Trong các kịch bản giảm phát thải, GDP Việt Nam có thể giảm từ 16-17% so với chiến lược phát triển thông thường.
Thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Mô hình phân tích các chính sách giảm nhẹ biến đổi khí hậu tại Việt Nam”, do Viện Chiến lược phát triển phối hợp với Trường Đại học Quốc tế – Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức tại Hà Nội.
Theo bà Nguyễn Lệ Thủy, Phó viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), biến đổi khí hậu đã trở thành thách thức lớn nhất đối với nhân loại trong thế kỷ 21, và Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu.
Do đó, ứng phó với biến đổi khí hậu luôn được Chính phủ Việt Nam coi là ưu tiên trong các quyết sách phát triển quốc gia, đồng thời chủ động và tích cực thực hiện các cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu.
Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam đã cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 (net zero) vào năm 2050; cam kết giảm 30% lượng phát thải khí metan vào năm 2030 so với mức phát thải năm 2020; tuyên bố chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch.
Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách nhằm giảm phát thải, đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.
Nổi bật là “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050”, trong đó đưa ra mục tiêu trung hòa carbon, giảm phát thải khí nhà kính trên GDP.
Ngoài ra, “Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050” cũng đặt mục tiêu chủ động thích ứng hiệu quả, giảm mức độ dễ bị tổn thương, tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu; tận dụng cơ hội từ ứng phó biến đối khí hậu để chuyển dịch mô hình tăng trưởng, nâng cao sức chống chịu và cạnh tranh của nền kinh tế.
Tuy nhiên, khi hướng tới mục tiêu giảm phát thải, Việt Nam có thể phải đánh đổi bằng tăng trưởng kinh tế.
Bà Trần Thanh Tú, Giảng viên Đại học Quốc tế, Đại học quốc gia TP.HCM đã trình bày một số kết quả của mô hình phân tích chính sách giảm nhẹ biến đối khí hậu đang được nhóm nghiên cứu áp dụng thử nghiệm tại Việt Nam.
Mô hình lấy năm cơ sở là 2005, năm mục tiêu là 2050, với 4 kịch bản khác nhau trong quá trình Việt Nam tiến tới giảm phát thải khí nhà kính. Mô hình giả định dân số Việt Nam tăng 1% mỗi năm, GDP tăng 5-7% mỗi năm.
Kết quả phân tích mô hình cho thấy trong kịch bản phát triển bình thường, GDP Việt Nam đạt hơn 2 triệu tỷ USD vào năm 2050. Nhưng nếu Việt Nam thực hiện theo các kịch bản tăng trưởng đi kèm giảm phát thải, GDP Việt Nam có thể giảm khoảng 16% đến 17% so với con số trên.
Đặc biệt, khi cố gắng đạt net zero vào 2050, Việt Nam phải đánh đổi lượng giảm phát thải rất lớn, từ 75-83% so với kịch bản phát triển bình thường.
“Mục tiêu giảm phát thải sẽ đi kèm với đánh đổi về mặt kinh tế. Vấn đề đặt ra là Việt Nam có chấp nhận sự đánh đổi này không, và nếu chấp nhận, Việt Nam sẽ lấy nguồn nào để bù đắp sự thiếu hụt về GDP”, bà Trần Thanh Tú đặt vấn đề.
Tại hội thảo, các chuyên gia trong nước và quốc tế đều nhấn mạnh quá trình chuyển đổi phát thải thấp có tác động lớn tới quá trình triển kinh tế – xã hội trên nhiều mặt, cụ thể là đối với tăng trưởng GDP, việc làm, bất bình đẳng, xóa đói giảm nghèo, năng lực cạnh tranh, ô nhiễm không khí, sự không đồng đều giữa các vùng về tổn hại do biến đổi khí hậu gây ra…
Tuy nhiên, các chuyên gia quốc tế cam kết sẽ hỗ trợ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi này.
Bà Stephanie Solf, đại diện Cơ quan Đánh giá Môi trường Hà Lan, quản lý dự án Committed cho biết dự án Committed với sự tham gia của các đối tác đến từ châu Âu, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Pakistan và Việt Nam, sẽ tích cực hỗ trợ các nhà nghiên cứu, các chuyên gia xây dựng các mô hình phân tích chính sách giảm phát thải của quốc gia và ngành/lĩnh vực, từ đó góp phần giảm biến đổi khí hậu toàn cầu.
Bà Vicky Pollard, đại diện Tổng cục Hành động khí hậu – Ủy ban châu Âu, nói rằng sẽ tích cực thúc đẩy trao đổi kinh nghiệm giữa chuyên gia châu Âu và Việt Nam trong lĩnh vực giảm phát thải, đồng thời sẽ xem xét lộ trình rõ ràng để có hướng đầu tư phù hợp.