Bất chấp tỷ giá USD gần đây liên tục zíc zắc quanh vùng đỉnh lịch sử, giới phân tích đánh giá VND vẫn nằm trong số những đồng tiền ổn định nhất khu vực. Tuy nhiên Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ cần tận dụng các công cụ như dự trữ ngoại hối hay đưa ra giải pháp mới quản lý thị trường vàng để hạn chế bớt đà mất giá của tiền đồng trong tháng 3.2024.
Tỷ giá USD tiếp tục tăng nóng. Trên thị trường tự do ngày 12.3, USD đang được giao dịch ở mức 25.500 – 26.700 đồng (mua vào – bán ra), tương ứng vùng cao kỷ lục trong lịch sử. Trái lại tại các ngân hàng thương mại, tỷ giá USD lại diễn biến ngược chiều khi được điều chỉnh giảm. Tại Vietcombank, tỷ giá USD đang được niêm yết ở mức 24.430 – 24.770 đồng.
Trước sóng tỷ giá, trong phiên giao dịch hôm qua 11.3, Ngân hàng Nhà nước đã chào bán tín phiếu trở lại sau hơn 4 tháng tạm dừng. Theo đó, NHNN đã hoàn thành đợt phát hành gần 15.000 tỉ đồng tín phiếu kỳ hạn 28 ngày theo cơ chế đấu thầu lãi suất. Điều này gợi nhớ tới lần gần nhất nhà điều hành hút tiền qua kênh tín phiếu là vào giai đoạn tháng 9 – 11.2023 trong bối cảnh tỷ giá USD/VND cũng chịu nhiều áp lực.
Theo đánh giá từ ông Nguyễn Xuân Thông – Giám đốc CTCP Tư vấn đầu tư RTV Việt Nam, diễn biến của tỷ giá hiện chỉ mang tính chất thời vụ, thậm chí còn là tin tốt. Ông lý giải: “Điều cần lưu ý Việt Nam là nền kinh tế nhập khẩu để xuất khẩu. Đầu năm thường cần nhập lượng nguyên liệu lớn để xuất khẩu, kéo theo nhu cầu ngoại tệ tăng đột biến. Tôi cho rằng nếu xét về kinh tế vĩ mô thì có thể làm một tin tốt vì chúng ta dám nhập khẩu để xuất khẩu lại, thể hiện kinh tế đang phục hồi”.
Đồng quan điểm, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng cho rằng nhu cầu nhập khẩu của khối trong nước tăng cũng dẫn đến áp lực mất giá đối với tiền đồng trên thị trường chính thức.
Khối phân tích từ Chứng khoán VNDIRECT cho biết chỉ số DXY tăng cao vào tháng 2 do CPI Mỹ cao hơn dự kiến và dữ liệu kinh tế Mỹ mạnh hơn dự báo. Đẩy lùi kịch bản Fed hạ lãi suất điều hành tại các cuộc họp tiếp theo. Ngoài ra, giá vàng trong nước tăng mạnh và duy trì mức chênh lệch giá cao so với giá vàng quốc tế cũng gây áp lực lên tỷ giá VND. Các loại tiền tệ khác trong khu vực cũng mất giá so với USD, bao gồm Nhân dân tệ Trung Quốc (-1,2% tính tức đầu năm), Rupiah Indonesia (-2,1%), Ringgit Malaysia (-3,2%) và Thai Bath (-4,8%).
“VND vẫn nằm trong số những đồng tiền ổn định nhất khu vực nhờ thặng dư thương mại cao (28,3 tỉ USD năm 2023), cán cân thanh toán cao (khoảng 5 – 6% GDP năm 2023) và vốn FDI giải ngân mạnh (23,1 tỉ USD năm 2023, tăng 3,5% so với cùng kỳ) và dòng kiều hối ổn định (16 tỉ USD, tăng 32% so với cùng kỳ” – VNDIRECT nhận định.
Ngân hàng UOB kỳ vọng về tốc độ tăng trưởng GDP mạnh hơn ở Việt Nam (dự báo năm 2024 là 6,0%) và đà phục hồi trong lĩnh vực sản xuất và ngoại thương là những yếu tố tích cực có thể giúp ổn định đồng VND. Sự phục hồi tiếp theo của CNY (Nhân dân tệ) mà VND thường có cùng xu hướng, cùng với sự suy yếu của USD trước đợt cắt giảm lãi suất của FED vào tháng 6 sẽ mang lại sự phục hồi nhẹ cho VND.
“Dự báo cập nhật về USD/VND của chúng tôi là 24.400 trong quý II/2024, 24.200 trong quý III/2024, 24.000 trong quý IV/2024 và 23.800 trong quý I/2025” – các chuyên gia kinh tế UOB dự báo.