Việt Nam kỳ vọng mở rộng mô hình lúa phát thải thấp, thu hút tài chính khí hậu và tạo hàng triệu tín chỉ carbon trong nông nghiệp bền vững.

Ngày 30.6, Hội thảo quốc tế “Lúa phát thải thấp và huy động tài chính khí hậu” đã thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà hoạch định chính sách, đại diện cơ quan quản lý, tổ chức quốc tế và doanh nghiệp. Chương trình do Trường Quản trị và Kinh doanh Hà Nội phối hợp với Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản (MAFF), Viện Chiến lược và Chính sách Nông nghiệp và Môi trường (ISPAE), Công ty Green Carbon Nhật Bản và Dragon Capital tổ chức.
Tại hội thảo, các chuyên gia tập trung thảo luận về phương pháp tưới ngập khô xen kẽ (AWD) – kỹ thuật canh tác lúa giúp giảm đáng kể phát thải khí mê-tan, tiết kiệm nước tưới và duy trì năng suất. Mô hình AWD do Green Carbon triển khai tại Nghệ An và An Giang bước đầu cho thấy hiệu quả tích cực. Tại Nghệ An, phát thải CH₄ có thể giảm tới hơn 60%, góp phần tăng thu nhập nông hộ. Riêng dự án tại An Giang có quy mô 116.000 ha, kỳ vọng tạo ra hàng triệu tín chỉ carbon trong giai đoạn 2025–2032.
Green Carbon cũng giới thiệu quy trình đo lường, báo cáo và xác minh (MRV) minh bạch, sử dụng công cụ kỹ thuật số, cảm biến và dữ liệu vệ tinh để tính toán chính xác lượng phát thải giảm. Nhờ vậy, Việt Nam có thể tham gia hiệu quả vào thị trường tín chỉ carbon tự nguyện và thị trường tuân thủ theo Điều 6 của Thỏa thuận Paris.
Tại hội thảo, đại diện Cục Biến đổi Khí hậu, Vụ Hợp tác Quốc tế, Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đều nhấn mạnh việc mở rộng mô hình lúa phát thải thấp là chiến lược trọng tâm nhằm thực hiện cam kết giảm 43,5% phát thải khí nhà kính vào năm 2030 và đạt phát thải ròng bằng 0 vào 2050, nếu được hỗ trợ quốc tế đầy đủ. Hội thảo là diễn đàn kết nối chính phủ, doanh nghiệp và nhà đầu tư cùng xây dựng hệ sinh thái tín chỉ carbon cho ngành nông nghiệp Việt Nam.
Từ góc độ tài chính, Green Carbon và Dragon Capital nhấn mạnh tiềm năng thương mại hóa tín chỉ carbon trong nông nghiệp. Các giải pháp tài chính sáng tạo được đề xuất nhằm định giá đúng giá trị sinh thái và thu hút dòng vốn xanh. Dragon Capital cam kết đồng hành với vai trò hỗ trợ vốn, tư vấn chiến lược và thúc đẩy lồng ghép ESG trong toàn chuỗi giá trị nông nghiệp.
Phát biểu tại hội thảo, ông Tanaka Tomoki – Phó trưởng Ban Chiến lược Quốc tế (MAFF Nhật Bản) cho rằng Cơ chế Tín chỉ chung (JCM) sẽ là công cụ quan trọng giúp huy động tài chính khí hậu. Mối quan hệ đối tác chiến lược Việt – Nhật đang được củng cố thông qua chuyển giao công nghệ, hỗ trợ kỹ thuật và hợp tác dài hạn vì mục tiêu khí hậu toàn cầu.
Với tầm nhìn trở thành nền tảng tín chỉ carbon nông nghiệp hàng đầu khu vực, Green Carbon đang đẩy mạnh hợp tác với các hợp tác xã, viện nghiên cứu và tổ chức quốc tế để thúc đẩy mô hình canh tác carbon thấp tại Việt Nam. Các tín chỉ carbon sẽ trở thành tài sản chiến lược, góp phần tái phân phối giá trị một cách công bằng và bền vững.