Vì sao quảng cáo thực phẩm chức năng “nổ tung trời” khó xử lý?

Bất chấp nỗ lực từ cơ quan quản lý, vấn nạn thực phẩm chức năng được quảng cáo “nổ tung trời” như “thần dược” vẫn luôn nhức nhối dư luận suốt thời gian qua và đến nay chưa có hồi kết…

Tensicare bị Cục An toàn thực phẩm phát cảnh báo vi phạm, tháng 3.2023. Ảnh: Chụp màn hình

Theo thống kê của Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam cho thấy, có tới 80% các quảng cáo gây bức xúc hiện nay trên mạng xã hội là “trá hình” thực phẩm chức năng. Năm 2023, lực lượng chức năng đã phát hiện gần 19.000 sản phẩm vi phạm, sai phạm. Chỉ tính riêng quý I/2024 cơ quan chức năng cũng đã phát hiện tới gần 200 sản phẩm vi phạm.

Tại trang web chính thức của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), liên tục nêu tên các nhãn hàng, doanh nghiệp vi phạm trong hoạt động quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Thậm chí, có doanh nghiệp giả mạo đài truyền hình, lồng ghép video tinh vi để quảng cáo sai về thực phẩm chức năng. Nhiều người còn giả mạo bác sĩ, lương y của các bệnh viện lớn để tư vấn về thực phẩm chức năng… như thuốc chữa bệnh.

Một số doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm chức năng, sản phẩm làm đẹp, giảm cân đã mời diễn viên, ca sĩ, nghệ sĩ, người nổi tiếng quay quảng cáo. Nhiều sản phẩm trong số đó đã bị thổi phồng về công dụng…

Trên nhiều trang mạng xã hội, không ít loại thực phẩm chức năng đang được thần thánh hóa, coi như sản phẩm vạn năng, trị bách bệnh. Đáng nói, rất nhiều trang web vi phạm về quảng cáo thực phẩm chức năng, nhưng lại nhan nhản những lời quảng cáo là “số 1”, “tốt nhất”, “cứu tinh”, “thần dược”, “cam kết không tái phát”, “chữa dứt điểm đau xương khớp”…, đánh vào tâm lý người tiêu dùng.

Theo phân tích các chuyên gia y tế, việc quảng cáo “thổi phồng” công dụng trong lĩnh vực thực phẩm chức năng không chỉ gây thiệt hại về tài chính, mà còn ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của người bệnh. Bởi nếu được điều trị đúng cách, người bệnh có thể khỏi bệnh, nhưng tin theo những lời quảng cáo sai sự thật có thể ảnh hưởng đến quá trình điều trị bệnh, qua thời gian điều trị vàng.

Một trong rất nhiều trường hợp điển hình là nạn nhân của việc tin vào thực phẩm chức năng được quảng cáo trên mạng, Bệnh viện trung ương Quân đội 108 đã tiếp nhận một bệnh nhân bị tiểu đường rất nặng. Người này bị lừa mua thực phẩm chức năng trên trang facebook giả danh BS Trần Văn Chiển – Phó Chủ nhiệm Khoa Y học cổ truyền (Bệnh viện trung ương Quân đội 108). Sau dùng thuốc, bệnh nhân bị biến chứng nặng, dẫn đến chỉ số đường huyết tăng cao, sụt 10kg.

Hàng loạt trang Facebook mạo danh Bệnh viện 103 với mục đích bán thực phẩm chức năng.

Xung quanh vấn đề này, PGS.TS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam cho biết, thực trạng nhức nhối trong ngành thực phẩm chức năng hiện nay là những quảng cáo sai sự thật, lừa gạt, giả mạo; quảng cáo phóng đại, thổi phồng sản phẩm; quảng cáo mơ hồ gây hiểu nhầm; quảng cáo nhắm vào các đối tượng nhạy cảm như bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.

Hiện tượng sai phạm trong quảng cáo thực phẩm chức năng không chỉ gây ra hậu quả “tiền mất, tật mang” cho người tiêu dùng mà còn làm giảm giảm uy tín của ngành thực phẩm chức năng, lẫn lộn giữa các doanh nghiệp làm ăn chân chính với doanh nghiệp làm ăn gian dối, đánh đồng sản phẩm thật và sản phẩm giả.

Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Thanh Phong – Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, trong những năm gần đây đã có rất nhiều cơ sở quảng cáo sai sự thật, quảng cáo quá công dụng của sản phẩm, gây hiểu nhầm cho người mua giữa thực phẩm bảo vệ sức khỏe với thuốc chữa bệnh bị Cục An toàn thực phẩm xử phạt. Ông Phong cũng cho biết, hiện nhiều doanh nghiệp quảng cáo không đúng, đặc biệt là các quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội như Zalo, Google, Facebook, YouTube…

Đang có tình trạng đăng ký một đằng, sản xuất một nẻo. Thời gian qua cũng tồn tại nhiều quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật. Cụ thể, theo luật quy định, các đơn vị chỉ được quảng cáo thực phẩm chức năng những nội dung đã được đăng ký, thẩm định và cơ quan chuyên môn cho phép. Thực tế, nhiều đơn vị cố tình vi phạm về thực phẩm chức năng. Đó là sản xuất sản phẩm thực phẩm chức năng không đúng như đăng ký công bố sản phẩm; nhà sản xuất vì lợi nhuận cho thêm chất cấm, chất độc hại vào thực phẩm chức năng ảnh hưởng đến bệnh tật, nguy hiểm tính mạng người dùng” – ông Phong chia sẻ.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, nhiều sản phẩm thực phẩm chức năng luôn cố quảng cáo thổi phồng, vượt quá công dụng của sản phẩm để thu hút người dùng.

Khi bị cơ quan chức năng “sờ gáy”, nhiều công ty trắng trợn, sẵn sàng chối bay không nhận nội dung trên trang website đó mình đang quảng cáo. Tuy nhiên, nhìn vào những nội dung quảng cáo này, người tiêu dùng hoàn toàn có thể nhận diện quảng cáo thổi phồng, lừa đảo nhằm đánh lừa người tiêu dùng sản phẩm có công dụng thần kỳ, thậm chí như thuốc chữa bệnh”, ông Phong nói.

Cũng nêu nhận định xung quanh vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm thẳng thắn cho rằng, thời gian qua, dù cơ quan chức năng đã đưa ra nhiều biện pháp nhưng chưa đủ mạnh để triệt “tận gốc”.

Theo ông Lâm, việc quảng cáo thực phẩm chức năng hiện nay không chỉ nằm ở đơn vị phát hành quảng cáo, những nền tảng xuyên biên giới như TikTok, Facebook mà còn cả trí tuệ nhân tạo, các thuật toán… Đây là những khó khăn đặt ra trong việc quản lý, xử lý và cảnh báo người tiêu dùng.

Để kiểm soát được những nội dung quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật, ông Lâm cho rằng cần chú ý đến không gian mạng.

Hiện nay, đã có nhiều biện pháp xử lý đối với những tên miền, doạnh nghiệp vi phạm về quảng cáo như chặn tên miền quốc tế hoặc xử phạt trong nước. Bên cạnh đó, chúng ta có thể xếp hạng theo chuẩn mực đạo đức trong lĩnh vực quảng cáo. Song song với đó là thống kê, phát hiện xử phạt vi phạm, cần cho những nhãn hàng vi phạm vào “danh sách đen” để cảnh báo đến các đơn vị hợp tác và cả người tiêu dùng. Những doanh nghiệp nào nằm trong danh sách này sẽ dễ dẫn đến rủi ro, khủng hoảng nhãn hiệu“, ông Lâm nêu quan điểm.

Theo Tạp Chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp