Là người khởi xướng chương trình “Giấc mơ Việt Nam” nhằm đánh thức giấc mơ của thế hệ trẻ Việt Nam, doanh nhân, TS. Nguyễn Trí Dũng – Tổng giám đốc Công ty Minh Trân đã dành trọn cuộc đời đưa những sản phẩm công nghệ cao “made in Vietnam” vươn ra thế giới. Không chỉ vậy, ông còn thành lập Trường Doanh Thương Trí Dũng, đào tạo nên nhiều thế hệ học viên tài năng về kỹ thuật và quản lý kinh doanh. Trải qua 77 năm cuộc đời, ông đã truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ doanh nhân trẻ Việt Nam thực hiện giấc mơ, hoài bão.
Chú trọng phát triển nguồn nhân lực cho quê hương
Doanh nhân, TS. Nguyễn Trí Dũng sinh ngày 22/11/1948 tại Sài Gòn, tốt nghiệp Đại học Hitotsubashi (Nhật Bản) ngành quản lý công học Ban Phó tiến sĩ, tốt nghiệp Đại học Tsukuba ngành kế lượng kế hoạch Ban tiến sĩ. Cuối năm 1975, TS. Nguyễn Trí Dũng là một trong số rất ít những Việt kiều đầu tiên được Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mời về thăm quê hương, cùng Chính phủ tìm ra giải pháp giúp đất nước vượt qua khó khăn.
Là chuyên viên phát triển kinh tế của Liên Hiệp Quốc trong 16 năm (1978-1993), TS. Nguyễn Trí Dũng mong muốn đóng góp vào sự phát triển kinh tế quê hương. Năm 1989, ông thành lập trường tư thục đầu tiên tại Việt Nam mang tên Doanh Thương Trí Dũng chuyên đào tạo về kinh tế, quản lý kinh doanh thương mại. Mục tiêu của trường là xây dựng “tư duy phát triển”, góp phần thực hiện chính sách đổi mới cho cán bộ kỹ thuật, quản lý, sinh viên… Đồng thời, tham khảo kinh nghiệm, cách tư duy, quản lý, văn hóa kinh doanh, văn hóa sản xuất công nghiệp của Nhật Bản để áp dụng vào thực tiễn tại Việt Nam.
Trong thời gian giảng dạy tại trường, TS. Nguyễn Trí Dũng được biết đến là người luôn trầm tĩnh, thân mật khi trao đổi kinh nghiệm với học viên nhưng lại rất tỉnh táo, quyết đoán khi giải quyết công việc. Ông luôn nở nụ cười ôn hòa, chinh phục mọi người bằng sự uyên bác, dí dỏm.
TS. Nguyễn Trí Dũng tiên phong vận động những người bạn là chuyên gia trong các lĩnh vực đến thăm, tìm hiểu Việt Nam và thành lập tổ chức phi lợi nhuận Mạng lưới Kết nối Hợp tác Kỹ thuật châu Á (ATCN) mà ông là Chủ tịch danh dự. Tổ chức này đã tạo tiền đề cho sự hợp tác phát triển, thúc đẩy cơ hội chuyển giao công nghệ từ Nhật Bản, cũng như tạo điều kiện nâng cao trình độ kỹ thuật, cải tiến phương pháp quản lý, phát triển sản xuất của các doanh nghiệp. Qua đó, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng sản xuất công nghiệp của TP.HCM.
Từ năm 2008, Trường Doanh Thương Trí Dũng đã cùng tổ chức ATCN thực hiện chương trình đào tạo “Phát triển nguồn nhân lực để nâng cao chất lượng sản xuất công nghiệp”. Năm 2012, chương trình được sự hỗ trợ của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM ITPC (2012 – 2015), Ban Quản lý Các khu Chế xuất và Công nghiệp TP.HCM HEPZA (2016 – 2019) tổ chức đào tạo chuyển giao kinh nghiệm Nhật Bản để thúc đẩy năng suất lao động, nâng cao giá trị sản phẩm. Việc kết nối cho học viên TP.HCM và các tỉnh lân cận trao đổi kiến thức, kỹ năng, ý tưởng, kinh nghiệm với các nhà quản lý doanh nghiệp Nhật Bản đã góp phần xây dựng tư duy phát triển bền vững cho doanh nghiệp trong nước, đồng thời, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Thành phố.
Bên cạnh việc giảng dạy tại Trường Doanh Thương Trí Dũng, TS. Nguyễn Trí Dũng còn là Chủ tịch sáng lập Hiệp hội Doanh nghiệp Việt kiều, Chủ tịch Javinet chương trình hợp tác Việt – Nhật, Phó Chủ tịch thường trực CLB Hợp tác Việt – Nhật, Phó trưởng ban thường trực CLB Khoa học Kỹ thuật Việt Kiều.
Doanh nhân khao khát đưa sản phẩm Việt ra thế giới
Vốn nặng lòng với quê hương, bên cạnh việc đào tạo những tài năng cho nền kinh tế nước nhà, TS. Nguyễn Trí Dũng còn là một doanh nhân có khao khát đưa những sản phẩm công nghệ cao “made in Vietnam” ra thị trường thế giới. Ông đã thành lập Công ty Công nghệ cao Minh Trân tại TP.HCM vào năm 1994. Công ty đầu tư sản xuất linh kiện điện tử công nghệ cao để cung cấp cho thị trường Nhật Bản và các nước khác trên thế giới. Ngoài ra, TS. Nguyễn Trí Dũng còn thành lập xưởng thủ công nhỏ nhằm thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản.
Để làm chủ một cơ sở công nghệ hiện đại, chuyên gia công linh kiện điện tử và có được sự tín nhiệm của khách hàng Nhật Bản trong nhiều năm qua, TS. Nguyễn Trí Dũng đã nỗ lực không ít. Ông bắt đầu từ việc làm thủ công mỹ nghệ, gia công, dệt may và khi thời cơ đến mới sản xuất hàng công nghệ cao.
Suốt hành trình đó, TS. Nguyễn Trí Dũng luôn quan niệm: “Công nghệ cao nhất chính là làm bằng tay chân, vì những gì máy móc có thể làm thế con người thì không phải là công nghệ cao”. Chính vì vậy, ông luôn đặt nhiệm vụ đào tạo đội ngũ công nhân một cách chu đáo và tỉ mỉ. Nhiều công nhân làm việc tại Công ty Minh Trân là các học viên tốt nghiệp Trường Doanh Thương Trí Dũng, Đại học Bách khoa TP.HCM hoặc là những thợ thủ công trẻ tuổi cần mẫn ở khu vực gần công ty, được đào tạo thêm tay nghề. Đặc biệt, tất cả nhân viên của Công ty Minh Trân từ kỹ sư tốt nghiệp loại ưu đang chuẩn bị lấy bằng thạc sĩ, phó giám đốc, trưởng phó phòng đến công nhân bình thường đều bắt đầu công việc từ… nhà bếp.
Họ không chỉ biết nấu ăn, còn biết chăm sóc hoa cỏ trong vườn như nông dân thực thụ. Bởi hằng tháng, mỗi người trong công ty, bất kể chức vụ gì đều phải có một ngày lao động ở bếp ăn tập thể hoặc tưới cây để biết được sự khó nhọc, nỗi vất vả của người lao công, từ đó mới có thể sống vì mọi người.
Không chỉ vậy, TS. Nguyễn Trí Dũng còn áp dụng mô hình đào tạo “Học trước trả sau” cho khoảng 5.000 học viên có hoàn cảnh khó khăn và giới thiệu việc làm cho họ ở các Khu công nghiệp trong và ngoài thành phố. Trường Doanh Thương Trí Dũng đã đào tạo gần 30.000 lượt học viên các ngành Quản trị, Kinh tế, Thương mại, Kế toán, Marketing, Vi tính, Anh ngữ, Nhật ngữ… cung cấp nhân lực cho các doanh nghiệp và các khu chế xuất. Đối với những học viên nghèo cần có việc làm ổn định, ông cấp học bổng, miễn giảm học phí và giới thiệu việc làm sau khi tốt nghiệp.
Người tiên phong thúc đẩy quan hệ Việt – Nhật
Hơn 50 năm sống và làm việc tại “xứ sở mặt trời mọc”, có vợ người Nhật và 2 con gái nhưng TS. Nguyễn Trí Dũng vẫn nặng lòng với quê hương Việt Nam. Hơn ai hết, ông hiểu rõ nền tảng sự phát triển thần kỳ của Nhật Bản và mong muốn đem những kiến thức, kinh nghiệm làm kinh tế của người Nhật về Việt Nam để giúp nền kinh tế Việt Nam phát triển sánh vai với Nhật Bản. Ước mơ đó được ông ấp ủ và hiện thực hóa bằng chương trình “Giấc mơ Việt Nam”, được khởi xướng vào những năm 1990.
Chương trình “Giấc mơ Việt Nam” đề cao nguồn nhân lực, vốn và thông tin để doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội và nền tảng xứng tầm, đuổi kịp các nước trên thế giới. Với phương châm “kỹ Tây, hồn Việt”, chương trình xây dựng tư duy phát triển bền vững Việt Nam vươn lên vượt trội bằng văn hóa, tâm hồn Việt. Đồng thời, vận động thế hệ trẻ Việt Nam đóng góp cho sự phát triển bền vững của đất nước bằng giấc mơ đang ấp ủ thực hiện.
Đó cũng là khởi đầu cho sự hình thành của Vườn Minh Trân, nơi giao lưu kết nối văn hóa, kinh tế, khoa học, công nghệ giữa hai dân tộc Việt – Nhật và là mái nhà rộng cửa đón tiếp trí thức, chuyên gia trong nước cũng như người Việt Nam ở nước ngoài cùng đoàn kết xây dựng, phát triển Việt Nam tốt đẹp.
Khu vườn tái hiện khung cảnh làng quê Việt Nam thanh bình, yên ả với không gian hoài cổ và dân dã, nhưng vẫn được trang bị công nghệ hiện đại để làm việc, giao lưu đón tiếp đối tác nước ngoài liên kết chuyển giao văn hóa, công nghệ.
Đó không chỉ là không gian riêng để lưu giữ, phát huy truyền thống, văn hóa, cội nguồn Việt mà còn là nơi ông giao lưu, kết nối văn hóa. TS. Nguyễn Trí Dũng chia sẻ: “Tôi cũng đã có phần “tô đậm lên” khi đặt tên khu vườn Minh Trân là Vườn ươm Giấc mơ Việt Nam. May mắn được sống và làm việc tại Nhật Bản trong thời gian dài, nhưng tôi tự hào mình là người Việt Nam và bây giờ tôi cảm thấy hạnh phúc khi được làm nhịp cầu văn hóa giữa hai nước”.
TS. Nguyễn Trí Dũng còn là người tiên phong thúc đẩy quan hệ Việt – Nhật. Trong giai đoạn khó khăn của đất nước sau chiến tranh, ông đã vận động nhân dân Nhật bản trên toàn quốc gửi tặng Việt Nam hàng nghìn máy may thông qua Hội Phụ nữ Việt Nam ở nhiều tỉnh, thành và hàng trăm xe đẩy cho các bệnh viện và những gia đình liệt sĩ ở cả hai miền Bắc – Nam. Hơn 1000 chiếc máy may đã được trao cho hơn 30 trung tâm dạy nghề may mặc của Hội Phụ nữ Việt Nam ở nhiều tỉnh, thành. Đây là việc làm thiết thực và có ý nghĩa nhằm tạo điều kiện cho phụ nữ Việt Nam tham gia phát triển kinh tế đất nước.
Bên cạnh đó, ông còn tích cực tham gia các hoạt động thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa các thành phố Việt Nam và các thành phố khác trên thế giới, đặc biệt là quan hệ giữa TP.HCM và các thành phố của Nhật Bản như: Tokyo, Yokohama, Kawasaki, Nagoya, Kobe, Hiroshima, Sendai…
Không chỉ ủng hộ về vật chất, ông còn đóng góp khả năng và chất xám của mình cho quê hương, với mong muốn Việt Nam phát triển tiến kịp với các nước trên thế giới. Nổi bật nhất và công trình dịch thuật sách “Biến giấc mơ thành sức mạnh đi tới” của tác giả Honda Soichiro vào năm 2007 và đã được phát hành 10.000 bản tại Việt Nam. Ông mong muốn cuốn sách sẽ đánh thức giấc mơ của những bạn trẻ Việt Nam qua câu chuyện rất thực về người được coi là “thánh kinh doanh” của Nhật Bản, đi từ nghèo khó tới thành công.
Năm 2023, khi Việt Nam và Nhật Bản đánh dấu kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973-2023), TS. Nguyễn Trí Dũng đã chia sẻ niềm vui, xem đây là dịp để hai nước có cơ hội cùng nhau xây dựng tương lai mới.
Với những cống hiến góp phần thúc đẩy quan hệ hai nước, TS. Nguyễn Trí Dũng đã được cả hai chính phủ trao tặng rất nhiều danh hiệu và giải thưởng. Tiêu biểu như danh hiệu “Vinh danh nước Việt” vào năm 2006, Đại sứ Thiện chí Đặc biệt tỉnh Hyogo – Nhật Bản tại Việt Nam từ năm 2007, “Huân chương Mặt trời mọc” và danh hiệu Đại sứ du lịch Kansai – Nhật Bản vào năm 2015, kỷ niệm chương “Vì hòa bình, hữu nghị giữa các dân tộc” nhân kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản vào năm 2018.
Do tuổi cao lại mắc bệnh hiểm nghèo nên TS. Nguyễn Trí Dũng đã từ trần vào lúc 12 giờ 12 phút (giờ Việt Nam), ngày 21/2/2024 (nhằm ngày 12 tháng Giêng năm Giáp Thìn) tại Nhật Bản, hưởng thọ 77 tuổi trong sự tiếc thương của gia đình, bạn bè và đồng nghiệp. Lễ nhập quan diễn ra vào lúc 14 giờ (giờ Việt Nam) ngày 23/2. Lễ di quan và hỏa táng vào lúc 14 giờ (giờ Việt Nam) ngày 24/2 tại Nhật Bản. Lễ viếng tại Việt Nam sẽ bắt đầu vào lúc 8 giờ từ ngày 24/2 đến 18 giờ ngày 26/2 tại Vườn Minh Trân số 51 Trần Thị Trọng, phường 15, quận Tân Bình, TP.HCM. |