9 tháng đầu năm, hoạt động kinh doanh ngoại hối của các ngân hàng phân hoá rõ nét. Bên cạnh nhiều ngân hàng ghi nhận sự tăng trưởng đột biến từ kinh doanh ngoại hối thì cũng có một số ngân hàng thua lỗ từ mảng này.
Bức tranh trái chiều trong kinh doanh ngoại hối
Gần đây, thị trường chứng kiến sự tăng mạnh của tỷ giá USD/VND. Tính từ đầu năm đến nay, giá USD tại các ngân hàng tăng khoảng 1.100 đồng/USD, tương đương mức tăng 4,4%.
Tỷ giá biến động mạnh là cơ hội cho nhiều nhà băng “lướt sóng”, kiếm lợi nhuận ở hoạt động kinh doanh ngoại tệ. Ngược lại, cũng có một số nhà băng ngậm ngùi báo lỗ từ hoạt động này…
Đến thời điểm hiện tại, ngoại trừ Agribank, các ngân hàng đều đã công bố kết quả kinh doanh quý III và 9 tháng đầu năm 2024. Một trong những điểm đáng chú ý là lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối có sự phân hóa rõ nét tại các ngân hàng.
Có nhiều ngân hàng vẫn ghi nhận khoản thu nhập ngoài lãi đáng kể từ kinh doanh ngoại hối hoặc từ lỗ chuyển sang lãi trong mảng này. Nhưng cũng có một số ngân hàng ghi nhận lỗ hàng chục tới hàng trăm tỷ đồng.
Diễn biến này nằm trong bối cảnh thị trường ngoại hối chịu không ít áp lực, tiền đồng nhiều thời điểm chịu sức ép mất giá rất lớn.
Theo thống kê, trong 9 tháng đầu năm, tổng lãi thuần từ mảng kinh doanh ngoại hối của 29 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính đạt 19.621 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, có 12 ngân hàng báo mức lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối tăng trưởng. Ở chiều ngược lại, có tới 13 ngân hàng ghi nhận tăng trưởng âm và 4 ngân hàng ghi nhận lỗ từ hoạt động này.
BIDV tiếp tục giữ vững vị trí dẫn đầu khi đạt lãi thuần 3.923 tỷ đồng về kinh doanh ngoại hối trong 9 tháng, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước.
Hai vị trí tiếp theo cũng thuộc về 2 nhà băng trong nhóm Big4 là Vietcombank và VietinBank. Vietcombank ghi nhận lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối đạt 3.706 tỷ đồng, giảm 22%,. Còn VietinBank báo cáo lãi thuần 3.139 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong nhóm ngân hàng cổ phần tư nhân, MB vươn lên vị trí dẫn đầu, xếp ngay sau các Big4, với lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối đạt 1.516 tỷ đồng. Con số này thể hiện mức tăng trưởng 65%, giúp MB cải thiện hai bậc trên bảng xếp hạng so với thời điểm cuối quý II.
Vị trí thứ 2 trong nhóm ngân hàng tư nhân là Techcombank. Ngân hàng này ghi dấu ấn với khoản lãi thuần từ hoạt động ngoại hối đạt 1.017 tỷ đồng trong 3 quý đầu năm, cao hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm trước lỗ 117 tỷ đồng.
Một số ngân hàng khác cũng lãi lớn từ hoạt động này là MSB (846 tỷ đồng), Sacombank (831 tỷ đồng), ACB (827 tỷ đồng), HDBank (609 tỷ đồng), SeABank (563 tỷ đồng)….
Đáng chú ý, tương tự Techcombank, VPBank cũng ghi nhận mức tăng đột biến từ lãi thuần hoạt động kinh doanh hối mang về khoản lãi hơn 594 tỷ đồng sau 3 quý. Con số này không quá lớn so với toàn ngành nhưng nếu so với mức lỗ hơn 600 tỷ đồng cùng kỳ năm trước thì đây là mức tăng trưởng đáng kể.
Nhiều ngân hàng lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối với mức tăng trưởng hai con số.
Xét về tốc độ tăng trưởng, VietABank tiếp tục dẫn đầu toàn ngành với mức tăng trưởng lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối đạt 290% so với cùng kỳ và mang về 12 tỷ đồng. Theo sau là HDBank (116%); BVBank (82%); MB (65%), SeABank (57%), VIB (49%) và BIDV (25%)…
Ngược lại, có tới 13 ngân hàng ghi nhận tăng trưởng âm từ hoạt động kinh doanh ngoại hối trong 9 tháng đầu năm. Điển hình là TPBank (-92%); Kienlongbank (-83%); SHB (-80%); ACB (-24%); Vietcombank (-22%); MSB (-18%)…
Thậm chí, có đến 4 ngân hàng ghi nhận lỗ từ hoạt động này. Đó là PVcomBank (lỗ 201 tỷ đồng), Bac A Bank (lỗ 81 tỷ đồng), Nam A Bank (lỗ 22 tỷ đồng) và PGBank (lỗ 3 tỷ đồng).
Vì sao kinh doanh ngoại hối mang lại lãi lớn cho ngân hàng?
Theo báo cáo tài chính của các ngân hàng, hoạt động kinh doanh ngoại hối có hai nguồn thu chủ yếu là kinh doanh ngoại tệ giao ngay và công cụ tài chính phái sinh tiền tệ.
Trong đó, thu nhập từ mảng kinh doanh ngoại hối của các ngân hàng chủ yếu đến từ dịch vụ kinh doanh ngoại tệ giao ngay. Điều này tương ứng nguồn thu nhập đến từ chênh lệch giữa giá mua vào và giá bán ra.
Mảng này phụ thuộc nhiều vào biến động của tỷ giá USD và các ngoại tệ khác trong nước. Nguồn thu nhập đến từ chênh lệch giữa giá mua – giá bán giao ngay luôn được duy trì ở một mức biên xác định.
Giai đoạn tỷ giá biến động mạnh là thời điểm thuận lợi và là cơ hội cho các ngân hàng “lướt sóng”, kiếm lợi nhuận ở hoạt động kinh doanh ngoại tệ.
Trong 9 tháng đầu năm nay, giá USD bán niêm yết tại các ngân hàng thường cao hơn giá mua 350 – 400 đồng/USD trong khi nhu cầu ngoại tệ trên thị trường tăng mạnh.
Với mức giao dịch “khổng lồ” và chênh lệch giá mua và bán tăng cao như vậy, không khó hiểu khi các ngân hàng lãi lớn ở hoạt động này.
Đây là hoạt động có lợi nhuận ổn định của các ngân hàng, khi nguồn thu nhập đến từ chênh lệch giữa giá mua vào và bán giao ngay luôn được duy trì ở một mức biên xác định. Các ngân hàng quốc doanh thường có được nguồn thu lớn và ổn định từ hoạt động kinh doanh ngoại hối giao ngay nhờ quy mô giao dịch lớn.
Bên cạnh đó, lợi nhuận của kinh doanh công cụ phái sinh tiền tệ cũng là nguyên nhân làm nên sự khác biệt trong kết quả kinh doanh ngoại hối của các nhà băng.
Thêm nữa, lợi nhuận còn đến từ hoạt động mua – bán USD giữa các ngân hàng với NHNN.
Ngoài ra, nhiều ngân hàng đang lãi lớn từ hoạt động cho vay. Các ngân hàng đang sử dụng nghiệp vụ Swap để hoán đổi USD sang VND, sau đó dùng VND để cho vay các doanh nghiệp. Do đó, dù ngân hàng có thể lỗ từ hoạt động kinh doanh ngoại hối, song tựu trung ngân hàng vẫn lãi ròng từ nguồn ngoại hối mang lại.
Bởi trong trường hợp tỷ giá tăng, ngân hàng sẽ hưởng lãi kép: vừa lãi từ nghiệp vụ cho vay vừa hưởng lãi nhờ tỷ giá tăng. Trong trường hợp tỷ giá giảm, ngân hàng sẽ lỗ từ hoạt động kinh doanh ngoại hối nhưng sẽ được bù đắp từ hoạt động cho vay.
Với lợi nhuận từ hoạt động cho vay bao giờ cũng lớn hơn nhiều so với mức giảm của tỷ giá USD/VND, nên lãi ròng của ngân hàng từ kinh doanh ngoại hối vẫn rất lớn.
Những ngân hàng có thế mạnh về kinh doanh ngoại tệ, đặc biệt là có cơ sở khách hàng doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu lớn, thì càng có nhiều lợi thế ở hoạt động này. Bởi trong giai đoạn thị trường ngoại hối thường xuyên biến động, rủi ro tỷ giá lớn buộc các khách hàng này phải mua các hợp đồng mua bán ngoại tệ kỳ hạn hoặc quyền chọn, từ đó giúp các ngân hàng càng gia tăng nguồn thu phí từ các hợp đồng này.