Trung Quốc đã chi khoảng 2,1 tỷ USD để mua một loại quả nổi tiếng ở Việt Nam trong năm qua. Nhờ đó, loại quả này thành hàng có giá siêu đắt đỏ, giúp hàng chục nghìn hộ nông dân thu tiền tỷ chỉ sau một vụ thu hoạch.
Theo số liệu thống kê từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc, giai đoạn 2019-2023, nhập khẩu sầu riêng của Trung Quốc tăng trưởng bình quân 27,8% về lượng.
Năm 2023, Trung Quốc tiếp tục chi ra 6,7 tỷ USD để nhập khẩu 1,4 triệu tấn sầu riêng. So với năm 2022, nhập khẩu sầu riêng của quốc gia này tăng 72,9% về lượng và tăng 65,6% về giá trị.
Đáng chú ý, trong năm 2023, Trung Quốc đã chi 2,1 tỷ USD để mua 493 nghìn tấn sầu riêng của Việt Nam, tăng 1.036% về trị giá và tăng 1.107% về lượng so với năm 2022.
Trước đây, Thái Lan là thị trường cung cấp sầu riêng chủ yếu cho Trung Quốc, chiếm 95% thị phần trong năm 2022. Tuy nhiên, thị phần sầu riêng Thái Lan trong tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc giảm xuống còn 65,1% trong năm 2023, đạt 929 nghìn tấn, giá trị đạt 4,57 tỷ USD. Dù vậy, xuất khẩu sầu riêng Thái Lan sang Trung Quốc vẫn tăng 18,5% về lượng và tăng 18% về trị giá so với năm 2022.
Trong khi đó, thị phần sầu riêng Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc từ 5% năm 2022 tăng mạnh lên 34,6% năm 2023. Giá sầu riêng nhập khẩu trung bình từ Việt Nam đạt 4.332,2 USD/tấn.
Sầu riêng tươi của Việt Nam đã được cấp phép xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc từ tháng 7/2022. Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) đã hoàn thành thủ tục và hồ sơ đề nghị Trung Quốc cấp phép nhập khẩu sầu riêng đông lạnh từ Việt Nam. Nếu sầu riêng đông lạnh Việt Nam được cấp phép, triển vọng xuất khẩu mặt hàng này sẽ tiếp tục khả quan.
Việc Trung Quốc tăng mạnh nhập khẩu giúp cho giá loại quả này của Việt Nam nhảy vọt, thành hàng có giá siêu đắt đỏ. Hiện, giá sầu riêng Ri6 tại vườn được thu mua ở mức 125.000-148.000 đồng/kg; giá sầu riêng Monthong dao động từ 160.000-195.000 đồng/kg; sầu riêng Musang King giữ mức 160.000-190.000 đồng/kg.
Riêng sầu Monthong loại A đang được doanh nghiệp thu mua với giá lên tới 200.000 đồng/kg. Giá này bằng đỉnh cũ cách đây một năm – mức đỉnh lịch sử.
Theo đó, nhiều nhà vườn có sầu riêng thu hoạch cũng trúng đậm tiền tỷ nhờ bán được giá cao.
Chị Cù Thị Thái – nhà vườn trồng sầu riêng ở Tiền Giang – phấn khởi khoe, đây là năm đầu tiên chị bán được sầu riêng với giá gần 200.000 đồng/kg.
Gia đình chị trồng 4ha sầu riêng Monthong. Trái thu hoạch đến đâu được các vựa mua đem xuất khẩu hết đến đó. Theo đó, chị nhẩm tính 1ha sầu riêng năm nay cho sản lượng khoảng 15 tấn. Với giá bán hiện tại, sau khi trừ hết chi phí gia đình chị thu lãi khoảng trên 8 tỷ đồng.
Ông Huỳnh Tấn Lộc – Giám đốc HTX Sầu riêng Ngũ Hiệp (Cai Lậy, Tiền Giang) cho biết, nhu cầu từ thị trường Trung Quốc tăng đã đẩy giá lên cao chót vót. Dù vậy, doanh nghiệp vẫn không gom đủ hàng để xuất sang thị trường 1,4 tỷ dân này.
Theo ông Lộc, sản lượng sầu riêng khá cao. Với vườn cây trưởng thành cho sản lượng ổn định có thể đạt từ 20-30 tấn/ha tuỳ vào giống sầu riêng. Và mức giá như hiện nay, nhà vườn trồng sầu riêng có thể lãi ít nhất 2-2,5 tỷ đồng/ha tùy loại và tùy sản lượng.
Ông Vũ Đức Côn, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk, thông tin, năng suất sầu riêng tại tỉnh này đạt 18-20 tấn/ha. Tổng sản lượng sầu riêng niên vụ 2023 đạt trên 214.000 tấn, vượt xa con số dự báo là 195.000 tấn hồi đầu vụ. Doanh thu sầu riêng toàn tỉnh đạt khoảng 12.000 tỷ đồng.
“Với sầu riêng, giá sẽ vẫn ở mức tốt khi nhu cầu từ phía Trung Quốc lớn. Cộng thêm các chính sách và Nghị định thư mới được áp dụng kích thích sự tăng trưởng của nhóm nông sản này”, ông Côn nói.
Bà Đoàn Thị Thu – Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Nam (Di Linh, Lâm Đồng), báo tin, năm 2023 sản lượng sầu riêng toàn xã đạt khoảng 7.000 tấn, mang lại cho người dân trên 500 tỷ đồng. Bình quân, mỗi hộ trồng sầu riêng có thu nhập từ 1,2-1,5 tỷ đồng. Trong xã có khoảng chục hộ dân có nguồn thu từ 4-10 tỷ đồng từ sầu riêng.
Các chuyên gia và doanh nghiệp trong ngành nhận định, nếu Việt Nam làm tốt khâu chất lượng, mẫu mã cũng như quảng bá tốt thương hiệu sầu riêng tại thị trường Trung Quốc thì trong trong 10-20 năm tới, sầu riêng Việt Nam vẫn “sống khoẻ”.