Vì sao khó vay ngân hàng mua bất động sản dù lãi suất thấp?

Lãi suất cho vay bất động sản vẫn đang duy trì ở mức thấp. Tuy nhiên, giá nhà cao, quy định về điều kiện vay khiến nhu cầu vay vốn cả người dân và chủ đầu tư chưa được cải thiện.

Hiện nay, lãi suất cho vay mua nhà của người dân khoảng 5-6%/năm trong năm đầu còn với chủ đầu tư từ 7-8%/năm trong năm đầu. Tuy nhiên, nhu cầu cả người dân và doanh nghiệp vay tín dụng thời điểm này thấp.

Chị Bích Thu (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, dù có nhu cầu đổi nhà từ căn 2 phòng ngủ sang 3 phòng ngủ khi gia đình con cái đã lớn nhưng nửa năm nay chị cũng không mua được nhà.

“Giá nhà các dự án mới quá cao so với tích luỹ của gia đình. Muốn có căn 3 phòng ngủ ít nhất cũng phải từ 5 tỷ đồng trở lên. Mặc dù các dự án đều liên kết với ngân hàng cho vay lãi suất thấp nhưng chỉ ưu đãi năm đầu. Những năm tiếp theo, số tiền vay với lãi thả nổi gia đình sợ không gánh được nên tôi từ bỏ ý định đổi nhà”, chị Thu nói.

Lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản ở Hà Nội cho hay: “2 năm nay doanh nghiệp không có dự án mới nên cũng không có nhu cầu vay vốn thời điểm này”.

Nhu cầu vay vốn mua nhà của người dân giảm vì giá bất động sản tăng cao (ảnh: Ngọc Mai).

Theo lãnh đạo nhiều ngân hàng, 6 tháng đầu năm nay, giao dịch bất động sản thấp do nhu cầu mua nhà của người dân không tăng. Điều này đến từ các nguyên nhân như: Vướng mắc pháp lý của nhiều dự án khiến nguồn cung bất động sản hạn chế, thị trường địa ốc chưa hồi phục, kinh tế khó khăn và thu nhập của người dân tăng chậm, giá nhà tăng cao. Bất động sản nghỉ dưỡng cũng trầm lắng do lượng khách du lịch giảm so với thời điểm trước dịch Covid-19. Do đó, tín dụng bán lẻ của các ngân hàng đều bị ảnh hưởng.

Đáng chú ý, theo Thông tư 22 có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, ngân hàng thương mại chỉ được cho cá nhân vay để mua nhà ở đã được hoàn thành để bàn giao, tức là nhà ở có sẵn. Liên quan đến quy định này, một số ý kiến cho rằng, Thông tư 22 đang gây khó khăn cho thị trường bất động sản, làm hạn chế quyền tiếp cận vốn của cá nhân tại ngân hàng.

Tổng Giám đốc Vietcombank Nguyễn Thanh Tùng cho biết, thống kê mới nhất từ ngân hàng đến hết ngày 17/6, dư nợ tín dụng mới tăng 2,1% so với đầu năm; trong đó, tín dụng cá nhân (chủ yếu là vay mua bất động sản) tăng chậm.

Đại diện Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội (MB) cho biết, các ngân hàng đang đẩy mạnh hoạt động cho vay đối với lĩnh vực bất động sản công nghiệp. Bởi, các dự án bất động sản khu công nghiệp cơ bản được tháo gỡ vướng mắc về mặt pháp lý. Ngân hàng Nhà nước cũng hạ hệ số rủi ro tín dụng bất động sản công nghiệp từ 200% xuống 160%, khuyến khích các ngân hàng cho vay lĩnh vực này.

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực chỉ ra tín dụng bất động sản chiếm 1/5 tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế. Thời điểm áp dụng các luật mới ban hành như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng… được đẩy lên sớm hơn 5 tháng so với dự kiến ban đầu sẽ góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản phục hồi. Nhờ đó, tín dụng bất động sản nói riêng và hoạt động của các ngân hàng nói chung cũng sẽ tốt hơn trong nửa cuối năm, nhất là khi mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp.

Dẫn số liệu của Ngân hàng Nhà nước, báo cáo về thị trường bất động sản của Bộ Xây dựng cũng cho hay, tính đến 28/2/2024, dư nợ tín dụng riêng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1.113.673 tỷ đồng. Trước đó, Ngân hàng Nhà nước cho biết, dư nợ bất động sản đến cuối năm 2023 khoảng 2,88 triệu tỷ đồng, trong đó vay kinh doanh bất động sản khoảng 1,09 triệu tỷ đồng; vay tiêu dùng (mua, xây sửa nhà) đạt 1,79 triệu tỷ đồng.

Theo Báo Tiền Phong