Sàn thương mại điện tử Temu đang có có nhiều động thái trong việc phát triển tại thị trường Việt Nam.
Quản lý chặt việc bán hàng trên thương mại điện tử
Theo quy định của Nghị định 85 của Chính phủ, các sàn thương mại điện tử khi hoạt động tại Việt Nam bắt buộc phải đăng ký. Tuy nhiên, mặc dù “đổ bộ” hồi đầu tháng 10.2024, nhưng đến ngày 24.10, sàn thương mại điện tử Temu mới gửi đơn đăng ký cấp phép hoạt động tại Việt Nam.
Như vậy kể từ đầu tháng 10, đặc biệt là hai tuần qua, Temu đã bán hàng không phép tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Thành – Giám đốc Trung tâm Phát triển thương mại điện tử (Bộ Công Thương) cho biết – có hai căn cứ quan trọng để xử lý vi phạm hành chính với các sàn thương mại điện tử hoạt động mà không thông báo tại Việt Nam là Nghị định 52/2013 và Nghị định 85/2021.
Theo ông Thành, từ trước tới nay, nhiều sàn thương mại điện tử đã bị xử lý vì hoạt động mà không thông báo với cơ quan quản lý nhà nước. Mức phạt có thể lên tới 80 triệu đồng.
“Khi chưa đăng ký với Bộ, họ chỉ được phép chạy ngầm. Tức là chỉ chạy dưới địa chỉ IP để cập nhật, xét duyệt, hiển thị thông tin lên trang. Cho đến khi được cấp nhãn đã đăng ký với Bộ Công Thương thì mới được phép bán hàng”, ông Thành nói.
Theo đại diện Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), trong lúc các sàn thương mại điện tử đã được cấp phép như Shopee, Lazada hay Tiki chịu sự kiểm soát của các cơ quan chức năng, chấp hành các quy định về thuế, bảo vệ người tiêu dùng… thì Temu, Shein và 1688 đang hoạt động không phép, đồng nghĩa với việc sẽ chưa hoặc không nộp thuế, không chịu sự kiểm soát, tạo ra một cuộc chơi không công bằng.
Mặt khác, không giống như các sàn nội địa, sàn thương mại điện tử Temu, Shein và 1688 yêu cầu khách hàng phải thanh toán bằng thẻ Visa hoặc một số trung gian thanh toán từ nước ngoài và họ cũng giao 100% hàng từ nước ngoài. Như vậy sẽ phát sinh vấn đề về cạnh tranh, chất lượng sản phẩm cũng như nghĩa vụ nộp thuế.
Đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm – Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội cho rằng, hiện đã có đầy đủ quy định pháp luật về quản lý Nhà nước đối với các sàn thương mại điện tử.
Vì vậy, những sàn thương mại điện tử như Temu xuất hiện đặt ra trách nhiệm cho cơ quan quản lý cần phải sớm rà soát và chấn chỉnh lại hoạt động quản lý đối với các sàn này tại Việt Nam.
“Cần hoàn thiện hệ thống luật pháp thuế và thị trường để thực thi hiệu quả, chặt chẽ hơn. Tăng cường biện pháp quản lý thuế, thị trường để hàng hóa bên ngoài bình đẳng với hàng sản xuất trong nước.
Bên cạnh đó cần tiếp tục quay trở lại rà soát chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nội địa, xem thực sự có hiệu quả hay không và hiệu quả đến đâu, bất cập chỗ nào để có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và hàng nội trên chính sân nhà”, ông Lâm nói.
Nâng cao chất lượng hàng Việt
Ngoài việc tăng cường quản lý hàng hóa trên thương mại điện tử, chuyên gia cho rằng cần nâng cao chất lượng hàng Việt để tăng sức cạnh tranh.
Trao đổi với Lao Động, ông Vũ Vinh Phú – Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội cho hay, chúng ta phải chủ động để tiến hành một số giải pháp, đó là nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt bằng việc nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến bao bì nhãn mác.
Đồng thời liên doanh liên kết tạo sức mạnh cộng đồng doanh nghiệp Việt, chú trọng thị trường nội địa gắn với xuất khẩu trực tiếp, qua các trang thương mại điện tử…
Bên cạnh đó, Nhà nước cần hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng như kho bãi, giao thông và phương tiện vận chuyển, đưa công nghệ quản lý mới, tiên tiến vào ứng dụng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp, nâng cao năng suất lao động trong sản xuất và lưu thông, phân phối; Xây dựng thương hiệu doanh nghiệp, sản phẩm của Việt Nam đủ năng lực cạnh tranh với các nước trong khu vực và quốc tế.