Là một tỉnh nghèo, điều kiện kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn, nhưng Hà Giang luôn quan tâm, triển khai đồng bộ các giải pháp bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống. Nhiều biện pháp bảo vệ, lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống được thực thi hiệu quả, phát huy được vai trò, giá trị của văn hóa.
Bệ phóng tạo đà phát triển
Hà Giang có những vùng đất còn lưu giữ và bảo tồn nhiều vốn văn hóa truyền thống độc đáo của các dân tộc sinh sống trên địa bàn huyện, đặc biệt là các lễ hội, lễ thức văn hóa dân gian, biểu hiện của tín ngưỡng nông nghiệp, đậm nét đặc trưng của nền văn minh lúa nước.
Cuối tháng 9 vừa qua, tuần lễ “Qua những miền di sản ruộng bậc thang Hoàng Su Phì 2023” (sự kiện thường niên được tổ chức kể từ năm 2012) với chuỗi hoạt động phong phú cùng nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn tại huyện vùng cao núi đất phía tây Hà Giang đã góp phần hiện thực hóa lộ trình phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Ruộng bậc thang là một sự sáng tạo phi thường về văn hóa, thể hiện tính thích ứng của con người nơi đây với môi trường khắc nghiệt vùng núi.
Bằng bàn tay tài hoa và khối óc sáng tạo của mình, đồng bào nơi đây đã vẽ nên “một bức tranh khổng lồ đầy màu sắc, một công trình kiến trúc vĩ đại” đủ sức làm say lòng bất cứ ai đặt chân đến vùng đất này. Danh thắng ruộng bậc thang Hoàng Su Phì trải đều khắp 24 xã, thị trấn của huyện với tổng diện tích hơn 9.000 ha, được cộng đồng các dân tộc nơi đây tôn tạo, phát triển qua hàng trăm năm, trong đó ruộng bậc thang tại 11 xã đã được xếp hạng là Danh thắng quốc gia.
Hoàng Su Phì còn có lễ hội Quyã Hiéng (tiếng Dao có nghĩa là Qua năm) của đồng bào dân tộc Dao đỏ xã Hồ Thầu (được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2015). Trong lễ hội có màn hát Páo Dung (hát đối đáp) rất ấn tượng của người Dao. Nội dung của bài hát khá phong phú, đề cập mọi vấn đề trong cuộc sống với những ý tứ bay bổng sâu xa, nhất là những lời hát về đề tài tình yêu đôi lứa. Để tỏ tình, người con trai thường hát: Mưa rơi xuống đất tụ thành sông/ Kết tình chưa lâu trời đã sáng/ Lại sắp xa nhau ở cách làng… Còn các đôi lứa lỡ không lấy được nhau do duyên phận thì hát: Cây tốt không đến ta làm nhà/ Người đẹp không đến ta làm vợ/ Đất tốt không đến ta trình tường/ Người đẹp không đến ta làm chồng… Đây thật sự là một nét văn hóa độc đáo, là nguồn tài nguyên quý để phát triển du lịch Hoàng Su Phì.
Ở huyện Mèo Vạc, nhằm khôi phục, bảo tồn và phát huy nghề thêu trang phục truyền thống của dân tộc Lô Lô và truyền dạy nghề này cho thế hệ trẻ, năm 2013, Hợp tác xã Thêu thổ cẩm Lô Lô được thành lập tại thị trấn Mèo Vạc với 16 thành viên ban đầu. Sau 10 năm hoạt động, hiện nay hợp tác xã đã có 24 thành viên, cung cấp nhiều sản phẩm ra thị trường, đem lại nguồn thu mỗi năm hơn 100 triệu đồng, và quan trọng là động viên các thành viên tiếp tục gìn giữ nghề thuê truyền thống.
Hằng năm, huyện Mèo Vạc tổ chức Ngày hội Văn hóa dân tộc Lô Lô với chuỗi hoạt động mang đậm bản sắc văn hóa, như: Trình diễn lễ rửa làng, lễ cầu mưa, múa trống, nhảy sạp, múa nhảy lửa, các trò chơi dân gian… Ngày hội góp phần làm phong phú thêm sản phẩm du lịch, tạo không gian cho du khách đến tham quan, tìm hiểu, trải nghiệm ở Mèo Vạc. Lãnh đạo huyện Mèo Vạc khẳng định sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo duy trì và nâng cao chất lượng của Làng Văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Lô Lô (thị trấn Mèo Vạc); vận động các hộ cư dân Lô Lô bảo tồn phong tục, tập quán, lễ hội truyền thống; tổ chức thường niên Ngày hội Văn hóa dân tộc Lô Lô; củng cố hoạt động của Hợp tác xã Thêu thổ cẩm Lô Lô…
Vài năm gần đây, du khách đến Hà Giang không chỉ để khám phá những danh thắng nổi tiếng như Suối Tiên, cổng trời Quản Bạ, đèo Mã Pì Lèng, sông Nho Quế, cột cờ Lũng Cú, ruộng bậc thang Hoàng Su Phì… mà còn để được hòa mình vào đời sống của đồng bào dân tộc nơi đây. Đối với du khách thập phương, chắc chắn không thể bỏ lỡ năm lễ hội độc đáo ở Hà Giang, gồm: Lễ hội hoa tam giác mạch; lễ hội nhảy lửa của đồng bào dân tộc Pà Thẻn; lễ hội Cầu Trăng của người Tày; lễ hội Gầu Tào của người H’Mông; và lễ hội Cấp Sắc của người Dao. Kết quả điều tra xã hội học gần đây cho thấy, 90% số du khách đến Hà Giang là bởi sự hấp dẫn của cảnh sắc thiên nhiên, bản sắc văn hóa độc đáo, con người thân thiện nơi đây. Và đó chính là cơ sở quan trọng để Hà Giang tiếp tục định hướng bảo tồn văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang, du lịch Hà Giang đã dần khẳng định vị trí vững chắc trên bản đồ du lịch quốc gia. Năm 2020, dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, nhưng du lịch Hà Giang đã phục hồi nhanh chóng để đón 1,5 triệu lượt khách; giai đoạn 2020-2022, du khách đến Hà Giang tăng bình quân 39%/năm. Năm 2022, tỉnh đón xấp xỉ 2,3 triệu lượt khách, doanh thu từ du lịch đạt 4.536 tỷ đồng. Chín tháng đầu năm nay, du lịch Hà Giang tiếp tục khởi sắc khi đã đón hơn 2 triệu lượt du khách, và mục tiêu đón 3 triệu lượt khách, doanh thu từ du lịch đạt 5.000 tỷ đồng đề ra cho năm 2023 đang có đủ cơ sở để về đích trước thời hạn.
Phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa các dân tộc
Du lịch Hà Giang đã và đang phát triển theo hướng bền vững, trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế và dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đầu tháng 9 vừa qua, Hà Giang vinh dự được nhận Giải thưởng “Điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á” 2023 của giải thưởng World Travel Awards 2023 (được coi như “giải Oscar của ngành du lịch thế giới”). Giải thưởng này chính là sự ghi nhận những nỗ lực của Hà Giang trong xây dựng hình ảnh, phát triển đúng hướng, đúng trọng tâm và bền vững; đồng thời là động lực để tỉnh tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm nâng tầm, khẳng định vị trí địa phương trên bản đồ du lịch khu vực.
Những năm qua Đảng bộ, chính quyền tỉnh Hà Giang đã triển khai thực hiện sâu rộng các chủ trương, đường lối, chỉ thị, nghị quyết của Đảng về văn hóa. Hệ thống các di sản văn hóa trên địa bàn được đầu tư, tôn tạo và phát huy vai trò trong phát triển kinh tế-xã hội. Những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc được gìn giữ, kế thừa và phát huy, làm phong phú cho nền văn hóa dân tộc. Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, với đặc thù của tỉnh vùng cao miền biên viễn, có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 90% với 19 dân tộc, để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc, Hà Giang đã xác định tiếp tục các giải pháp nhất quán trong thời gian tới.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Trần Đức Quý, tỉnh đã xác định phát triển du lịch gắn với việc bảo tồn, lưu giữ bản sắc văn hóa các dân tộc, giữ được bản chất địa chất, địa mạo, không làm tổn hại đến môi trường. Là một tỉnh còn nhiều khó khăn, Hà Giang muốn phát triển phải huy động được sự vào cuộc của nhân dân để bảo đảm môi trường, giữ được văn hóa, bản sắc của con người và cảnh quan địa phương.
Các giá trị truyền thống của đồng bào các dân tộc đã giúp Hà Giang khẳng định giá trị du lịch của miền biên viễn cực bắc Tổ quốc, nhờ đó nơi đây hình thành được các sản phẩm du lịch đặc trưng có sức thu hút du khách theo phương châm “Giữ văn hóa để phát triển du lịch, phát triển du lịch để giữ gìn bản sắc văn hóa”.
Theo Báo Nhân Dân