Theo Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao, Việt Nam ủng hộ nỗ lực phát triển, tôn trọng việc Campuchia triển khai dự án kênh đào Phù Nam Techo, mong muốn cùng nghiên cứu, đánh giá toàn diện tác động của dự án.
Tại họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều 8/8, báo chí đặt câu hỏi về phản ứng của Việt Nam trước sự kiện Campuchia khởi công xây dựng dự án kênh đào Phù Nam Techo hôm 5/8 vừa qua.
Trả lời, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt nhấn mạnh sông Mekong là tài sản vô giá, kết nối tinh thần đoàn kết hữu nghị đặc biệt giữa 3 nước Việt Nam, Lào và Campuchia.
Theo đó, Việt Nam mong muốn các quốc gia ven sông, trong đó có Campuchia, cùng nhau hợp tác, quản lý, phát triển hiệu quả, bền vững sông Mekong.
Việc này được thực hiện vì lợi ích của cộng đồng người dân trên lưu vực sông, cũng như vì tương lai của các thế hệ mai sau và tình đoàn kết gắn bó giữa các quốc gia bên sông.
“Trên tinh thần đó, Việt Nam ủng hộ nỗ lực phát triển của Campuchia cũng như tôn trọng việc Campuchia triển khai dự án kênh đào Phù Nam Techo. Chúng tôi cũng mong muốn cùng phối hợp nghiên cứu, đánh giá toàn diện, tổng thể tác động của dự án, cũng như có những biện pháp phù hợp để giảm thiểu tác động”, ông Việt cho biết.
Hôm 5/8, Thủ tướng Campuchia Hun Manet đã dự lễ khởi động dự án kênh đào trị giá 1,7 tỷ USD. Dự án nhằm mục đích mở một tuyến đường mới từ sông Mekong ra biển.
Tại sự kiện, trong màn pháo hoa và tiếng trống, Thủ tướng Campuchia gọi dự án dài 180km này là “lịch sử”. Sự kiện có sự tham dự của hàng nghìn người Campuchia.
“Chúng ta phải xây dựng kênh đào này bằng mọi giá”, ông Hun Manet nói.
Trước đó, Thủ tướng Campuchia thông báo dự án sẽ do liên doanh giữa Cảng tự trị Sihanoukville, Cảng tự trị Phnom Penh và một công ty tư nhân nắm 51% cùng các nhà đầu tư nước ngoài tiến hành theo hợp đồng BOT (Xây dựng – Vận hành – Chuyển giao).
Theo kế hoạch, kênh đào Phù Nam Techo có chiều rộng 100m ở thượng nguồn, 80m ở hạ nguồn, sâu 5,4m. Kênh kéo dài khoảng 180km (chỉ kém kênh đào Suez hơn 10km) từ Phnom Penh đến tỉnh ven biển Kep của Campuchia.
Kênh đào sẽ chạy qua 4 tỉnh gồm Kandal, Takeo, Kampot và Kep với tổng dân số 1,6 triệu người sinh sống hai bên đường thủy. Dự kiến, dự án sẽ được hoàn thành vào năm 2028.
Theo Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen kênh đào Phù Nam Techo giúp tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường cho hàng hóa của Campuchia bằng cách giảm chi phí vận chuyển, đồng thời kênh đào này cũng sẽ đóng vai trò là hệ thống thủy lợi ở phía tây nam Campuchia.
Phó Thủ tướng Campuchia Sun Chanthol cho hay lưu lượng nước qua kênh đào Phù Nam Techo dự kiến là 5m3/s, tương đương 0,053% lưu lượng sông Mekong. Con kênh sẽ được sử dụng để tưới tiêu trên đất liền và đánh bắt cá.