Nhằm phục vụ nhu cầu sản xuất gia tăng, những tháng còn lại của năm 2024, Đồng Nai cần thêm 40.000 lao động, TP.HCM cần thêm khoảng 150.000 lao động, Bình Dương cần thêm 30.000 lao động.
Tiếp tục thiếu hàng trăm ngàn lao động
Theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Dương, 6 tháng đầu năm có 3.210 doanh nghiệp tuyển dụng hơn 40.000 lao động. Dự kiến 6 tháng cuối năm, các doanh nghiệp sẽ tuyển thêm khoảng 30.000 lao động. Các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng nhiều ở các lĩnh vực điện tử, dịch vụ, công nghiệp cơ khí, may mặc, giáo dục.
Trong 8 tháng của năm 2024, thu hút đầu tư trong nước của Bình Dương ước đạt 50.671 tỷ đồng vốn đăng ký. Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng ghi nhận nhiều tăng trưởng, đạt 1,097 tỷ USD, trong đó có 129 dự án đầu tư mới và hơn 90 dự án điều chỉnh tăng vốn.
Đây là tín hiệu tích cực thúc đẩy hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại trên địa bàn. Nhờ đó, nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp cũng tăng cao.
Còn theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, trong 6 tháng cuối năm, các doanh nghiệp ở thành phố cần khoảng trên 153.500 – 161.500 chỗ làm việc, ở các lĩnh vực như thương mại dịch vụ, công nghiệp xây dựng, nông, lâm, thủy sản…Nhu cầu nhân lực qua đào tạo chiếm 87,7% tổng nhu cầu nhân lực của thành phố.
Tương tự, đại diện Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Nai thông tin những tháng cuối năm, toàn tỉnh có gần 1.400 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động với gần 40.000 người. Trong đó, lao động phổ thông chiếm trên 40% lao động có trình độ đại học, cao đẳng, khoảng 10% còn lại có chứng chỉ nghề, sơ cấp và trung cấp chuyên nghiệp.
Mới đây, tại Sàn giao dịch việc làm Đồng Nai diễn ra vào giữa tháng 8, cũng đã có 20 đơn vị, doanh nghiệp tham gia với nhu cầu tuyển gần 1.400 lao động, chủ yếu ở các lĩnh vực may mặc, da giày, dịch vụ.
Các vị trí tuyển dụng công nhân có tay nghề và lao động phổ thông chiếm phần lớn nhu cầu. Một số doanh nghiệp cũng ưu tiên tuyển lao động nam cho các ngành công nghiệp nặng, trong khi lao động nữ được ưu tiên tuyển dụng trong các ngành dịch vụ và bán lẻ.
Theo báo cáo của ManpowerGroup Việt Nam, một số doanh nghiệp trong ngành thương mại điện tử và logistics hoạt động ở phía Nam dự kiến tăng số lượng tuyển dụng gấp 4 lần trong 6 tháng cuối năm.
Qua quan sát của ManpowerGroup Việt Nam cũng như các đơn hàng tuyển dụng mà doanh nghiệp này nhận được từ đầu năm đến nay, bà Nguyễn Thanh Hương, Giám đốc Nhân sự toàn quốc ManpowerGroup nhận định nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông ở khu vực miền Nam có sự khởi sắc và nhiều tín hiệu tích cực.
Giải pháp nào cho thiếu hụt lao động?
Với nhu cầu cao nhưng thiếu lao động kéo dài, nhiều doanh nghiệp các tỉnh trọng điểm phía Nam thông báo tuyển lao động bổ sung với các chế độ đãi ngộ hấp dẫn như sắp xếp chỗ ở ký túc xá, thưởng lương tháng thứ 13 và thưởng thêm sau Tết Nguyên đán.
Không chỉ tuyển dụng, các doanh nghiệp còn có kế hoạch đào tạo, nâng cao tay nghề cho người lao động, nhằm đáp ứng xu hướng chuyển dịch của ngành công nghiệp khu vực này.
Ông Phạm Văn Tuyên, Phó giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Bình Dương cho biết, để hạn chế tình trạng thiếu hụt lao động, Sở đã kết nối chặt chẽ cung cầu lao động giữa các doanh nghiệp thu hẹp quy mô, cắt giảm lao động với doanh nghiệp mở rộng quy mô và cần tuyển thêm lao động.
Phối hợp với các cơ sở đào tạo nghề, trường trung cấp, cao đẳng, đại học liên kết với doanh nghiệp để giới thiệu lao dồng. Ngoài ra, kết nối với các tỉnh miền Tây để tìm nguồn lao động, hỗ trợ cho các doanh nghiệp trên địa bàn.
Trước việc thiếu hụt lao động nhưng khó tuyển dụng lao động, Bình Dương cũng sẽ hướng tới sản xuất bằng máy móc để giảm lao động chân tay.
Tương tự, là một trong những địa phương có số lượng khu công nghiệp nhiều nhất cả nước, với 32 khu đã đi vào hoạt động. Đồng Nai định hướng sẽ ưu tiên thu hút những dự án đầu tư có chất xám cao, ứng dụng công nghệ hiện đại, bảo vệ môi trường, sử dụng ít lao động phổ thông, đẩy mạnh tự động hóa.
Để đáp ứng nguồn lực cho các doanh nghiệp sản xuất các đơn hàng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán 2025, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Đồng Nai cũng đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đẩy mạnh các sàn giao dịch việc làm để kết nối cung – cầu lao động; đồng thời tuyên truyền nhu cầu tuyển dụng trên các phương tiện để người lao động, nhất là lao động thất nghiệp, bị mất việc làm biết, phỏng vấn, sớm trở lại thị trường lao động.
Tại TP.HCM, Trung tâm Dịch vụ việc làm sẽ tiếp tục tổ chức các sàn giao dịch việc làm, ngày hội tuyển dụng. Trong đó, tập trung kết nối lao động thuộc các ngành, nghề mà doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng cao vào cuối năm 2024 như bán buôn và bán lẻ; hoạt động kinh doanh bất động sản; cơ khí; hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ; chế biến lương thực, thực phẩm, đồ uống; tài chính, ngân hàng và bảo hiểm; thông tin và truyền thông.