Vị thế mới của gạo Việt Nam

Bên cạnh khối lượng và giá trị xuất khẩu đạt mức kỷ lục, ngành gạo Việt Nam còn đón nhận nhiều tin vui từ sự khẳng định của quốc tế về chất lượng cũng như sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước, doanh nghiệp và các tổ chức tài chính quốc tế…

Kỹ sư nông nghiệp cùng nông dân thăm đồng lúa Lộc Trời 28. Ảnh: TL

Chất lượng được quốc tế công nhận

Trong khuôn khổ Hội nghị thương mại lúa gạo toàn cầu vừa được tổ chức tại Cebu, Philippines do The Rice Trader tổ chức, cuộc thi Gạo ngon thế giới quy tụ trên 30 giống lúa từ 10 quốc gia Việt Nam, Campuchia, Thái Lan, Ấn độ, Philippines… Trong đó, Việt Nam có 3 DN dự thi với 6 giống gạo. Kết quả chung cuộc, Việt Nam đã vượt qua cả quán quân Campuchia và Ấn Độ – quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới để được vinh danh là gạo ngon nhất thế giới năm 2023.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính đến 15/11, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 7,37 triệu tấn, thu về 4,155 tỷ USD, tăng 16% về khối lượng và tăng 35% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Như vậy, đây là lần đầu tiên trong một năm, giá trị xuất khẩu gạo của Việt Nam vượt mốc 4 tỷ USD.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hoàng Trung nhấn mạnh, việc trao giải chung cho gạo Việt Nam cho thấy, không chỉ một giống gạo mà nhiều giống gạo đều được tôn vinh, qua đó khẳng định vị thế của gạo Việt Nam nói chung. Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT cũng đánh giá, Việt Nam hiện có một bộ giống lúa rất tốt, năng suất cao, chất lượng tốt, ngắn ngày, có điều kiện bố trí thời vụ, né tránh điều kiện thời tiết khí hậu, sâu bệnh; có quy trình canh tác giảm vật tư đầu vào thích ứng biến đổi khí hậu…

Sở hữu 2 trong số 6 giống gạo dự thi lần này là Lộc Trời 28 và Nàng Hoa 9, Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời cho biết, giống lúa Lộc Trời 28 được chọn từ hơn 2.000 cá thể từ các tổ hợp lai giữa giống Lộc Trời 1 và Basmati từ năm 2014 đến nay, có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, hạt gạo dài, trắng trong, thon, cho cơm mềm dẻo, hương thơm kết hợp giữa mùi lài và lá dứa, vị ngọt đậm đà. Trước đó, Lộc Trời 28 đã được vinh danh “Gạo ngon nhất thế giới 2018” tại The 5th Continental Rice Traders Conference – CRTC 2018 tổ chức tại Trung Quốc và tiếp tục đăng quang “Gạo ngon nhất Việt Nam” tại Festival lúa gạo Việt Nam lần thứ 5, năm 2022 tại Vĩnh Long. Trong khi đó, giống Nàng Hoa 9 cho hạt gạo thon dài, cơm mềm dẻo, thơm dai, đậm vị và là một trong 9 giống lúa thơm được cấp hạn ngạch miễn thuế xuất khẩu vào thị trường EU theo hiệp định thương mại EVFTA.

Thứ trưởng Hoàng Trung cũng cho biết, sau giải thưởng lần này, Bộ NN&PTNT sẽ tăng cường các hoạt động để xây dựng thương hiệu và quảng bá cho các giống gạo đã có đóng góp mang lại thành tích chung cho gạo Việt Nam. Cụ thể, Bộ NN&PTNT đã giao Trung tâm Xúc tiến thương mại phối hợp với DN để xây dựng thương hiệu cho các giống gạo, đồng thời sẽ đề nghị Bộ Công Thương có chính sách hỗ trợ quảng bá, xây dựng thương hiệu cho các DN có giống lúa chất lượng.

Sản xuất bền vững để tăng giá trị, giảm phát thải

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1490/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”. Bộ NN&PTNT được giao nhiệm xây dựng kế hoạch triển khai, phối hợp với các địa phương, các Hiệp hội triển khai thực hiện hiệu quả, thành công Đề án.

Mục tiêu của đề án là hình thành một triệu ha vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững của ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế. Đề án được triển khai tại 12 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long với diện tích khoảng 1 triệu ha là An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Long An, Sóc Trăng, Cần Thơ, Bạc Liêu, Trà Vinh, Hậu Giang, Cà Mau, Tiền Giang và Vĩnh Long; thực hiện trong hai giai đoạn.

Ông Nguyễn Như Cường đánh giá, chưa có dự án, đề án nào có được sự huy động từ nhiều nguồn lực, hỗ trợ kỹ thuật và tài chính từ các quỹ tài chính carbon, các quỹ hỗ trợ trên thế giới như vậy. Cụ thể, theo lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng thế giới đã cam kết cho vay khoảng 350-400 triệu USD để thực hiện đề án.

Ở góc độ DN, ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lộc Trời cho biết, với hệ sinh thái nông nghiệp ngày càng hoàn thiện và chuỗi giá trị lúa gạo từ hạt giống đến hạt gạo, Lộc Trời và các đơn vị thành viên tập đoàn quyết tâm gắn bó cùng bà con nông dân, mở rộng liên kết sản xuất, tham gia tích cực vào đề án 1 triệu ha vừa được Chính phủ chấp thuận để cung ứng nguồn giống xác nhận, đặc biệt cho 2 giống lúa vừa đoạt giải, Lộc Trời 28 và Nàng Hoa 9.

Lộc Trời khuyến khích bà con nông dân thực hiện quy trình canh tác khoa học cùng sử dụng bộ giải pháp chăm sóc và bảo vệ cây trồng hài hòa hữu cơ – sinh học – hóa học để bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên đất và nước, giảm lượng hóa chất rải xuống đồng ruộng thông qua việc cơ giới hóa… theo đúng các tiêu chí về sản xuất lúa gạo bền vững. DN này cũng đảm bảo bao tiêu lúa, phát huy năng lực sản xuất và chế biến lúa gạo để luôn có thể cung cấp gạo ngon, gạo mới, chất lượng cao đến người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Nhiều tổ chức tài chính quốc tế cũng đang tích cực đồng hành cùng các DN Việt Nam trong việc hỗ trợ tài chính cho việc phát triển chuỗi lúa gạo đa giá trị, giảm phát thải khí nhà kính và nâng cao thu nhập cho nông dân. Điển hình, Tập đoàn PAN và Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam vừa tiến hành trao Biên bản ghi nhớ cùng nhau hợp tác triển khai các giải pháp và dịch vụ tài chính đạt tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và quản trị (ESG), giúp DN này triển khai các dự án nông nghiệp bền vững. Trong đó, PAN đang hợp tác cùng UBND tỉnh Đồng Tháp xây dựng và triển khai đề án Nâng cao thu nhập người trồng lúa nhằm phát triển chuỗi giá trị lúa gạo khép kín, giảm phát thải và tăng thu nhập cho nông dân.

Tương tự, Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (LTG) và Ngân hàng Phát triển DN (FMO) của Hà Lan cũng vừa ký kết và trao đổi ý định thư tài trợ gói tín dụng 90 triệu USD (hơn 2.100 tỷ đồng) để thực hiện liên kết sản xuất lúa gạo bền vững và đầu tư cơ sở hạ tầng nông nghiệp nhằm nâng cao năng lực sản xuất và cung ứng gạo của Lộc Trời.

Với sự chung tay của các cấp chính quyền, cơ quan chuyên môn, các nhà khoa học nông nghiệp, đội ngũ doanh nhân, DN, các tổ chức quốc tế và đặc biệt là sự lao động của hàng triệu người nông dân, ông Nguyễn Như Cường kỳ vọng đề án sẽ làm thay đổi căn cơ chuỗi giá trị lúa gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam nói chung.

Theo Haiquanonline