Vé máy bay tăng cao: Cần giảm thuế phí, gỡ khó cho ngành hàng không

Giá vé máy bay tăng cao đột biến đến từ nhiều nguyên nhân, từ việc khan hiếm máy bay cho đến việc vé máy bay đang “gánh” nhiều loại phí. Các chuyên gia kiến nghị để giảm giá vé cần bắt đầu từ việc gỡ khó cho ngành hàng không.

Cần hỗ trợ ngành hàng không vượt qua khó khăn. Ảnh: Sân bay Nội Bài

Như các bài viết trước Lao Động đã phân tích, để thực hiện được một chuyến bay, bình quân một vé máy bay sẽ phải gánh trên 20 loại phí cả trực tiếp và gián tiếp. Ví dụ như phí sân bay quốc nội, phí thuê quầy bán vé giờ chót; phí thuê quầy hành lý thất lạc; phí thuê phòng tác nghiệp, phòng nghỉ, trực ca cho nhân viên; phí thuê phòng máy của hãng; phí thuê kho; phí sử dụng thiết bị đầu cuối…

Trong đó, một số loại phí ở nhiều nơi trên thế giới không còn thu, chẳng hạn như như phí vào sân bay.

Khi phí sân bay quá nhiều, quá cao, giá vé máy bay buộc phải đẩy cao lên, khách đi máy bay, khách du lịch có thể ít đi. Điều này không chỉ khiến các hãng hàng không thiệt hại mà chính cảng hàng không cũng thâm hụt nguồn thu. Điều này còn ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành du lịch – ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Bởi đang xuất hiện nguy cơ “chảy máu du lịch nội địa” vì giá vé máy bay.

Tập trung giải pháp gỡ khó

Trước những nguy cơ trên, ngoài việc các hãng hàng không tiết giảm chi phí thì việc tập trung các giải pháp hỗ trợ cho ngành hàng không để “hạ nhiệt” giá vé máy bay là hết sức quan trọng. Nhất là trong bối cảnh giá vé máy bay tăng cao, bức tranh kinh doanh ngành hàng không phân hóa rõ rệt. Các hãng bay vẫn còn nhiều khó khăn khi giá nhiên liệu và các chi phí cấu thành giá vốn ở mức cao, ngược lại nhóm doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không là điểm sáng của ngành.

Tiến sĩ Bùi Doãn Nề – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam – kiến nghị, giá vé máy bay phụ thuộc nhiều vào khung giá trần Nhà nước quy định và không được vượt qua mức giá trần. Tuy nhiên, đầu vào cấu thành giá vé luôn biến động. Do đó, phương pháp giảm thuế, phí cùng gỡ khó cho ngành hàng không lúc này là rất cần thiết.

Những chuyên gia khác kiến nghị, các doanh nghiệp dịch vụ hàng không nên chia sẻ với các hãng hàng không bằng việc giảm các loại phí, để đảm bảo hài hòa lợi ích người dân – doanh nghiệp.

Ngoài giải pháp giảm thuế, phí, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng cho biết, nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, các hãng hàng không đã cam kết tăng cường thêm máy bay.

Vietnam Airlines cam kết sẽ bổ sung thêm số lượng máy bay trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 9.2024; trong khoảng tháng 7 đến tháng 9.2024, Vietjet cũng sẽ tăng số lượng tàu bay. Với sự cam kết của các hãng hàng không, số lượng tàu bay vẫn chưa đủ đáp ứng. Do đó, một số giải pháp sẽ được tính toán thêm như: tăng thời gian khai thác, giảm thời gian quay đầu.

“Đơn cử, tàu bay A320, A321 của Vietnam Airlines đang khai thác bình quân 9-10 tiếng/ngày, Vietjet khoảng 12-13 tiếng/ngày, thời gian này sẽ được tính toán, điều chỉnh. Thời gian quay đầu ở sân bay của tàu bay A321 cũng sẽ nghiên cứu kéo giảm từ 45 phút xuống khoảng 30-35 phút. Phương án đưa tàu bay thân rộng vào khai thác nội địa cũng sẽ được tính toán đến dù rất tốn kém”, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho hay.

Trao đổi với Báo Lao Động, ông Đặng Anh Tuấn – Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines thông tin, hãng hàng không quốc gia đang đẩy mạnh các giải pháp để thực hiện cam kết có thêm máy bay đáp ứng việc đi lại của người dân trong thời gian cao điểm. Ngay trong tháng 5 tới đây, Hãng sẽ tiếp nhận máy bay thân rộng thứ 30 (Boeing 787-10).

“Trước đây, do tác động của COVID-19, Vietnam Airlines dự kiến lùi thời gian nhận thêm máy bay 1-2 năm. Song, trước tình huống thiếu hụt máy bay, chúng tôi đã làm việc với Boeing và các nhà cho thuê. Đến tháng 7, Vietnam Airlines sẽ tiếp nhận thêm một tàu bay, nâng tổng số tàu bay lên 31 chiếc” – ông Đặng Anh Tuấn thông tin.

Máy bay hoạt động tại sân bay Nội Bài. Ảnh: Xuyên Đông

Tính toán cân đối chi phí vé máy bay

Nhìn ở góc độ chi phí vé máy bay, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh – chuyên gia kinh tế phân tích, theo cách tính của một số chuyên gia hàng không, với cùng một chặng bay, trung bình người Việt mất tới 12 ngày làm việc; Thái Lan là 5 ngày, Mỹ là 0,3 ngày và Australia là 0,6 ngày. Như vậy, giá vé hiện nay là quá đắt so với thu nhập của người dân Việt Nam.

Các chi phí vé máy bay gồm: Chi phí sân đỗ, đường băng sân bay, xăng dầu, thuê máy bay, lương phi công… đều tính bằng USD.

Việc trượt giá của các đồng ngoại tệ cũng là một phần khiến giá vé máy bay tăng.

“Các hãng hàng không đều phải dùng USD để chi tiêu cho các chi phí hoạt động hàng không, từ thuê máy bay, sân đỗ, cất hạ cánh, điều hành bay… để đáp ứng theo tiêu chuẩn quốc tế quy định. Do đó, khi mở bán vé máy bay, hãng hàng không cũng phải tính theo USD để quy đổi ra giá tiền Việt Nam đồng, nên giá vé máy bay cao”, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh chia sẻ.

Để giải bài toán giá vé máy bay, ngoài giải pháp giảm các loại phí, ông Thịnh cho rằng, cần chú trọng các giải pháp ổn định tỷ giá ngoại tệ. Ngoài ra, nhà nước cần có các hỗ trợ về chính sách tín dụng giúp cho ngành hàng không có thêm trợ lực vượt qua khó khăn.

Khi nào các hãng hàng không đủ “sức khỏe”, khi đó họ sẽ bớt gánh nặng chi phí và qua đó góp phần giảm chi phí giá vé máy bay.

Theo Lao Động