Hãng thời trang Mỹ Victoria’s Secret vừa chính thức mở cửa hàng đầu tiên của mình ở Việt Nam. Một bước tiến nữa trong sách lược chuyển trọng tâm sang châu Á của hãng này.
Tuần vừa rồi, cửa hàng chính thức đầu tiên của Victoria’s Secret đã mở tại trung tâm thương mại Lotte Hồ Tây, Hà Nội. Hãng thời trang này hiện đang có 1350 cửa hàng ở khoảng 70 quốc gia trên thế giới.
Hãng này đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức trong kinh doanh. Họ vừa có một quý đầu tiên của năm 2024 thua lỗ tới 2,5 triệu USD.
Tổng doanh số trong 13 tuần, tính đến ngày 4/5 đã giảm 3,4 phần trăm, tệ hơn so với quý trước. Doanh số quý giảm 14 phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Dự kiến doanh thu ròng năm nay sẽ đạt khoảng 6 tỷ USD, thấp hơn một chút so với năm ngoái. Ban lãnh đạo của công ty vẫn chưa cho thấy một bước ngoặt nào cho tình trạng ảm đạm này.
Các nhà quan sát trong ngành cho biết, từng là công ty hàng đầu trong thị trường đồ lót với buổi trình diễn thời trang mang tính biểu tượng của riêng mình, Victoria’s Secret đang phải đối mặt với áp lực hoạt động và việc tiếp tục đóng cửa các cửa hàng trên thị trường phương Tây và đặt cược vào thị trường châu Á, đặc biệt là Trung Quốc.
Công ty có kế hoạch đóng cửa 38-42 cửa hàng ở Hoa Kỳ, thị trường lớn nhất của họ. Bên cạnh đó là mở các cửa hàng mới như Việt Nam tuần này, hay cửa hàng “chủ soái” (flagship) ở Singapore mấy tháng trước.
Một nguyên nhân lớn khiến Victoria’s Secret bị “thất sủng” ở phương Tây là vì họ sử dụng những người mẫu quá đẹp. Điều này khiến hãng bị chỉ trích là gây áp lực cho các phụ nữ bình thường và dẫn tới phụ nữ kêu gọi tẩy chay Victoria’s Secret.
Hãng đã nỗ lực thay đổi việc này bằng cách mời những người bình thường làm người mẫu nhưng tình hình vẫn không khả quan ở thị trường phương Tây. Và hiện có vẻ họ đang đặt cược lớn vào thị trường châu Á.
Victoria’s Secret đã mở cửa hàng đầu tiên tại Trung Quốc tại Thượng Hải vào năm 2015. Hiện tại, hãng này vận hành khoảng 70 cửa hàng tại quốc gia này. Trong vài năm qua, công ty đã tăng cường nỗ lực tiếp thị và bán hàng thương mại điện tử. Thậm chí cả “sale sập sàn”, giảm giá tới 20%, nhưng doanh số bán hàng trong nước không được cải thiện đáng kể.
Trong khi đó, Việt Nam vẫn được coi là thị trường đầy hứa hẹn cho ngành hàng xa xỉ, khi số lượng cá nhân trung lưu và siêu giàu tại Việt Nam đang tăng nhanh chóng. Theo ước tính của World Data Lab, trong số chín quốc gia châu Á dự kiến có số lượng người trung lưu mới gia nhập lớn nhất vào năm 2024, Việt Nam đứng thứ năm, với 4 triệu người. Ấn Độ đứng đầu danh sách (33 triệu người), tiếp theo là Trung Quốc (31), Indonesia (5) và Bangladesh (5). (Theo tổ chức này, những cá nhân thuộc tầng lớp trung lưu là những người chi tiêu ít nhất 12 đô la một ngày theo sức mua tương đương năm 2017).
Theo đó, tầng lớp trung lưu ở Việt Nam chiếm khoảng 17% dân số và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội dự kiến tỷ lệ này sẽ tăng lên 26% vào năm 2026.
Điều này lý giải cho “làn sóng” các thương hiệu bán lẻ hạng sang nước ngoài đổ bộ vào Việt Nam. Làn sóng này bắt đầu từ năm 2023, khi Mont Blanc và Balmain Paris mở cửa hàng đầu tiên tại Tràng Tiền Plaza, và Devialet cũng mở cửa hàng đầu tiên tại phố Tràng Tiền. Bước sang năm 2024, bộ ba ông lớn xa xỉ Cartier, Rene Caovilla và The Hour Glass Opera đồng loạt mở rộng vào đầu năm, tiếp tục “tiếp lửa” cho xu hướng này.
Với cửa hàng đầu tiên trình làng ở Hà Nội, có vẻ như Victoria’s Secret cũng đang đặt nhiều kỳ vọng ở thị trường Việt Nam.