Tỷ giá đã nhích tăng trở lại sau 2 tuần liên tục giữ ở mức thấp hơn vùng giá cao trước đó nhờ động thái can thiệp bán ngoại tệ giao ngay từ quỹ dự trữ ngoại hối của NHNN.
Tuy nhiên, có kỳ vọng về khả năng tỷ giá vẫn sẽ tiếp tục được kiềm giữ tốc độ biến động và tiến đến hạ nhiệt, ổn định dần vào cuối năm.
Trong tuần từ 6-10/5, giá đồng bạc xanh trên thị trường quốc tế ghi nhận tăng nhẹ. Theo đó, USD-Index tăng 0,23 điểm so với tuần trước, lên mức 105.31 điểm.
Giá USD hồi phục nhẹ được cho xuất phát từ những nhận định của giới chức chức Fed cho thấy lãi suất có thể cao hơn trong thời gian dài hơn. Dù vậy, Phố Wall vẫn còn kỳ vọng sẽ có 2 đợt cắt giảm lãi suất của Fed vào thời gian tới, tuy đợt cắt giảm đầu tiên có thể chưa diễn ra ngay tại kỳ họp vào tháng Sáu.
Công cụ dự đoán lãi suất CMEFed Watch ngày 12/5 ghi nhận có tới 96,5% nhà đầu tư tin rằng Fed vẫn giữ lãi suất ở mức 5,25-5,5% như hiện tại và chỉ có 3,5% người dự báo NHTW Mỹ có thể thảo luận mức lãi suất 5-5,25% ngay kỳ họp tháng Sáu. Trong khi đó, đồng bạc xanh vẫn có biến động nhẹ ở vùng cao, trong vòng biến động chung của các tài sản như kim loại quý ở các phiên cuối tuần qua.
Giá USD thế giới neo vùng cao, lãi suất Fed neo cao, cộng hưởng giá vàng trong nước cũng tăng đột biến hôm thứ Sáu trong tuần, khiến tỷ giá VND/USD bật tăng nhẹ.
Tỷ giá trung tâm giữa đồng Việt Nam và USD ghi nhận tăng 30 đồng/USD so với tuần trước (phiên 03/5), lên 24.271 đồng/USD trong phiên 10/5.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giữ giá mua giao ngay không đổi ở mức 23.400 đồng/USD. Bên cạnh đó, giá bán giao ngay cũng được giữ nguyên ở mức 25.450 đồng/USD kể từ ngày 19/04. Đây là giá bán can thiệp mà NHNN thông báo bán USD cho các nhà băng có trạng thái ngoại tệ âm để chuyển trạng thái ngoại tệ về 0.
Thông tin từ WiGroup thống kê theo dữ liệu là NHNN có thể đã bán tới 500 triệu USD từ đó đến hiện nay. Và đây là động thái đã góp phần mang đến một không gian bớt nóng cho tỷ giá trong 2 tuần vừa qua.
Nhận định về giá trị các biện pháp can thiệp của NHNN từ tháng 4 đối với tỷ giá và ngoại hối, Bộ phận Phân tích của CTCK MB (MBS Research) cho biết, hàng loạt các biện pháp bao gồm: đấu thầu vàng miếng nhằm thu hẹp chênh lệch giá bán trong nước và thế giới, đẩy lãi suất liên ngân hàng nhằm hạn chế các hoạt động carrytrade (giao dịch chênh lệch lãi suất tiền tệ), đồng thời bán can thiệp ngoại tệ cho các tổ chức tín dụng có trạng thái ngoại tệ. “Chúng tôi cho rằng nỗ lực mạnh mẽ NHNN đã phần nào giải tỏa tâm lý thị trường cũng như nhu cầu USD giảm nhẹ theo mùa vụ đã giúp tỷ giá ổn định trong tuần cuối của tháng 4”, theo MBS Research.
Nhóm phân tích cũng cho rằng nhìn chung, diễn biến của đồng VND vẫn khá tương đồng với các đồng tiền khác trong khu vực: baht Thái (giảm 7,8%), Malaysia riggit (-3,8%), Singapore dollar (-3,4%),…
Theo đó, các nhà phân tích dự báo tỷ giá sẽ dao động trong khoảng 25.100 – 25.300 VND/USD trong quý II năm nay (tức thấp hơn mức đang ghi nhận trên thị trường hiện tại), dưới những yếu tố tích cực:
Thứ nhất, Chính phủ đã có những chỉ đạo kiểm soát để bình ổn thị trường vàng;
Thứ hai, những yếu tố vĩ mô tích cực sẽ hỗ trợ như thặng dư thương mại tích cực khi lũy kế 4 tháng 2024 đạt 8,4 tỷ USD (gấp 2 lần svck), dự trữ ngoại hối vẫn đang ở mức tốt và dự kiến đạt 110 tỷ USD trong năm 2024, dòng vốn FDI thực hiện 4 tháng ước đạt 6,2 tỷ USD, tăng 7,4% svck và du lịch phục hồi mạnh mẽ khi 4tháng 2024 tăng 68,3% svck và tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2019 – năm chưa xảy ra dịch Covid-19.
“Sự ổn định của môi trường vĩ mô nhiều khả năng sẽ được duy trì và cải thiện hơn nữa sẽ là cơ sở để ổn định tỷ giá trong năm 2024”, theo MBS Research.