược và đào tạo nông dân…; đã thu hút người dân và cả những doanh nghiệp trực tiếp sản xuất vào cuộc.

Ông Phạm Văn Trị, xã Tu Tra là một trong những người đầu tiên tham gia mô hình này. Ông Trị cho biết, dân xã ông nhiều hộ là đồng bào K’Ho, ban đầu người dân tham gia vào mô hình do sản phẩm được cam kết thu mua với giá ổn định ngay đầu vụ. Tuy nhiên ngày càng nhiều người dân muốn tham gia và gắn bó lâu hơn với mô hình này bởi họ được cung ứng giống, thuốc bảo vệ thực vật và tập huấn, thực hiện các kỹ thuật canh tác rất hiệu quả. Hiệu quả ở đây không chỉ là việc đạt năng suất, chất lượng khoai tây cao mà người dân cảm nhận rõ sự thay đổi rõ rệt ở cả môi trường và sức khỏe người sản xuất.

Anh Cao Văn Long Thành, nhân viên kỹ thuật của công ty Syngenta Việt Nam cho biết: “Trước đây, khi phun thuốc xong khoảng 2 giờ, nếu gặp mưa, người dân thường sẽ phun lại. Nhưng chúng tôi đã chứng minh được cho người dân thấy thuốc đảm bảo chất lượng thì không cần phun lại, rất lãng phí. Sau khi thấy hiệu quả thực tế người dân đã làm theo và đảm bảo được đúng kỹ thuật và nâng cao chất lượng khoai tây thu hoạch sau này”.

Mô hình hợp tác này ở xã Tu Tra còn thu hút cả những doanh nghiệp vừa và nhỏ ở những địa phương khác đến đầu tư.

Anh Đỗ Mạnh Hùng (Cầu Giấy, Hà Nội), chủ một doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa sang Nhật Bản, cũng đã tham gia mô hình này với 15 ha trồng khoai tây tại xã Tu Tra. Anh Hùng cho biết: “Tổng diện tích đất tôi sử dụng canh tác khoai tây là 15 ha, nhưng để đảm bảo luân canh và chất lượng khoai tây tốt nhất, mỗi vụ trôi trồng khoảng 6 ha. Trung bình, mỗi ha sẽ thu về 100 triệu (sau khi đã trừ giống, thuốc bảo vệ thực vật). Đây là nguồn thu ổn định và rất hiệu quả nên tôi cũng đã gắn bó với mô hình này nhiều năm”.

Ông Nguyễn Kim Hành, Giám đốc Nông học PepsiCo Việt Nam, đơn vị tiêu thụ cho mô hình hợp tác này cho biết, năm 2022, doanh nghiệp này đã xuất khẩu thành công lô khoai tây đầu tiên với sản lượng 6 nghìn tấn trồng tại Lâm Đồng sang Thái Lan. Đặc biệt, chất lượng khoai tây trồng tại Lâm Đồng đáp ứng tiêu chuẩn của PepsiCo quốc tế.

“Mô hình hợp tác chiến lược trong sản xuất khoai tây bền vững tại Việt Nam” là một trong 210 chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ của nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng. Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng đánh giá người nông dân khi tham gia những chuỗi sản xuất này không những nâng cao thu nhập mà còn nâng cao về kiến thức canh tác để bước đầu xây dựng một nền nông nghiệp bền vững hơn.

Trong giai đoạn 2022 – 2025, dự án phát triển nông trại khoai tây kiểu mẫu của Syngenta và PepsiCo sẽ tiếp tục được triển khai và mở rộng tại Lâm Đồng, Đắk Lắk và Gia Lai với mục tiêu quy mô sản xuất đạt trên 2 nghìn ha với hơn 1 nghìn nông dân tham gia dự án.

Với sự chứng kiến của đại diện Bộ NN&PTNT, Syngenta và PepsiCo đã chính thức thỏa thuận hợp tác để lan tỏa mô hình sản xuất khoai tây bền vững tại Việt Nam – Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Hợp tác “công – tư”  là xu hướng tất yếu

Theo TS Nguyễn Anh Phong, Trung tâm Thông tin (Bộ NN&PTNT), năm 2022, các thị trường lớn như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia, New Zealand… đã đón nhận gần 20 loại củ quả được xuất khẩu chính ngạch từ Việt Nam.

Ông Phong nhấn mạnh, tuy cơ hội còn rất lớn nhưng chuỗi sản xuất rau quả của Việt Nam đang đối diện nhiều thách thức. Điển hình như việc thực hành sản xuất tốt mới chiếm tỉ lệ nhỏ, nhiều hộ nhỏ lẻ sản xuất nên việc cấp mã số vùng trồng còn nhiều khó khăn; trong khâu bảo quản thì tỉ lệ hao hụt sau thu hoạch lớn, dịch vụ hỗ trợ bảo quản còn nhiều hạn chế; vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn là mối lo ngại khi tồn dư thuốc bảo vệ thực vật còn chưa đảm bảo, việc nhiễm chéo thuốc bảo vệ thực vật vẫn diễn ra…

Tất cả những vấn đề này đang tác động lớn đến xuất xứ hàng hóa khiến lượng rau củ của Việt Nam được xuất khẩu mới chiếm khoảng 10% sản lượng sản xuất.

Tại Hội thảo “Triển vọng hợp tác công tư trong phát triển bền vững ngành hàng rau quả Việt Nam” do Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN&PTNT) phối hợp tổ cùng các đối tác trong ngành hàng rau quả tổ chức ngày 7/12 tại tỉnh Lâm Đồng, những triển vọng phát triển ngành hàng rau quả đã được nêu ra với việc khẳng định xu thế hợp tác “công – tư” là tất yếu để cải thiện những thách thức trong sản xuất rau quả hiện nay.

Ông Vũ Thanh Liêm, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN&PTNT), cho biết trong nhóm ngành nông sản, rau quả là một trong những ngành hàng có bứt phá mạnh về năng lực sản xuất trong 5 năm trở lại đây, ngày càng mở rộng diện tích và nâng cao sản lượng. Ngoài ra, việc gia nhập các hiệp định thương mại tự do đa phương và song phương giúp rau quả của Việt Nam được mở rộng thị trường và tiêu thụ trên toàn thế giới.

Tháng 3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển ngành chế biến rau quả giai đoạn 2021-2030 với mục tiêu đến năm 2030 giá trị kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 8-10 tỷ USD. Trong số đó, tỉ trọng giá trị kim ngạch xuất khẩu sản phẩm rau quả chế biến đạt 30% trở lên; công suất chế biến rau quả đạt 2 triệu tấn sản phẩm/năm, gấp gần 2 lần so với năm 2020. Mặt khác, đề án cũng nhắm đếm mục tiêu đến năm 2030 thu hút đầu tư mới 50-60 cơ sở chế biến rau quả có quy mô lớn và vừa; xây dựng, phát triển thành công một số tập đoàn, doanh nghiệp chế biến rau quả hiện đại ngang tầm khu vực, thế giới với khả năng cạnh tranh quốc tế cao.

Để đạt được các mục tiêu lớn này, Bộ NN&PTNT và các bên tham gia trong lĩnh vực nông nghiệp đều nhất trí: Việt Nam cần phải có những nỗ lực rất lớn, không chỉ từ phía Chính phủ, mà cả khối tư nhân, doanh nghiệp, người sản xuất trực tiếp cùng tham gia thực hiện ở các quy mô khác nhau. Trong đó, một trong những giải pháp then chốt được ưu tiên thực hiện là đẩy mạnh thu hút đầu tư theo hình thức Đối tác công tư (PPP).

Bộ NN&PTNT đã tiên phong thành lập Đối tác phát triển nông nghiệp bền vững Việt Nam (PSAV), gồm 8 nhóm công tác ngành hàng PPP (cà phê; chè; rau quả; thủy sản; hồ tiêu; gạo; hóa chất nông nghiệp và chăn nuôi) tập trung vào kết nối các tác nhân trong ngành nông nghiệp để chia sẻ kinh nghiệm, cùng hợp tác phát triển chuỗi giá trị các mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cũng đánh giá cao các mô hình hợp tác công tư như trên, bởi theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, nếu không có những mô hình này thì những thỏa thuận ký kết chỉ nằm trên giấy. Thông qua các mô hình này, lãnh đạo địa phương sẽ hiểu hơn về các hình thức hợp tác, doanh nghiệp và người dân cũng nhìn thấy hiệu quả thực tế để cùng chung tay vào công cuộc phát triển một nền nông nghiệp bền vững.

Theo Baochinhphu.vn